Nhiều bộ sách giáo khoa, có làm khó giáo viên và học sinh?

Sáng 27/9, Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội đã cho ý kiến về Tờ trình Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa (CT-SGK) giáo dục phổ thông và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới  CT - SGK giáo dục phổ thông.


Bộ trưởng Phạm Vũ Luận giải trình.


Sẽ có nhiều bộ SGK


Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phạm Vũ Luận, đề án lần này sẽ đổi mới nhiều vấn đề của CT-SGK phổ thông, từ chuyển hướng dạy và học sang phát triển năng lực học sinh; đổi mới thi cử, đến việc biên soạn SGK.


Về xây dựng chương trình mới, bộ sẽ xây dựng, thực nghiệm chương trình giáo dục phổ thông bao gồm cả chương trình chung cũng như các môn học. Về biên soạn SGK mới, thực hiện chủ trương một chương trình, nhiều bộ SGK, trong đó chỉ có chương trình là mang tính pháp lý (hiện nay là cả chương trình và SGK đều mang tính pháp lý), còn SGK là một tài liệu quan trọng cùng với các tài liệu khác để học sinh học tập.


Điều này, theo ý giải của Bộ GD-ĐT là nhằm huy động được trí tuệ, sự sáng tạo của các tổ chức cá nhân trong biên soạn SGK, đáp ứng nhu cầu đa dạng của giáo viên và học sinh trong sử dụng SGK và các tài liệu; triệt bỏ độc quyền trong SGK; phù hợp với trình độ học sinh từng vùng miền.


Với phương án cho SGK, có hai phương án được đưa ra. Phương án 1, Bộ GD-ĐT sẽ tham gia biên soạn một bộ SGK, các tổ chức cá nhân khác cùng tham gia nhằm chủ động được về SGK. Còn phương án 2 là giao các tổ chức cá nhân biên soạn, bộ thẩm định lựa chọn một bộ tốt nhất.


Nhiều người e  ngại rằng phương án 1 có thể khiến các tổ chức, cá nhân không biên soạn SGK, vì không muốn “đụng” với SGK của Bộ GD-ĐT. Về vấn đề này, bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định: “Bộ không chủ trương có một bộ SGK duy nhất, mà hướng tới có nhiều bộ SGK. Nếu Quốc hội đồng ý phương án này thì bộ sẽ đẩy mạnh tuyên truyền để làm rõ việc bộ chủ trì biên soạn một bộ SGK là nhằm tăng tính chủ động trong việc thực hiện CT-SGK mới, ít nhất là có một bộ SGK. Việc Bộ làm một bộ SGK không ảnh hưởng đến việc có nhiều bộ SGK; các bộ SGK khác nếu đáp ứng tiêu chuẩn đều được khuyến khích lưu hành trong trường học”.


Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, trong hai phương án này, ý kiến của chính phủ thiên nhiều về phương án 1: Bộ GD-ĐT chủ động biên soạn một bộ SGK, đồng thời tăng cường tuyên truyền để xã hội có thêm lựa chọn đối với các bộ SGK của tổ chức, cá nhân biên soạn.


Giải thích việc lựa chọn SGK ra sao khi có nhiều bộ SGK, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, các nhà trường sẽ thảo luận để lựa chọn bộ SGK cho từng môn học, trên cơ sở ý kiến của giáo viên, hội đồng chuyên môn, phụ huynh. Việc biên soạn tài liệu hướng dẫn dạy học theo chương trình  mới sẽ do bộ ban hành, nhưng khuyến khích các địa phương có hướng dẫn phù hợp với đặc điểm của địa phương.


Về khái toán kinh phí thực hiện CT-SGK mới, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nêu rõ, sau khi bộ GD-ĐT biên soạn bộ SGK sẽ tiến hành bán đấu giá bản quyền để các nhà xuất bản thực hiện kinh phí thu được từ bán bản quyền sẽ nộp ngân sách nhà nước. Theo đó, cần khoảng 462 tỷ đồng để tập huấn cho đội ngũ biên soạn SGK, kể cả lực lượng của các tổ chức cá nhân viết SGK; thẩm định SGK. Bộ dự kiến trong thời gian đầu có 4 bộ SGK, của cả bộ và các tổ chức cá nhân biên soạn.


Tuy nhiên, 462 tỷ đồng này, chưa bao gồm kinh phí đào tạo lại đội ngũ giáo viên cũng như hỗ trợ địa phương để thực hiện CT-SGK mới; vì vậy cần thêm 316,8 tỷ đồng để biên soạn tài liệu giáo dục của địa phương; cung cấp kinh phí tập huấn cho địa phương, ghi hình bài giảng phát trên mạng; hỗ trợ tập huấn cho giáo viên ở vùng khó khăn. Như vậy, tổng cộng kinh phí để triển khai đề án CT-SGK mới là là 778,8 tỷ đồng. Trong đó, 504,4 tỷ đồng là ngân sách TƯ; 274,4 tỷ đồng từ ngân sách địa phương. Tuy nhiên, Bộ trưởng Phạm Vũ  Luận cho biết, có thể còn phát sinh thêm.


Về lộ trình thực hiện CT-SGK mới: Giai đoạn 1 (tháng 1/2015 đến tháng 6/2017) sẽ chuẩn bị các điều kiện để xây dựng CT-SGK mới; giai đoạn 2 (tháng 7/2017 đến tháng 6/2018) sẽ xây dựng, điều chỉnh, hoàn thiện, bổ sung chế độ, chính sách liên quan đến việc thực hiện CT-SGK mới, bán đấu giá bản quyền bộ SGK do bộ thực hiện; giai đoạn 3 (tháng 7/2018 đến tháng 12/2021) sẽ triển khai áp dụng chương trình mới, bắt đầu từ năm học 2018 - 2019

.


Phải có thời gian thực nghiệm chương trình mới


Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi cho biết, Ủy ban nhất trí với chủ trương sử dụng nhiều SGK cho mỗi môn học và thực hiện xã hội hóa việc biên soạn, xuất bản SGK phổ thông một cách hợp lý và có điều kiện. Theo đó, đồng ý để Bộ GD-ĐT biên soạn một bộ SGK, nhằm đảm bảo sự chủ động về thời gian công việc và kiểm soát được chất lượng nội dung cần thiết trong quá trình triển khai thực hiện lộ trình, kế hoạch đổi mới CT-SGK trên quy mô toàn quốc và đồng thời ở cả 3 cấp học.


Về kinh phí thực hiện Đổi mới CT-SGK giáo dục phổ thông, ông Thi cho rằng, đề án của chính phủ đã liệt kê khá chi tiết các nội dung, hạng mục thuộc các khâu trong quy trình biên soạn CT-SGK phổ thông và tách riêng nguồn tài chính chi qua ngân sách trung ương với nguồn tài chính chi qua ngân sách địa phương và nguồn tài chính xã hội hóa từ các cá nhân, tổ chức khác. Khái toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ ở trung ương tương đối cụ thể, hợp lý và có tính khả thi. Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm phần khải toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ của các địa phương để có khái toán tổng thể kinh phí chi cho Đề án đổi mới CT-SGK giáo dục phổ thông.


Về lộ trình triển khai thực hiện đổi mới CT-SGK giáo dục phổ thông, Ủy ban nhất trí về cơ bản các bước tiến hành nêu trong lộ trình thực hiện như Tờ trình của chính phủ đề xuất, nhưng đề nghị cân nhắc dành thời gian thích đáng cho việc thực nghiệm chương trình mới. Cần tổ chức đánh giá tình trạng về đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục để xác định kế hoạch triển khai đổi mới CT-SGK mới cụ thể cho từng cơ sở giáo dục. Việc triển khai đại trà CT-SGK mới cũng cần cân nhắc hợp lý. Đối với cấp tiểu học có thể thực hiện đồng thời ở tất cả các lớp, nhưng đối với cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông thì cần theo hình thức cuốn chiếu ở mỗi cấp học.


Ông Đào Trọng Thi nhấn mạnh, hồ sơ trình Dự thảo Nghị quyết đã được chuẩn bị đầy đủ theo quy định. Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục hoàn chỉnh Dự thảo Nghị quyết cả về nội dung, hình thức theo yêu cầu; hoàn chỉnh Đề án, đặc biệt cần luận giải khoa học hơn những vấn đề đổi mới về CT-SGK giáo dục phổ thông lần này, để Quốc hội có đủ căn cứ xem xét, ban hành nghị quyết trong kỳ họp tới.


Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam:

Đề án lần này có sự tách bạch giữa chương trình và SGK. Đây là điểm rất mới. Về biên soạn SGK, ban đầu chính phủ chủ trương hai phương án, đã có nhiều ý kiến đóng góp. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng nếu Bộ GD-ĐT không làm SGK thì tính chủ động không có, nếu đến thời điểm mà không có bộ SGK nào đạt chuẩn thì sao? Vì vậy, đa số ý kiến đề xuất chỉ nên trình ra Quốc hội phương án là Bộ GD-ĐT cùng tham gia biên soạn SGK. Về kinh phí, việc kiên cố hóa trường lớp học, đào tạo đội ngũ thì dù không có đề án đổi mới CT-SGK vẫn phải làm, với kinh phí rất lớn, vì thế, cần tách ra khỏi đề án CT-SGK phổ thông. Đây là 3 trong 18 đề án về giáo dục mà chính phủ sẽ phê duyệt. Việc đấu giá bản quyền SGK do bộ làm hay không sẽ còn tính tiếp, vì thế không nên ấn định là đấu giá mà nên để ngỏ, vì có thể cho không bản quyền để nhà xuất bản làm, vì nếu có đấu giá thì lại tính vào tiền sách của học sinh. Làm CT-SGK có tiếp thu kinh nghiệm thế giới, nhưng không phải là đi nhặt nhạnh hết, mà phải chú trọng việc sẽ xây dựng con người Việt Nam như thế nào. Điều này Nghị quyết 29 đã nói rất rõ. 


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng:

Sau nhiều lần xem xét, đến nay đề án đã cơ bản ổn, nhưng vẫn phải tính toán thêm. Chương trình bắt đầu từ học, dạy, thi, thì SGK cũng vậy. Vậy làm sao phải bảo đảm tính đồng bộ, ăn khớp, khả thi. Tôi chưa hiểu sẽ làm thế nào, vì đây là vấn đề hệ trọng nên phải rất rõ về mọi vấn đề, nhất là quan điểm, mục tiêu của CT-SGK. Vấn đề cho chọn SGK, cho vận dụng CT-SGK, nơi học 1 buổi, 2 buổi.. thì sẽ thế nào. Phải tính toán kỹ càng để bảo đảm tính khả thi, nghị quyết ra phải làm được. Yêu cầu đưa ra là đổi mới căn bản, toàn diện nhưng đề án chưa thấy tính căn bản, toàn diện giữa các môn, giữa nhà trường-xã hội-gia đình… cần được làm rõ. Một nỗi lo nữa là điều kiện các nơi còn khác nhau, trình độ thầy, trò, cơ sở vật chất khác nhau vậy thì thống nhất CT thế nào đây? Đồng ý là có vận dụng ở từng địa phương, có nhiều khái niệm mới (CT, SGK, tài liệu giáo dục)... thì sau này thi cử có bảo đảm thống nhất không?


Đại biểu Ksor Phước:

Tôi thấy nghị quyết của Quốc hội rất đúng, nhưng vẫn còn chung chung. Tôi quan tâm đến các vấn đề từ thực tiễn. Cụ thể, cấp 1 học sinh găp người lớn còn chào hỏi, nhưng càng lên cao càng ít chào hỏi, đó là một biểu hiện nhỏ nhưng rất đáng suy nghĩ. Tất cả đều bắt nguồn từ sản phẩm giáo dục cả. Vì vậy rất cần lưu ý việc dạy người trong giáo dục phổ thông mới. Đồng thời, phải chú trọng dạy lịch sử cho học sinh.


Đại biểu Nguyễn Hạnh Phúc:

Bộ chỉ nên thẩm định sách giáo khoa, vì nếu Bộ GD – ĐT vừa tham gia biên soạn bộ SGK, vừa thẩm định thì liệu có khách quan hay không?Mong muốn của chúng ta là có một bộ SGK chuẩn, huy động được trí tuệ, sáng tạo của các tổ chức cá nhân biên soạn. Đề nghị Bộ không soạn, chỉ nên thẩm định và chọn ra một bộ chuẩn để dạy và học, còn lại các bộ khác chỉ là sách tham khảo. Nhiều bộ thì rất dễ giáo viên học sinh phải mua nhiều, tham khảo nhiều, con nhà nghèo lấy đâu ra tiền mà mua nhiều. Các nước đã vận dụng cách này nhiều rồi, Việt Nam đi sau thì nên học tập. Làm như vậy thì sẽ có một bộ SGK chuẩn, khách quan, cũng giảm được chi phí đi. Theo đó, bộ SGK nào được chọn thì mới được cấp kinh phí. Vì vậy, đề nghị cứ trình cả 2 phương án biên soạn SGK ra Quốc hội.




Lê Vân
Quốc hội cho ý kiến về đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa
Quốc hội cho ý kiến về đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về tờ trình đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và dự thảo nghị quyết của quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN