Các chuyên gia tư vấn đến từ các trường đại học lớn như Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội... đã giải đáp những thắc mắc của phụ huynh, học sinh trong giai đoạn nước rút xét tuyển đại học.
Đại diện của các cơ sở giáo dục có mặt tại hơn 300 gian tư vấn, sẵn sàng trực tiếp giải đáp mọi thắc mắc cho học sinh, phụ huynh cũng như cung cấp thông tin cụ thể, chi tiết về học phí, học bổng, ký túc xá, đời sống sinh viên...
Tại Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho biết, tới thời điểm này mới chỉ có khoảng 390.000 thí sinh đăng ký nguyện vọng lên hệ thống xét tuyển của Bộ GD&ĐT. Trong đó có khoảng 72.000 thí sinh chỉ đăng ký một nguyện vọng duy nhất.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy đưa ra lời khuyên với thí sinh rằng các em không nên chỉ đăng ký một nguyện vọng mà nên có một số nguyện vọng. Vì nếu có rủi ro cho thí sinh thì hệ thống của Bộ còn xét tuyển tiếp để thí sinh có được các cơ hội khác. Thí sinh cần lưu ý xếp nguyện vọng mình yêu thích nhất, thấy phù hợp nhất lên đầu.
Liên quan đến nguyện vọng trúng tuyển sớm, PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa cho biết: "Với những nguyện vọng trúng tuyển sớm, nếu thí sinh chưa thật sự yêu thích có thể đặt những nguyện vọng này xuống dưới và đưa những nguyện vọng yêu thích chưa trúng tuyển lên trên. Nguyện vọng trúng tuyển sớm đặt ở đâu cũng sẽ đỗ nếu tất cả các nguyện vọng phía trên trượt, quý phụ huynh hãy yên tâm".
Trường hợp thí sinh đã có thông báo trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển sớm và đủ các điều kiện đi kèm, trên hệ thống, thí sinh đặt ưu tiên nguyện vọng 1 trùng với nguyện vọng đã trúng tuyển. PGS.TS Nguyễn Thu Thủy khẳng định: “Chắc chắn thí sinh sẽ được hệ thống xác nhận trúng tuyển. Còn nếu thí sinh không được trường gọi nhập học thì phụ huynh có thể làm đơn gửi lên Bộ GD&ĐT, chúng tôi sẽ giải quyết”.
Dưới đây là một số hình ảnh ngày hội tư vấn lựa chọn nguyện vọng xét tuyển đại học: