Giới hạn kiến thức
Theo thầy Đào Tuấn Đạt, Giảng viên ĐH Bách khoa Hà Nội, người điều hành trường THPT Anhxtanh, Hà Nội: "Kế hoạch học tập và thi cử của học sinh hoàn toàn phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh và không thể dự đoán trước được. Tâm trạng phụ huynh và học sinh, đặc biệt ở các lớp cuối cấp đang cực kỳ lo lắng. Thời gian ngày càng ngắn mà dịch bệnh ngày càng tăng. Việc học online đem lại sự yên tâm phần nào về mặt tâm lý chứ không hiệu quả".
"Việc ngành giáo dục cần làm là công bố ngay các môn thi vào cấp 3. Các môn thi của lớp 12 thì học sinh đã nắm được, nhưng cần giới hạn chỉ thi phần kiến thức học sinh đã được học cho đến thời điểm phải nghỉ vì dịch (tức là từ đầu năm học cho đến hết tháng 1/2020). Sau khi hết dịch, trở lại đi học bình thường, cần cho học sinh lớp 9 và lớp 12 dành thời gian này để ôn tập, chứ không nên học thêm kiến thức mới", thầy Đào Tuấn Đạt đề xuất.
“Cần khoanh phần kiến thức chưa học lại. Phần kiến thức khoanh lại cho học sinh nợ và học trả nợ sau, trả nợ như thế nào tùy vào quỹ thời gian chúng ta có sau khi hết dịch. Học sinh đỗ đại học, cao đẳng, trung cấp học trả nợ ở đại học, cao đẳng, trung cấp. Học sinh còn lại học trả nợ ở trường phổ thông. Nếu thi cả vào phần kiến thức học online là không công bằng với học sinh”, thầy Đào Tuấn Đạt chia sẻ thêm.
Người gửi đi thông điệp đầu tiên về giảm môn thi cũng như bỏ thi tốt nghiệp THPT trong tình hình hiện nay là thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường THCS& THPT Marie Curie (Hà Nội).
Từ việc lắng nghe nguyện vọng của nhiều giáo viên, học sinh và phụ huynh, thầy Nguyễn Xuân Khang đề nghị: Về kỳ thi THPT Quốc gia năm 2020, đề nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ xem xét và quyết định chỉ thi các môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ; bỏ các bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội.
Nội dung đề thi năm nay cũng cần có những điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế. Năm nay khi chưa xảy ra dịch bệnh, Bộ GD&ĐT chủ trương không công bố đề minh hoạ kỳ thi THPT quốc gia. Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh phức tạp khiến học sinh tiếp tục phải nghỉ học như hiện nay, Bộ GD&ĐT cần cân nhắc, xây dựng và sớm ban hành đề minh họa các môn thi, giúp học sinh và các nhà trường có kênh tham khảo chính thức để ôn tập và yên tâm về định hướng ra đề trong năm học “đặc biệt” này.
Về kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2020 - 2021 của Hà Nội, thầy Khang đề nghị xem xét, sửa quyết định theo hướng chỉ thi các môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ; bỏ môn thi thứ tư, là một trong các môn Lý, Hoá, Sinh, Sử, Địa, GDCD (được chọn ngẫu nhiên vào cuối tháng 3).
“Tôi đề xuất giảm bớt một số môn thi trong các kỳ thi nói trên, trước hết là nhằm giảm áp lực cho giáo viên và học sinh cuối cấp, giúp người dân thêm tin tưởng, yên tâm, đồng lòng chống dịch bệnh COVID-19. Đồng thời giảm được đáng kể quy mô tổ chức các kỳ thi đó của Bộ và thành phố”, thầy Khang cho biết.
Thầy Nguyễn Xuân Khang đề xuất: Nội dung đề thi cần điều chỉnh phù hợp với thực tế học sinh đã nghỉ học 2 tháng phòng COVID -19 và có thể nghỉ tiếp. Bộ GD&ĐT cũng nên cân nhắc xây dựng và sớm ban hành đề minh họa các môn thi, giúp học sinh và nhà trường có kênh tham khảo để ôn tập và yên tâm về định hướng ra đề trong năm học này.
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội thì nếu dịch còn diễn biến phức tạp thì cần phải tính đến dừng kỳ thi THPT quốc gia. Bộ GD&ĐT cần sớm xây dựng phương án để ứng phó trong năm học này.
Không giảm chương trình một cách cơ học
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc giao Bộ GD&ĐT đẩy mạnh học trực tuyến, giảm nhẹ chương trình, rút ngắn thời gian học, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đề nghị, các đơn vị chuyên môn của Bộ sớm ban hành hướng dẫn cụ thể về việc dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình để các địa phương, cơ sở giáo dục có căn cứ triển khai đồng bộ và hiệu quả. Trong đó, cần lưu ý công tác thẩm định nội dung, chất lượng các bài giảng trực tuyến, trên truyền hình và học từ xa.
Bộ trưởng đề nghị các địa phương khi rà soát giảm nhẹ chương trình nhưng phải đảm bảo chất lượng, không thực hiện tinh giản cơ học mà tinh giản những nội dung không thật sự cần thiết. Bộ trưởng cũng chỉ đạo các đơn vị chuyên môn sớm hoàn thành xây dựng đề thi tham khảo kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 cho tất cả các môn theo hướng tính toán cân đối lượng kiến thức sao cho phù hợp.
Trước đó, công văn số 4612 ban hành năm 2017, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các nhà trường rà soát, tinh giản nội dung dạy học, để phát triển năng lực và phẩm chất học sinh chuẩn bị cho việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới. Theo PGS TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD&ĐT thì việc tinh giản đến nay vẫn được thực hiện theo cách đó, làm sao chú trọng rèn luyện cho học sinh phương pháp tự học, tự nghiên cứu sách giáo khoa.