Trong buổi họp mặt, các thế hệ thầy cô giáo và học sinh Trường Tây Đô - Nguyễn Việt Hồng đã ôn lại những kỷ niệm dưới mái trường xưa. Những năm tháng đầy khó khăn nhưng cũng vô cùng anh dũng đã được tái hiện sống động. Tình thầy trò gắn bó, tình đồng bào sâu đậm và sự che chở, đùm bọc của bà con nơi trường hoạt động đã trở thành dấu ấn không thể phai mờ trong ký ức mỗi người tham dự.
Thầy Ngô Chi Lăng, giáo viên đầu tiên của trường khi mới thành lập chia sẻ, sau phong trào Đồng khởi năm 1960, nhu cầu học tập của người dân ở vùng nông thôn giải phóng là rất lớn. Tại vùng giải phóng ở Cần Thơ, từ thời chống Pháp chưa có trường cấp II, khu Tây Nam Bộ chưa có trường cấp III. Vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, với quyết tâm của Tiểu ban Giáo dục tỉnh Cần Thơ, sự nhiệt tình của các cơ quan và sự đùm bọc của nhân dân, Trường Tây Đô - Nguyễn Việt Hồng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần đào tạo nhiều cán bộ sau này giữ các vị trí quan trọng trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước.
Tại buổi họp mặt, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Nguyễn Thực Hiện nhấn mạnh, các thầy cô và học sinh Trường Tây Đô - Nguyễn Việt Hồng là nhân chứng lịch sử minh chứng cho sự hào hùng của những người con Tây Đô đã cống hiến thanh xuân để bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quê hương.
Các thế hệ thầy và trò của trường đã vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giáo dục - đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực cho cách mạng, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước cũng như đào tạo những cán bộ chủ chốt, quan trọng trong các cơ quan Đảng, nhà nước sau ngày đất nước thống nhất. Những hình ảnh và truyền thống tôn sư, trọng đạo của các thế hệ thầy và trò Trường Tây Đô - Nguyễn Việt Hồng là tấm gương sáng để con cháu noi theo, nỗ lực, phấn đấu nhiều hơn nữa xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Trường Phổ thông cấp II Tây Đô (thường gọi là Trường Tây Đô) được thành lập ngày 20/7/1964. Đến năm 1966, Trường Tây Đô có 3 phân hiệu tại huyện Long Mỹ, huyện Ô Môn và huyện Châu Thành - Phụng Hiệp (tỉnh Cần Thơ cũ, nay là thành phố Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang). Sau Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 19, địch phản công quyết liệt, nhiều giáo viên của trường được điều động công tác khác hoặc hy sinh nên sang năm 1969, Trường Tây Đô phải tạm ngưng hoạt động.
Năm 1972, Tỉnh ủy Cần Thơ cho lập lại kiểu Trường Nội trú Tây Đô với tên gọi Trường Thanh, Thiếu niên Công Nông Nguyễn Việt Hồng (thường gọi là Trường Nguyễn Việt Hồng). Sau năm 1975, Trường Nguyễn Việt Hồng chuyển ra thị xã Vị Thanh, một năm sau thì sáp nhập vào Trường Bổ túc Văn hóa Thanh Thiếu niên Công Nông Vị Thanh. Đến năm 1985, trường giải thể.
Trường Tây Đô - Nguyễn Việt Hồng là tiền thân của Trường Trung học Phổ thông Tây Đô (huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) và Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Việt Hồng (quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ) ngày nay.
Theo thống kê chưa đầy đủ, đến nay, các thế hệ thầy trò Trường Tây Đô - Nguyễn Việt Hồng đã được tặng 300 Huân, Huy chương các loại. Trong quá trình công tác và chiến đấu, 8 giáo viên, hơn 80 học sinh của trường đã anh dũng hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Tại Hội nghị Giáo dục toàn miền Nam năm 1965 được tổ chức tại Tây Ninh, tỉnh Cần Thơ là một trong 5 đơn vị vinh dự được nhận danh hiệu "Lá cờ đầu của ngành Giáo dục miền Nam". Năm 1972, Tiểu ban Giáo dục R nhận xét: Phong trào giáo dục tỉnh Cần Thơ rất mạnh, trong đó có sự đóng góp của Trường Tây Đô - Nguyễn Việt Hồng.