Nhận diện năng lực để phát triển các trường sư phạm

Mùa tuyển sinh đại học - cao đẳng vừa qua, dư luận xôn xao với việc điểm tuyển đầu vào một số ngành sư phạm khá thấp, thậm chí có ngành học chỉ 9 hoặc 10 điểm 3 môn là đã có thể vào được.

Với đầu vào như vậy, làm thế nào để nhanh chóng nâng cao năng lực giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông trước yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.

Xây dựng chương trình khung phát triển các trường sư phạm

Theo số liệu thống kê đợt 1 xét tuyển đại học, cao đẳng sư phạm (SP) chính quy 2017, trong số 673 ngành đào tạo sư phạm, có rất nhiều ngành lấy điểm xét tuyển cao từ 20 hay thậm chí là 25 điểm trở lên. Như vậy có thể thấy không phải cơ sở đào tạo sư phạm nào cũng lấy điểm thấp.

Vấn đề làm thế nào để nhanh chóng nâng cao năng lực giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông trước yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục được bàn nhiều.

Tuy nhiên, thực tế từ điểm xét tuyển cho thấy yêu cầu cấp bách của việc quy hoạch lại mạng lưới các trường đào tạo giáo viên, nhanh chóng nâng cao năng lực nghề nghiệp cho người giáo viên để có thể đáp ứng tốt những yêu cầu của đổi mới căn bản giáo dục phổ thông.

Với mục tiêu này, chương trình Phát triển các trường sư phạm (ETEP) thực hiện bằng vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) của Bộ Giáo dục và Đào tạo là chương trình phát triển tập trung vào phát triển các trường sư phạm.

Theo đó, sáu trường ĐHSP (ĐHSP Hà Nội, Hà Nội 2, ĐHSP TP Hồ Chí Minh, ĐHSP - ĐH Thái Nguyên, ĐHSP Huế, ĐHSP - ĐH Đà Nẵng) cùng Học viện Quản lý Giáo dục và ĐH Vinh đã được lựa chọn để nâng cao năng lực nhằm thực hiện trực tiếp nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng và hỗ trợ người giáo viên và các và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông theo chuẩn nghề nghiệp.

Tám cơ sở giáo dục sư phạm kể trên sẽ được đánh giá theo bộ chỉ số TEIDI. Đây được xem là chuẩn nghề nghiệp mới bao gồm bộ công cụ đo lường năng lực các trường sư phạm có 7 tiêu chuẩn, 20 tiêu chí và 60 chỉ số trên các lĩnh vực: Tầm nhìn chiến lược và quản lý chất lượng; Chương trình đào tạo, bồi dưỡng; Nghiên cứu, phát triển và đổi mới; Hoạt động đối ngoại; Môi trường và các nguồn lực; Hỗ trợ dạy học; Hỗ trợ người học. Bộ chỉ số đo lường năng lực các trường sư phạm kể trên sẽ giúp nhận diện rõ những điểm mạnh, điểm hạn chế trong năng lực của từng trường nhằm xác định rõ sứ mạng, tầm nhìn, chiến lược phát triển của các trường trong giai đoạn tới, đặc biệt là trong 5 năm thực hiện Chương trình ETEP.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội nghị tổng kết năm học 2016 - 2017 của giáo dục đại học: Với ngành sư phạm hiện nay, điều cần thiết nhất là phải nhanh chóng quy hoạch lại mạng lưới các trường, tập trung đào tạo lại đội ngũ giáo viên.


Lập kế hoạch phát triển các trường sư phạm

Khẳng định tầm quan trọng của việc nhận diện năng lực của các trường sư phạm cũng là ý kiến của các chuyên gia giáo dục đến từ ĐH Giáo dục Hồng Kông (EduHK), đơn vị có bề dày 100 năm kinh nghiệm, xếp thứ 2 khu vực châu Á và thứ 13 trên thế giới trong bảng xếp hạng QS (QS World University Rankings) năm 2017.

Giáo sư Lee Chi-kin John, trưởng nhóm tư vấn EduHK nhận định: “Nghiên cứu tài liệu đánh giá của các trường, chúng tôi thấy cần có thêm nhiều bằng chứng cụ thể để đánh giá chính xác nhà trường đang ở đâu, điểm mạnh và điểm yếu là gì, ở mức nào.

Trong lập kế hoạch chiến lược, cần phải tìm ra đặc điểm riêng, sự độc đáo của riêng mình và sắp xếp ưu tiên các lĩnh vực quan trọng để cân đối nguồn lực triển khai phù hợp. Đồng thời, rất cần chú trọng phân tích, đánh giá xu hướng mới của quốc tế để đảm bảo trường mình phát triển theo xu hướng chung của thế giới".

Trao đổi trong khuôn khổ Hội thảo tập huấn Chương trình ETEP, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHSP TP Hồ Chí Minh đồng tình với việc tôn trọng bản sắc của mỗi trường: “Không có khuôn mẫu chung dành cho tất cả các trường mà mỗi trường sẽ phát triển dựa trên xuất phát điểm của chính mình. Vấn đề quan trọng là các trường làm gì, làm như thế nào để đạt được từng mức điểm theo các thang đo của bộ chỉ số TEIDI, cho nên cần phải thay đổi suy nghĩ, tầm nhìn và đặc biệt là hành động”.

PGS.TS Phùng Gia Thế, Trưởng phòng đào tạo, Trường ĐHSP Hà Nội 2 cho biết: "Việc xây dựng kế hoạch dựa trên các thang đo cụ thể sẽ giúp nhà trường xây dựng kế hoạch hành động mang tính khả thi và chọn được vấn đề ưu tiên để thực hiện, khắc phục được sự tản mạn, dàn trải trong bản kế hoạch trước đây".

Đối với cán bộ quản lý như PGS.TS Nguyễn Thị Tính, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHSP, Đại học Thái Nguyên thì từ những vấn đề bàn thảo, các trường có được kỹ năng xây dựng chiến lược phát triển với những kế hoạch hành động phù hợp, phát triển nhà trường theo các mốc chuẩn đã xác định. PGS.TS Nguyễn Thị Tính cho biết: "Theo tư vấn của chuyên gia EduHK và các chuyên gia Việt Nam, tới đây, trường ĐHSP - ĐH Thái Nguyên sẽ tập trung nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên của trường; đồng thời chú trọng hơn tới việc phát triển các chương trình đào tạo, bồi dưỡng với những nội dung dành cho các đối tượng sinh viên đa văn hóa để khi ra trường họ thích ứng được với thị trường tuyển dụng, phục vụ cho vùng dân tộc thiểu số. Điều này dựa trên những giá trị đặc trưng cốt lõi của nhà trường với đặc thù với đối tượng đào tạo chủ yếu là sinh viên người dân tộc thiểu số, miền núi phía Bắc và sinh viên của 1 số nước có nền văn hóa tương đồng như Lào, Thái Lan, Campuchia”.

PG.TS Trần Xuân Bách, Phó Hiệu trưởng trường ĐHSP - ĐH Đà Nẵng cũng cho rằng việc xác định ngay từ đầu điểm mạnh của trường để phát triển, điểm yếu để khắc phục sẽ giúp các trường sư phạm tìm ra lĩnh vực ưu tiên trong kế hoạch phát triển chứ không ôm đồm.

Trong thời gian tới, tại 8 cơ sở giáo dục sư phạm kể trên sẽ triển khai Thỏa thuận thực hiện Chương trình để phát triển nhà trường theo kế hoạch chiến lược của mình nhằm đạt được các mục tiêu của Chương trình ETEP. Kinh nghiệm này sẽ được nhân rộng để áp dụng cho việc nhận diện năng lực và hỗ trợ sự phát triển của các trường sư phạm khác trong hệ thống các trường sư phạm Việt Nam.

L.Sơn/Báo Tin Tức
Để không lãng phí nhân tài
Để không lãng phí nhân tài

Thông tin về trường hợp em Bùi Thị Hà ở thành phố Hà Giang (tỉnh Hà Giang) - Thủ khoa Sư phạm Văn của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 phải “ở nhà nuôi lợn” hơn 1 năm qua đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Một lần nữa, nhiều người đặt nhiều câu hỏi về chế độ đãi ngộ nhân tài của địa phương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN