Chỉ sau 2 năm (2010 - 2012) triển khai Quyết định 239/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phổ cập giáo dục (PCGD) mầm non cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2010-2015, bậc học này đã có bước phát triển vượt bậc. Nhân dịp này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân về những bài học kinh nghiệm và những định hướng lớn của công tác PCGD mầm non cho trẻ 5 tuổi trong thời gian tới.
Xin Phó Thủ tướng cho biết ý nghĩa và những kết quả nổi bật của việc thực hiện Quyết định của Chính phủ về phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi trong cả nước sau 2 năm đầu thực hiện?
Như chúng ta đã biết, để đạt mục tiêu PCGD tiểu học đất nước ta phải mất 25 năm và mất 10 năm để hoàn thành phổ cập giáo dục bậc THCS. Năm 2010, ngành giáo dục đã đề xuất và trình Thủ tướng chủ trương PCGD mầm non cho trẻ 5 tuổi. Việc này là rất cần thiết vì chúng ta đã chứng kiến nhiều trẻ em sau 10 năm học trường PT Dân tộc nội trú vẫn chưa quen tiếng kinh bởi ngay từ đầu các em chưa được chuẩn bị một vốn ngôn ngữ tốt. PCGD mầm non cho trẻ 5 tuổi góp phần rất lớn giúp trẻ 5 tuổi được chuẩn bị mọi phương diện, nhất là ngôn ngữ, trước khi vào lớp 1. Các nhà khoa học đã nói đến năm 6 tuổi, 50% trí tuệ của con người đã được hình thành. Chăm lo cho các em 5 tuổi bây giờ chính là chăm lo cho tương lai đất nước sau 15 - 20 năm nữa.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thăm một lớp mẫu giáo tại xã Sín Chéng, Simacai (Lào Cai) tháng 9 năm 2010. Ảnh: CTV |
Tuy nhiên, để PCGD mầm non cho trẻ 5 tuổi là nhiệm vụ rất khó khăn vì sau 35 năm chiến tranh, đến trước năm 2010, hệ thống trường lớp còn rất hạn chế. Chúng ta thiếu giáo viên và thiếu kinh phí. Bên cạnh đó, nhận thức của lãnh đạo ở các địa phương và ngay cả trong cộng đồng dân cư về công tác này còn rất hạn chế.
Quốc hội đặt mục tiêu là sau 5 năm phải hoàn thành PCGD mầm non cho trẻ 5 tuổi. 2 năm vừa qua là 2 năm đầu tiên khó khăn nhất. Tuy nhiên những kết quả rất đáng khích lệ. Đến nay có 62/63 tỉnh, TP thông qua kế hoạch thực hiện PCGD mầm non 5 tuổi; trong đó Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Thái Bình, Thành phố Hồ Chí Minh… đặt mục tiêu không phải năm 2015, mà ngay trong năm nay sẽ hoàn thành. Đây là quyết tâm rất lớn.
Ngày 13/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã kiểm tra tình hình triển khai thực hiện Quyết định số 239/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phổ cập giáo dục mầm non (GDMN) cho trẻ 5 tuổi tại tỉnh Hòa Bình. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã biểu dương tinh thần vượt khó và sáng tạo của Hòa Bình. Mặc dù là một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, nhưng tỉnh Hòa Bình đã đăng ký hoàn thành phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi vào cuối năm nay. Đến nay, tỉnh Hòa Bình đã có 98% số trẻ 5 tuổi theo học MN; 100% lớp mẫu giáo được học 2 buổi/ngày. Đặc biệt mỗi trường MN đã có ít nhất 3 máy tính, tạo điều kiện nâng cao chất lượng dạy học trong nhà trường. Công tác phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi được coi là nhiệm vụ ưu tiên với sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị của tỉnh. Phó Thủ tướng cho rằng, những kinh nghiệm của Hòa Bình cần được nhân rộng trong cả nước, nhất là tại các địa phương có điều kiện kinh tế thuận lợi hơn để cả nước cùng đạt mục tiêu hoàn thành phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi trong cả nước vào năm 2015. |
Sau 2 năm đã có 3.500 trường bán công chuyển sang công lập; số trường mầm non (MN) tăng 610 trường, qua đó có thêm 160.000 trẻ được đi học MN, trong đó riêng trẻ 5 tuổi là 112.000 em. Điều đó nói lên rằng nhiệm vụ PCGD mầm non trẻ 5 tuổi là rất khó khăn, nhưng nếu các cấp ủy, chính quyền địa phương vào cuộc thì kết quả đạt sẽ tốt.
Thưa Phó Thủ tướng, để chăm lo cho bậc học này với số lượng học sinh rất đông đòi hỏi một số lượng giáo viên rất lớn, trong khi đó chế độ đãi ngộ dành cho giáo viên MN còn rất nhiều bất cập. Chúng ta phải tháo gỡ vướng mắc này như thế nào?
Bên cạnh việc bổ sung trường lớp, chúng ta phải tháo gỡ giải quyết chế độ chính sách cho giáo viên MN. Vừa qua, Chính phủ có chính sách giáo viên ở bậc MN nếu đạt Chuẩn sư phạm thì được hưởng lương theo ngạch bậc như các bậc học khác. Trong 2 năm qua, cả nước đã tuyển dụng thêm được 24.000 giáo viên MN vào biên chế. Chưa bao giờ trong một thời gian ngắn số giáo viên MN lại tăng nhiều như vậy. Nhà nước có thay đổi cơ bản về mở rộng tuyển dụng giáo viên MN. Giáo viên được hợp đồng và hưởng chế độ như giáo viên biên chế. Đây là quyết định quan trọng. Đội ngũ giáo viên này đã góp phần triển khai có hiệu quả Chương trình phổ cập GDMN.
Chính sách dành cho giáo viên MN những năm qua từng bước được cải thiện thông qua chế độ chung về lương của cán bộ công chức và chế độ phụ cấp thâm niên cho giáo viên. Sắp tới, Chính phủ sẽ xây dựng đề án cải cách tiền lương, trong đó sẽ xem xét cải thiện lương cho giáo viên MN.
Thưa Phó Thủ tướng, chúng ta đang trong quá trình CNH, HĐH đất nước. Việc hình thành các khu công nghiệp (KCN), khu đô thị là tất yếu. Trong khi đó, các cơ sở GDMN tại các KCN cho con em công nhân lại rất thiếu. Vậy có cần xây dựng đề án riêng về GDMN cho các KCN?Sau 2 năm sơ kết triển khai quyết định này, chúng ta thấy có những điển hình tốt về GDMN, nhưng mặt khác, cũng còn nhiều địa phương như Đồng Nai, Bình Dương, có tỷ lệ KCN lớn, dân nhập cư đông nên rất thiếu trường lớp. Theo tôi, giải pháp này không nằm ở Chính phủ mà ở các địa phương, vì nơi phát triển KCN cao thì có nguồn thu dồi dào, nguồn thu thuế tăng. Đó là nguồn lực tại chỗ, không cần Chính phủ phải hỗ trợ. Các địa điểm này dân nhập cư cao. Phát triển kinh tế mà không tính đến chỗ ở cho công nhân, nơi học tập cho con em họ là không được. Lâu nay, chúng ta chưa gắn chặt chẽ quy hoạch phát triển kinh tế với quy hoạch dân cư, quy hoạch phát triển giáo dục.
Sau khi sơ kết 2 năm PCGD MN cho trẻ 5 tuổi, Chính phủ sẽ cùng các địa phương tìm các giải pháp giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân cũng như trường học cho trẻ.
Trong bối cảnh thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, chúng ta vừa phải tiết kiệm chi tiêu vừa phải đảm bảo các mục tiêu an sinh xã hội. Để giải quyết bài toán kinh phí cho GDMN giai đoạn sắp tới, chúng ta phải có những giải pháp gì, thưa Phó Thủ tướng?
Thực ra ngân sách dành cho giáo dục không đổi là 20%, nhưng giá trị tuyệt đối thì có tăng thêm vì kinh tế phát triển. Bên cạnh đó, 3 năm gần đây chúng ta đã đẩy mạnh hơn mức đóng góp của xã hội cho giáo dục nghề nghiệp, học nghề, ĐH, CĐ, mức học phí tăng lên nghĩa là xã hội hóa cao hơn. Theo đó phần kinh phí từ ngân sách công lập cần tăng lên cho giáo dục cơ bản, trong đó có GDMN. Vì vậy, tổng chi cho GDMN sẽ tăng trong những năm tới. Bên cạnh đó, chúng ta phải đẩy mạnh xã hội hóa ở các vùng có điều kiện, khuyến khích phát triển trường tư thục cho con em các gia đình có điều kiện. Năm trước, chúng ta đã ưu tiên cho phổ cập lớp 9, những năm tới cần ưu tiên cho phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi.
Xin trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng!
Hoàng Hoa (thực hiện)