Chủ trương của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội mới đây về việc thành lập trường chất lượng cao, đi kèm mức học phí cao đã tạo nên những tranh luận nhiều chiều. Năm học 2013 - 2014, năm đầu tiên Hà Nội có các văn bản quy định cụ thể về cơ chế chính sách thực hiện mô hình trường công chất lượng cao. Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, cái đích của việc mở trường công chất lượng cao là đưa nền giáo dục nước nhà tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến và tránh “chảy máu” ngoại tệ...
Cách đây 8 năm, Hà Nội đã thực hiện thí điểm 18 trường công lập chất lượng cao như ở nhiều cấp học: Mầm non 20/10, Tiểu học Tràng An, THCS Cầu Giấy, THPT Phan Huy Chú, Tiểu học và THPT Nguyễn Siêu... Trong đó có 13 trường chất lượng cao toàn phần và 5 trường chất lượng cao từng phần. Tuy nhiên, do không có chính sách tài chính cụ thể đi kèm nên mô hình này chưa mang lại kết quả như mong muốn. Mới đây, HĐND TP Hà Nội đã thông qua tiêu chí về trường chất lượng cao và nghị quyết quy định về cơ chế tài chính áp dụng đối với các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao. Theo đó, năm học 2013 - 2014, mức trần học phí đối với trường mầm non, tiểu học trên địa bàn Hà Nội được quy định là 2.900.000 đồng, trường THCS và THPT là 3.000.000 đồng. Tiếp đó, năm học 2014 - 2015, mức trần học phí đối với trường mầm non, tiểu học là 3.200.000 đồng, trường THCS và THPT là 3.400.000 đồng.
Công bằng mà nói, với những gia đình có điều kiện, nhu cầu cho con em đi học ở các trường chất lượng cao là có thực và cần được đáp ứng. Bởi trên thực tế, rất nhiều phụ huynh đã tìm cách cho con du học nước ngoài hoặc theo học tại các trường quốc tế ở Việt Nam... Trách nhiệm của ngành giáo dục là tạo môi trường, điều kiện để cung cấp đa dạng các loại hình dịch vụ phục vụ cho nhu cầu của nhiều đối tượng. Trên nền tảng ấy, mỗi gia đình lựa chọn môi trường giáo dục phù hợp với khả năng, điều kiện kinh tế của mình. Tuy nhiên, với quyết định của Hà Nội, dư luận lo ngại rằng, việc chọn trường công lập để chuyển sang trường chất lượng cao sẽ đẩy một bộ phận học sinh, trong đó có cả học sinh giỏi, ra khỏi trường đang học do gia đình không có khả năng đóng góp. Điều này làm mất công bằng và tạo khoảng cách giàu nghèo trong giáo dục công. Với mức học phí nêu trên, thì ngoại trừ những người giàu, còn phần lớn người dân Thủ đô khó có thể chi trả được học phí cho con. Một vấn đề khác được nhiều người đặt câu hỏi là tại sao lại sử dụng tiền ngân sách để xây dựng các cơ sở giáo dục chỉ cung cấp dịch vụ cho những người giàu?
Trên thế giới, mô hình trường công kết hợp với xã hội hóa đã tồn tại từ lâu và được đánh giá là một trong những mô hình hiệu quả tiên tiến có chất lượng giáo dục tốt. Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, chỉ có thể sử dụng hệ thống trường tư cho nhu cầu của người giàu, chứ không phải là hệ thống trường công. Hệ thống trường công bao giờ cũng phải đạt chuẩn và phải mở rộng cửa cho tất cả mọi người.
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, chủ trương xây dựng trường công chất lượng cao cần được nghiên cứu thấu đáo nhằm có một mô hình tốt vừa đáp ứng nhu cầu giáo dục hiện nay vừa không để tạo ra những hệ lụy xấu đối với học sinh.
Yến Nhi