Nâng cao chất lượng giáo dục miền núi(Bài 1)

Trong những năm qua, giáo dục miền núi là một trong những nội dung được quan tâm hàng đầu. Những "bài toán khó" đang dần được "giải". Tuy nhiên, theo lãnh đạo của nhiều Sở Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT), vùng này vẫn cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa để chất lượng giáo dục miền núi thực sự được cải thiện.

Bài 1: Giáo dục vùng khó... vẫn khó

Chuyện học sinh bỏ học hay việc luân chuyển giáo viên từ vùng thuận lợi đến vùng khó từ lâu vẫn như một đặc thù của giáo dục miền núi... Dẫu đã được đầu tư, được hỗ trợ nhưng nhiều năm nay, tình trạng này vẫn nằm trong "danh mục" khó khăn của các địa phương.

"Bỏ học là chuyện bình thường"

Thông tin từ các Sở GD - ĐT 15 tỉnh miền núi phía Bắc, tình trạng bỏ học xảy ra ở những vùng đặc biệt khó khăn như: Nà Tấu, Mùn Chung, Mường Luân, Chà Cang, Mường Nhé (tỉnh Điện Biên); Bắc Hà, Mường Khương và Si Ma Cai (Lào Cai)… vào những thời điểm như: Lễ hội, giáp hạt, rét đậm, lũ lụt và đặc biệt là sau dịp Tết Nguyên đán.

Lớp dạy ngoại ngữ và múa hát cho các em học sinh miền núi xã Đa Lộc, huyện Đồng Xuân (Phú Yên). Ảnh: Ly Kha -TTXVN


Ông Trương Kim Minh, Giám đốc Sở GD - ĐT tỉnh Lào Cai cho rằng: Học sinh ở các xã vùng cao bỏ học thường vẫn diễn ra hàng năm. Ở Lào Cai, học sinh thường bỏ học vào dịp sau Tết và vào những dịp giáp hạt như tháng 10 và tháng 4 dương lịch, trong khi đây lại là hai thời điểm quan trọng nhất của năm học.

Ông Trương Kim Minh cũng cho biết, ở cấp mầm non, tiểu học của tỉnh, về cơ bản không có học sinh bỏ học. Cấp THCS có hiện tượng nghỉ học một hoặc hai tuần vào dịp mà nhu cầu về lao động có tính cấp bách. Khối THPT, tỷ lệ học sinh bỏ học nhiều hơn là khoảng 1,5%. Nguyên nhân là do học sinh chuyển sang đăng ký ghi danh xin học các lớp nghề, các trường trung học chuyên nghiệp, nhất là các hệ thống đào tạo kỹ năng kiến thức để đi lao động nước ngoài để có thể kiếm tiền. "Đừng vội hoảng hốt, bối rối khi học sinh vào lớp 10 hoặc đang học lớp 11 xin nghỉ học để đi học nghề, trung cấp chuyên nghiệp hay dạy nghề" - ông Minh nhấn mạnh.

Theo ông Lê Văn Quý, Giám đốc Sở GD - ĐT Điện Biên, tình trạng bỏ học vẫn chưa thể giải quyết tận gốc chủ yếu do gia đình chưa quan tâm đến việc học của con em. Ở vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, mối quan hệ giữa gia đình và nhà trường chưa có hoặc thiếu chặt chẽ và thường xuyên. Trong khi tỷ lệ hộ nghèo cao, nhiều gia đình khó có điều kiện đầu tư nên con em học tập trong hoàn cảnh khó khăn (thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu điều kiện học tập) nên rất dễ nghỉ học, bỏ học. Bên cạnh đó, là những hạn chế trong sự phối hợp giữa giáo viên chủ nhiệm với giáo viên bộ môn với các tổ chức đoàn thể trong nhà trường và Ban đại diện cha mẹ học sinh trong việc giáo dục học sinh yếu kém, học sinh cá biệt.

Ngoài những nguyên nhân trên, ông Quý cho rằng: "Hiện nay các môn học trong trường đều được dạy bằng tiếng Việt, trong khi kỹ năng sử dụng tiếng Việt của học sinh dân tộc thiểu số còn rất yếu, nhiều em không nghe kịp được lời các thầy cô, không hiểu được nghĩa của từ nên không tiếp thu được bài giảng".

Giáo viên - nơi thừa nơi thiếu

Giáo viên là lực lượng nòng cốt để duy trì sĩ số lớp. Nhưng nhiều năm nay, các tỉnh miền núi luôn gặp phải những khó khăn nhất định trong việc luân chuyển giáo viên, đặc biệt là từ vùng thuận lợi đến vùng khó.

Nhiều lãnh đạo Sở GD - ĐT nhìn nhận luân chuyển giáo viên là vấn đề lớn mang tính xã hội. Luân chuyển giáo viên từ vùng thuận lợi đến vùng khó khăn cần một lượng kinh phí lớn. "Ở Điện Biên, giáo viên nữ chiếm 70%, tỷ lệ này đối với cấp mầm non là 100%. Đa số họ đều đã ổn định gia đình và có con nhỏ. Khi điều giáo viên đi thì có khi cả năm họ mới về nhà được một lần vì đường đi khó khăn, cách nhà trung bình từ 100 - 200 km. Những giáo viên nữ tuổi cao thì bị hạn chế về sức khỏe, khó có thể đi bộ dài ngày được" - ông Lê Văn Quý, Giám đốc Sở GD - ĐT Điện Biên cho biết.

Một khó khăn được nêu ra trong việc này là về phân cấp quản lý. Theo ông Trương Kim Minh, Giám đốc Sở GD - ĐT Lào Cai thì Chính phủ ra Nghị định 61 quy định cụ thể về vấn đề luân chuyển giáo viên nhưng lại giao cho địa phương thực hiện. Vì thế, mạnh tỉnh nào tỉnh ấy làm. Trong khi biên chế giáo viên không nhận vào đầu năm học, do tính theo năm (kết thúc 31/12). Do vậy cứ giữa năm học, các nơi mới nhận được người luân chuyển. "Khi giáo viên đã vất vả tìm được nơi tiếp nhận thì chúng tôi không nỡ giữ họ. Họ đã quá khắc khoải chờ đợi đến ngày được rời vùng khó khăn. Nhưng cho giáo viên chuyển vào giữa năm thì không còn nguồn giáo viên bù vào đấy nữa. Thường phải đợi đến tháng 7 năm tiếp theo mới bổ sung được biên chế"- ông Minh bày tỏ.

Thực trạng nơi thừa, nơi thiếu giáo viên diễn ra hầu hết ở các tỉnh miền núi phía Bắc, ông Bùi Đức Cường, Trưởng vùng I (gồm 15 tỉnh miền núi phía Bắc), Giám đốc Sở GD - ĐT Thái Nguyên cho biết: Tại một số tỉnh, các trường vùng cao còn thiếu giáo viên các bộ môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Giáo dục Quốc phòng, Ngoại ngữ, Tin học, Công nghệ, Thể dục; đội ngũ viên chức làm công tác y tế, thiết bị, thí nghiệm chưa đầy đủ và chưa được chuẩn hóa. Trong khi đó, một số tỉnh lại thừa giáo viên THCS hay thiếu giáo viên mầm non.

"Việc triển khai tự chủ về bộ máy biên chế, tài chính chưa có các hướng dẫn liên ngành dẫn đến việc thực hiện ở cơ sở còn nhiều hạn chế. Hiện vẫn còn khó khăn trong việc luân chuyển đội ngũ từ trường thừa đến trường thiếu, vùng thừa đến vùng thiếu, đặc biệt là từ vùng thuận lợi đến vùng có điều kiện khó khăn. Biên chế vẫn còn có sự mất cân đối về cơ cấu, vùng miền, biên chế chủ yếu thừa ở thành phố, thị xã, vùng thuận lợi, thiếu ở vùng cao, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn" - ông Cường cho biết.

Lê Vân

Bài 2: Cái khó "ló" cái khôn

Nâng cao chất lượng giáo dục miền núi (Bài 2)
Nâng cao chất lượng giáo dục miền núi (Bài 2)

Những công việc chỉ có ở giáo dục miền núi: Các điểm trường thường cử nhân viên hỗ trợ giáo viên ngày ngày đến tận nhà gọi học sinh ra lớp; các đồn biên phòng hỗ trợ gạo, rau xanh cho học sinh bán trú; cử người nấu cơm cho trẻ tại các trường...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN