Theo đó, học sinh cấp 1, 2 sẽ được giảm thi cử, không xếp hạng trong lớp và các chỉ số học tập khác trong học bạ. Điều này có nghĩa là sẽ không có kỳ thi hoặc bất kỳ đánh giá liên quan đến lớp cho học sinh Tiểu học lớp 1 và 2, không có thi giữa kỳ ở các "năm chuyển tiếp", không xếp hạng trong lớp và các chỉ số học tập khác trong sổ học bạ.
Quyết định này được cho là sẽ giảm bớt "bệnh" thành tích, thay vào đó, mỗi học sinh sẽ tập trung hơn vào sự tiến bộ của bản thân, kỹ năng mềm và phát triển nhân cách tích cực.
Bên cạnh đó, Singapore cũng khởi động chiến dịch mang tên "Cuộc sống bên trên điểm số" nhằm giúp các bậc phụ huynh vượt qua "bệnh" thành tích và bớt chú trọng điểm số của con em mình.
Động thái này cũng một lần nữa khẳng định quyết tâm của Chính phủ Singapore trong việc hướng tới việc đổi mới hệ thống giáo dục, trong đó chú trọng đến việc phát triển các kỹ năng mềm cho học sinh, bên cạnh đào tạo học vấn.
Nhiều sinh viên đến từ Việt Nam cho biết họ thực sự ấn tượng với môi trường học tập tại đây bởi ngoài các môn học thì các môn ngoại khóa cũng rất được chú trọng, không chỉ ở trong phạm vi Singapore mà còn ở tầm khu vực.
Với lợi thế là nơi "đóng đô" của nhiều công ty và tập đoàn đa quốc gia trên khắp thế giới, nên các buổi sinh hoạt ngoại khóa tại các trường như Đại học Quốc gia Singapore, Đại học Công nghệ Nanyang... đều mời đại diện các doanh nghiệp, tập đoàn lớn tới chia sẻ thông tin và trao đổi về định hướng nghề nghiệp với các sinh viên. Qua đó, sinh viên có cơ hội tiếp cận với các doanh nghiệp hay tập đoàn lớn, thuận lợi cho tìm kiếm việc làm sau này.
Qua môi trường học tập đa quốc gia như Singapore, sinh viên cũng tích lũy được nhiều kinh nghiệm sống và làm việc, xây dựng các mối quan hệ cũng như được trang bị các kỹ năng mềm để có thể tự tin khi vào đời.
Bạn Phùng Tấn Hải Long, sinh viên ngành Kinh doanh, trường Đại học Quốc gia Singapore (NUS), cho biết trường còn có các hoạt động hỗ trợ sinh viên thực hiện các dự án mang tầm quốc gia và quốc tế như là chương trình Vườn ươm khởi nghiệp, trong đó hỗ trợ các vấn đề về mặt bằng, kinh phí hay mời các chuyên gia kinh tế nổi tiếng về trường trợ giúp sinh viên xây dựng nên các công ty của chính mình.
Bên cạnh đó, đối với các bạn sinh viên có những đam mê về việc xây dựng trường học hay hỗ trợ người nghèo thì nhà trường cũng hỗ trợ kinh phí hoặc hỗ trợ trong việc kết nối với các tổ chức cộng đồng không những ở trong nước mà còn cả ở quốc tế nhằm giúp các sinh viên đạt được ước nguyện của mình cũng như mang lại nhiều lợi ích thiết thực hơn cho cộng đồng.
Hải Long cho biết thật sự ấn tượng với khẩu hiệu "work-live-play" khi bước chân vào cửa trường NUS, điều có nghĩa làm việc gắn liền với sống và vui chơi. Điều này cho thấy một triết lý đơn giản nhưng khá hiệu quả, đó là bên cạnh học tập, nhà trường chú trọng các hoạt động ngoại khóa, giúp sinh viên không chỉ học tốt mà còn rèn luyện và nâng cao kỹ năng sống như cách giao tiếp, làm việc trong môi trường đa quốc gia hoặc làm thế nào để xây dựng được tiếng nói của chính mình trong một môi trường ngày càng phát triển và mở rộng như hiện nay.
Có thể thấy, các trường đại học của Singapore đều được bố trí trong khuôn viên rộng lớn, thoáng đãng với khu giảng đường và trang thiết bị hiện đại nhất. Đặc biệt, các giảng đường đều được bố trí xen kẽ với các khu chức năng phục vụ cho hoạt động ngoại khóa, giải trí để môi trường học tập không nhàm chán, gò bó, tạo sự thoải mái cho sinh viên.
Không những thế, theo bạn Ngô Quang Diệu - sinh viên ngành Nghệ thuật trường NUS, trong môi trường học tập của Singapore thì sự tiến bộ của sinh viên luôn được đặc biệt chú trọng, nhất là tại những thời điểm thi cử đòi hỏi sự tập trung cao độ, thì ngoài việc quan tâm tới lịch học của sinh viên, các giảng viên còn quan tâm tới các hoạt động ngoại khóa để giảm áp lực cho sinh viên, cũng như quan tâm tới sức khỏe tâm lý của sinh viên.
Ngoài những ưu điểm của hệ thống giáo dục là điểm thu hút học sinh quốc tế, trong đó có Việt Nam, Chính phủ Singapore còn có chính sách tìm kiếm chất xám. Mới đây, Chính phủ Singapore đã cho phép tất cả các học sinh quốc tế đang theo học tại Singapore và đã tốt nghiệp kỳ thi tiểu học hoặc trung học có thể xin thẻ thường trú nhân (PR), tạo điều kiện để những "nhân tài" sẽ được nuôi dưỡng và phát triển.