Tâm huyết với nghề
Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Cần Thơ năm 2002, thầy Bùi Văn Tròn bắt đầu công tác tại trường Trung học Phổ thông Lê Anh Xuân (huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre). Năm 2018, thầy được phân công về giảng dạy tại trường Trung học Phổ thông Nguyễn Đình Chiểu (thành phố Bến Tre). Dù làm việc ở đâu, thầy vẫn thường xuyên tự nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi bạn bè, đồng nghiệp để có phương pháp giảng dạy tốt nhất cho học sinh.
Để duy trì, nâng cao chất lượng dạy học trong các năm học, thầy Tròn đã mạnh dạn nghiên cứu, áp dụng và đổi mới trong xây dựng kế hoạch bài dạy, khai thác và ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng các hoạt động dạy học cho học sinh. Đặc biệt, thầy còn áp dụng phương pháp dạy học theo dự án, trải nghiệm thực tế, trải nghiệm thực hành, trải nghiệm nghiên cứu khoa học,... Những thay đổi trong dạy học đã có tác dụng định hướng, kích thích học sinh tự học, giúp học sinh yêu thích môn Vật lý hơn và giảm được áp lực học tập. Nhờ đó chất lượng học của học sinh được nâng lên. Hàng năm, tỷ lệ học sinh giỏi, khá luôn duy trì trên 90%, trong đó có nhiều học sinh đạt thành tích cao trong kỳ thi học sinh giỏi các cấp.
Chia sẻ về kinh nghiệm, phương pháp bồi dưỡng học sinh giỏi, thầy Tròn cho biết thầy đã sưu tầm, nghiên cứu nhiều tài liệu thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia để biên soạn tài liệu bồi dưỡng phù hợp với học sinh của trường. Bên cạnh đó, thầy cũng chủ động trao đổi và học tập kinh nghiệm dạy học sinh giỏi từ các đồng nghiệp; tìm nguồn cho đội tuyển học sinh giỏi của trường qua các tiết dạy trên lớp trong các hoạt động ngoại khóa, tiết dạy thực hành. Sau khi thành lập đội bồi dưỡng học sinh giỏi, thầy định hướng và tạo cảm hứng cho các em có động lực để tham gia học tập.
Đam mê đặc biệt với sáng tạo khoa học - kỹ thuật, thầy Tròn đã tham mưu tổ chức thành lập Câu lạc bộ Nghiên cứu khoa học - sáng tạo khởi nghiệp, giúp Ban Giám hiệu nhà trường thành lập Ban tư vấn nghiên cứu khoa học để xây dựng lực lượng, cơ chế hỗ trợ học sinh tham gia các hoạt động sáng tạo khoa học. Nhằm huy động được nguồn lực, đội ngũ nhà khoa học tham gia công tác hướng dẫn, tư vấn cho học sinh, thầy chủ động phối hợp, tham mưu Hiệu trưởng ký kết hợp tác với các trường đại học, trung tâm nghiên cứu để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh tham gia thực nghiệm các dự án, tạo ra sản phẩm tốt nhất khi tham gia các cuộc thi.
Thầy Tròn nói, để đạt hiệu quả cao trong các cuộc thi khoa học kỹ thuật, công việc hướng dẫn của người thầy đóng vai trò rất quan trọng và cần tạo hứng thú, niềm tin cho học sinh để các em chủ động tìm tòi, nghiên cứu, định hướng các em tìm ý tưởng. Người thầy chính là người giúp học sinh xác định rõ loại dự án mà học sinh đang nghiên cứu, từ đó hỗ trợ các em chọn phương pháp nghiên cứu, các bước tiến hành nghiên cứu hợp lý hơn.
Hơn 10 năm hướng dẫn học sinh tham gia các cuộc thi về khoa học - kỹ thuật, thầy Tròn cùng học trò đã sáng tạo ra những sản phẩm đạt giải cao như: Hệ thống cảnh báo xâm nhập mặn - Ứng phó với biến đổi khí hậu (giải Nhì cấp Quốc gia năm học 2015 - 2016); Hệ thống nhắc nhở tài xế khi buồn ngủ, góp phẩn nâng cao ý thức của người dân tham gia giao thông bằng phương tiện ô tô (giải Nhì cấp Quốc gia năm học 2018 - 2019); Hệ thống đánh thức khi tham gia giao thông có hiện tượng ngủ gật; Nhận diện biển số khi vượt đèn đỏ; Nghiên cứu, định danh loài sinh vật trung gian và trực tiếp gây viêm, hoại tử vết thương trên da người ở vùng nông thôn huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre và định hướng giải pháp phòng trị hiệu quả cho người dân (giải Nhất cấp Quốc gia năm học 2020 - 2021),...
Thầy Bùi Văn Tròn chia sẻ, đây là thành công của cả tập thể, trong đó đặc biệt là các yếu tố: học sinh học hết mình, phụ huynh ủng hộ, lãnh đạo quan tâm và đồng nghiệp luôn chia sẻ. Sau mỗi lần thực hiện dự án, thầy Tròn cho rằng điều quan trọng nhất là học được nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học, lắng nghe ý kiến người khác để hoàn thiện sản phẩm một cách tốt nhất.
Nhiều dự án khoa học kỹ thuật mang tính ứng dụng cao
Năm 2020, ngay khi COVID-19 diễn biến phức tạp, thầy Tròn cùng các giáo viên khác như thầy Nguyễn Văn Ngon và thầy Trần Minh Thiện (trường Trung học Phổ thông Nguyễn Đình Chiểu) đã nghiên cứu chế tạo thành công "Hệ thống khai báo y tế và đo thân nhiệt tự động". Đề tài này đã được Hội đồng đánh giá nghiệm thu đạt kết quả đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh năm 2020.
Hoạt động của hệ thống này gồm ba module hoàn toàn tự động từ rửa tay, đo thân nhiệt và khai báo y tế. Theo thầy Bùi Văn Tròn, tại thời điểm đó, trên thị trường có nhiều đơn vị chế tạo thành công máy đo thân nhiệt tự động nhưng chưa có module rửa tay tự động, chưa có máy khai báo y tế tự động bằng thu phát giọng nói, chưa phân luồng đảm bảo khoảng cách cho người được đo thân nhiệt,...
Ưu điểm của hệ thống là thông qua các module hoàn toàn tự động sẽ hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người được kiểm tra sức khỏe, nâng độ chính xác so với thiết bị sử dụng bằng tay. Theo đánh giá của ngành Y tế, Hệ thống khai báo y tế và đo thân nhiệt tự động của trường Trung học Phổ thôn Nguyễn Đình Chiểu đáp ứng yêu cầu của ngành trong giai đoạn phòng, chống dịch COVID-19, nhất là ở công tác giám sát, sàng lọc người có biểu hiện nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2. Hệ thống này rất hữu ích, thích hợp đặt nơi công cộng: trường học, cơ quan, siêu thị,...
Năm học 2022 - 2023, thầy Bùi Văn Tròn cũng đã hướng dẫn đề tài "Hệ thống giám sát, hỗ trợ cứu hỏa bằng máy bay không người lái ứng dụng công nghệ mạng nơ-ron nhân tạo trong xử lý ảnh nhiệt" cho hai học sinh Phan Mỹ Uyên (Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Đình Chiểu) và Trần Dương Minh Nhựt (Trường Trung học Phổ thông Ngô Văn Cấn) thực hiện. Đề tài này đã đạt giải Nhất cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia.
Học sinh Phan Mỹ Uyên chia sẻ, đề tài xuất phát từ các vấn đề nổi lên sau nhiều sự cố cháy diễn ra gây thiệt hại về người và tài sản. Đó là việc đưa xe thang, xe cứu hỏa tiếp cận hiện trường khu vực đám cháy ở khu dân cư, đô thị, nhà cao tầng gặp rất nhiều khó khăn. Việc quan sát hiện trường từ mặt đất và từ bên ngoài để xác định số người mắc kẹt trong đám cháy, vị trí cháy gặp rất nhiều trở ngại, nguy hiểm cho cán bộ, chiến sĩ. Từ đó, đề tài đưa ra giải pháp để hỗ trợ giải quyết những khó khăn này.
Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Đình Chiểu Đặng Bửu Truyển cho biết, thầy Bùi Văn Tròn là một nhà giáo có tâm huyết, tận tụy với nghề, yêu quý học trò. Trong các cuộc thi sáng tạo khoa học - kỹ thuật, thầy Tròn và học trò liên tục mang về vinh dự, niềm tự hào cho nhà trường. Những sản phẩm sáng tạo, đạt thứ hạng cao là kết quả của một quá trình làm việc nghiêm túc của cả thầy và trò. Chính sự tâm huyết với nghề, tận tình hướng dẫn, sát cánh cùng học sinh trong sáng tạo kỹ thuật của thầy Bùi Văn Tròn đã truyền lửa đam mê, khơi nguồn sáng tạo khoa học cho các em học sinh ham thích học hỏi, tìm tòi, nghiên cứu. Thành tích của thầy Tròn là tấm gương, là động lực để phong trào nghiên cứu khoa học - kỹ thuật trong trường học ngày càng được phát triển và lan tỏa, tạo thêm nhiều niềm phấn khởi, yêu thích khoa học cho các em học sinh.
Hơn 20 năm miệt mài với nghề, thầy Tròn đã gặt hái nhiều thành tích như 2 lần đạt Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, 8 lần đạt Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, nhiều Bằng khen của UBND tỉnh và của các cơ quan, bộ, ban, ngành, trong đó có 1 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì có thành tích trong công tác giáo dục và đào tạo từ năm học 2016 - 2017 đến năm học 2020 - 2021, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc… Năm 2023, thầy Bùi Văn Tròn đã vinh dự được nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc và đang được đề nghị xét tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú.
Thầy Bùi Văn Tròn còn nhiệt tình trong các phong trào, các cuộc vận động, giúp đỡ đồng nghiệp. Thầy đã cùng với tập thể thầy cô trường Trung học Phổ thông Lê Anh Xuân vận động được trên 300 triệu đồng để hỗ trợ, giúp đỡ một đồng nghiệp trị bệnh hiểm nghèo. Ngoài ra, thầy Tròn còn thường xuyên vận động tặng học bổng giúp đỡ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập, thường xuyên trích tiền lương của mình để hỗ trợ các em nghiên cứu khoa học.