Ngày hội thu hút gần 280 gian tư vấn của hơn 100 trường đại học, cao đẳng, trường nghề. Điểm mới của ngày tuyển sinh năm nay chính là sự tham gia của các trường đại học với quy mô cũng như đưa ngành học đến gần với thí sinh hơn thông qua những mô phỏng của kỳ thi, mô hình.
Khu tư vấn của Trường Đại học Xây dựng là mô hình kiến trúc độc đáo. Thuyết minh về mô hình này chính là những sinh viên của trường thực hiện. Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức một khu trải nghiệm kỳ thi đánh giá tư duy. Hay các khu trưng bày về sản phẩm công nghệ - kỹ thuật của các trường khối kỹ thuật thu hút sự hứng thú của học sinh, phụ huynh.
Em Nguyễn Minh Hoa, học sinh Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) cho biết: "Đến với ngày hội tuyển sinh em quan tâm đến vấn đề xét tuyển sớm cũng như xét tuyển kết hợp các chứng chỉ".
PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa cho biết: “So với năm trước, năm 2024, Trường Đại học Phenikaa đã bổ sung phương thức xét tuyển dựa vào kết quả bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội hoặc kết quả kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội, để tăng thêm cơ hội cho thí sinh”.
"Việc thêm phương thức tuyển sinh đa dạng hóa hơn lựa chọn cho thí sinh, tạo thêm cơ hội để các em có thể trúng tuyển ngành học yêu thích. Với bản thân trường đại học, việc dựa trên các phương thức khác nhau cũng có thể giúp lựa chọn được những thí sinh phù hợp nhất", PGS. TS Nguyễn Phú Khánh cho biết.
Tại khu tư vấn do các chuyên gia của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và đại diện các trường đại học thu hút đông đảo phụ huynh, học sinh đặt câu hỏi. Câu hỏi về cách thức đăng ký tuyển sinh, thi tốt nghiệp THPT hay ngành hot vẫn luôn được thí sinh quan tâm. Đặc biệt, những vấn đề trong xét tuyển sớm được đặt ra.
Trả lời vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT khẳng định: “Việc xét tuyển là của các trường đại học nhưng đăng ký lên hệ thống chung của Bộ GD&ĐT là điều bắt buộc”.
Các thí sinh sau khi đã đủ điều kiện trúng tuyển sớm của các trường đại học vẫn phải đăng ký nguyện vọng đã trúng tuyển sớm lên hệ thống xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT và nộp lệ phí xét tuyển tương ứng với số nguyện vọng đã đăng ký mới hợp lệ. Hệ thống này sẽ chỉ xác nhận thí sinh trúng tuyển 1 nguyện vọng duy nhất. Trên hệ thống này, thí sinh cần sắp xếp thứ tự đặt nguyện vọng mình yêu thích lên trên. Thí sinh trúng tuyển ở nguyện vọng nào, hệ thống sẽ dừng lại ở nguyện vọng đó, không xét tiếp.
Phát biểu tại lễ khai mạc ngày hội, PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, từ 9 năm nay, công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng đã có những đổi mới mạnh mẽ. Tiêu chí đầu tiên của đổi mới này là mang lại cơ hội tốt cho các em học sinh.
Cụ thể, trước năm 2015 học sinh chỉ được chọn một nguyện vọng và một ngành vào một trường đại học nên cơ hội để trúng tuyển vào được trường tốt, ngành tốt là rất khó. Từ năm 2015, các em có 4 nguyện vọng vào 1 trường; từ 2016 thì có 4 nguyện vọng vào 2 trường. Từ năm 2017 trở đi, các em được đăng ký xét tuyển không hạn chế số nguyện vọng đăng ký vào các trường, các ngành và các chương trình đào tạo khác nhau.
Như vậy, hầu hết các em học sinh đã được trúng tuyển ở đợt 1 vào các ngành, các trường mong ước theo nguyện vọng cao nhất của mình. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là thí sinh làm thế nào để chọn được những nguyện vọng phù hợp với năng lực, yêu cầu thị trường lao động và cơ hội việc làm ở trong tương lai.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh đến việc thông tin đa chiều là cơ hội cho thí sinh nhưng cũng làm phụ huynh, học sinh bối rối.
Hiện cả nước có khoảng 250 trường đại học, hơn 300 trường cao đẳng, ngoài ra còn có các trường trung cấp. Số ngành ở bậc đại học là gần 500, số nghề ở trình độ cao đẳng, trung cấp cũng tương tự.
Vì thế, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh: "Các chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp của báo Tuổi Trẻ và các cơ quan báo chí khác giúp các em học sinh và phụ huynh có những thông tin đầy đủ nhất, để tự tin chọn những ngành, trường phù hợp nhất. Qua đó, giúp giảm được số lượng các em đã trúng tuyển mà không nhập học, giảm số lượng các em thi vào trường rồi lại phải xét tuyển lại”.
Thứ trưởng cũng thông tin, số lượng thí sinh xét tuyển trúng tuyển vào đại học năm qua khoảng 600.000 thí sinh, nhưng số lượng nhập học chính thức chỉ đạt khoảng 80%, như vậy 20% thí sinh đã trúng tuyển nhưng không nhập học. Điều đó đồng nghĩa khi các em đăng ký nguyện vọng đến lúc các em lựa chọn trường học, ngành học lại có sự khác nhau. Chưa kể, sau năm thứ nhất có khoảng 5 - 7% sinh viên phải đăng ký xét tuyển lại. Như vậy, số em đã chọn sai hay chọn chưa phù hợp khi đăng ký nguyện vọng là rất nhiều.
Thứ trưởng bày tỏ, qua các chương trình tư vấn tuyển sinh, các thầy cô, chuyên gia tuyển sinh tư vấn trực tiếp cho các em học sinh, phụ huynh để các em chọn được ngành đào tạo và trường phù hợp nhất.
Dưới đây là một số hình ảnh về ngày hội: