Sau hơn nửa năm đưa vào sử dụng tại khuôn viên trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Trà Lãnh, huyện Tây Trà (Quảng Ngãi), mô hình thí điểm nhà bán trú container do Công ty cổ phần xã hội H.E.L.P đầu tư đã thật sự đem lại hiệu quả tích cực, giúp thầy và trò nơi vùng cao này có thêm động lực bám lớp, bám trường.
Huyện Tây Trà có 30 trường học với gần 6.000 học sinh. Ảnh: Phước Ngọc/TTXVN |
Những ngôi nhà bằng thùng container là chốn ăn ở, học hành mới của hơn 200 học sinh của trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Trà Lãnh. 19 nhà bán trú container được xếp san sát nhau, ở trên nhìn xuống tựa như vòng tròn.
Chính giữa có khu vui chơi giúp học sinh rèn luyện thể chất, thể dục thể thao. Sự sắp đặt ấy nhằm tăng tính đoàn kết, chia sẻ, thương yêu lẫn nhau giữa các trò. Mỗi container được thiết kế 4 giường đôi, có bàn ghế học tập, có xoong nồi, chén bát để các em có thể tự nấu ăn.
Nhà em Hồ Thị Kim Huệ, lớp 7A ở thôn Trà Dinh, cách điểm trường hàng chục cây số. Lúc trước, khu bán trú cũ không đủ chỗ, em phải thường xuyên đi và về. Khi gà bắt đầu cất tiếng gáy, đất trời vẫn còn say ngủ là lúc Huệ cắp sách cuốc bộ đến trường. Hơn 6 giờ mới tới trường, đôi chân dường như chẳng còn cảm giác.
Giờ có được chỗ ở ổn định, có đầy đủ tiện nghi phục vụ việc học tập, Huệ rất vui, không còn cảnh vất vả, gian nan như trước. Số ngày về nhà đã giảm xuống còn 1 lần/tuần. Em tâm sự: Mưa gió có to đến mấy nhưng chỗ ngủ và sách vở của em cũng không bị ướt. Mùa hè có quạt, đông sang có chăn êm nệm ấm, chúng em rất vui và phấn khởi.
Thầy giáo Lê Văn Tư, hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, “nhà mới” đã thể hiện tính ưu việt của nó. Không gian rộng, thoáng mát, số lượng học sinh bán trú nhiều hơn. Bên cạnh đó, nhà có độ bền rất cao, chống chịu được thời tiết khắc nghiệt của vùng sơn cước.
“Khi xưa khổ lắm, cứ mỗi độ tựu trường là phải đi vận động phụ huynh góp công góp của dựng lều tạm bằng nguyên liệu tre, nứa lấy từ rừng. Nhà ở chưa đầy năm, trải qua tháng nắng, ngày mưa là xuống cấp, hư hỏng, tháo đi dựng lại hoài rất tốn kém”, thầy Lê Văn Tư cho biết.
Cũng nhờ có nhà bán trú container, chất lượng giáo dục được cải thiện. Học sinh không còn cảnh đứt quãng việc học vì bị ngăn sông cách núi vào mùa mưa, thể trạng tốt hơn vì được ăn uống với chế độ dinh dưỡng đầy đủ. Sau giờ học chính trên lớp, vào ban đêm, nhà trường còn tổ chức dạy phụ đạo để giúp các em tiếp thu vững kiến thức.
Cô giáo Ly chia sẻ: niềm vui lớn nhất của người chèo lái con đò tri thức là được nhìn thấy lớp học của mình đủ sĩ số học sinh. Ở miền núi nhiều năm, tôi cảm nhận được nỗi thiếu thốn của trò. Tôi mong sẽ có thêm nhiều nhà bán trú kiên cố như thế này để tiếp sức, nâng bước các em đến trường đến lớp.