Đăk Pxi là xã vùng III đặc biệt khó khăn của huyện Đăk Hà, với đa phần là người Xơ Đăng đang sinh sống. Do đời sống còn nhiều thiếu thốn, trẻ em người dân tộc thiểu số hiếm có cơ hội trải nghiệm những hoạt động truyền thống trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc. Từ thực tế này, vào dịp cuối năm, giáo viên và học sinh tại Trường Tiểu học xã Đăk Pxi lại nô nức, quây quần bên nhau với những hoạt động trải nghiệm về Tết cổ truyền của dân tộc. Với chủ đề “Trải nghiệm không gian Chợ quê”, các em học sinh dân tộc thiểu số đã được trải nghiệm những hình ảnh chân thật về các hoạt động trong ngày Tết cổ truyền.
Thông qua chương trình, các em đã được trải nghiệm những món ăn đậm đà bản sắc vào dịp Tết; trực tiếp bày bán những gian hàng gồm các món ăn đặc sản của địa phương như gà nướng, cơm lam, rau củ… Đây là một trong những hoạt động thiết thực nhằm giáo dục cho học sinh kỹ năng mua bán, trao đổi hàng hóa, cũng như trau dồi khả năng tính toán, giao tiếp của các em.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Đăk Pxi Nguyễn Trung Dũng cho biết, nhà trường đã vận động phụ huynh góp công chặt tre, nứa, dựng gian hàng để mang lại cho học sinh những trải nghiệm độc đáo. Cùng đó, phụ huynh sẽ chuẩn bị những món ăn truyền thống của người dân tộc thiểu số và mặt hàng nông sản như rau rừng, măng le, măng nứa, măng sâm lũ, bí rẫy để học sinh bán.
Nhà trường còn vận động những người hảo tâm xây dựng gian hàng “Quần áo 0 đồng” để học sinh có thể ghé chọn cho mình hoặc người thân những bộ quần áo vừa nhất, đẹp nhất mặc vào dịp Tết. Đối với cộng đồng người dân tộc thiểu số tại xã Đăk Pxi, đây là món quà tinh thần to lớn giúp động viên những học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong dịp Tết đến, Xuân về.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đăk Pxi Hà Đức Mỷ cho biết, thông qua chương trình, học sinh người dân tộc thiểu số trên địa bàn đã có được những trải nghiệm thú vị. Đây chính là sân chơi lành mạnh để các em thỏa sức vui chơi, học tập nhận biết về tiền, mua bán và hiểu hơn về ngày Tết cổ truyền của dân tộc.
Với tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau”, Tỉnh Đoàn Kon Tum đã tổ chức nhiều chương trình như “Xuân tình nguyện”, “Xuân yêu thương”, “Vòng tay bạn bè” tại các trường học ở vùng sâu, vùng xa trên địa bàn. Cùng đó, Tỉnh Đoàn vận động nguồn lực tổ chức trao tặng 100 bánh chưng và 100 chăn ấm cho các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn; trao các công trình “Vườn hoa thanh niên”, “Đoạn đường thanh niên thắp sáng”, Sân chơi thiếu nhi và hàng trăm túi quà an sinh cho thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn; Tổ chức Phiên chợ 0 đồng.
Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Kon Tum Nguyễn Bảo Tân cho biết, các hoạt động được đơn vị tổ chức thường niên vào những dịp cận Tết với mong muốn góp phần tích cực cùng cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện công tác an sinh xã hội tại địa phương. Chương trình còn thể hiện sự quan tâm, động viên kịp thời để người dân, đoàn viên, thanh niên, các em thiếu nhi được vui Tết, đón Xuân đầy đủ, đầm ấm.Sự quan tâm của ngành Giáo dục nói riêng và các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Kon Tum nói chung đã giúp học sinh vùng dân tộc thiểu số nhận được những món quà chứa đựng tình cảm, sự động viên về vật chất và tinh thần. Từ đó, các em có thêm động lực học tập, được đón một mùa Xuân ấm áp.