Tăng tính trực quan, gần thực tiễn đào tạo kỹ năng
Theo ông Đỗ Năng Khánh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, các trường cao đẳng, trung cấp đã phát huy khả năng sẵn có, thực hiện nhiệm vụ vừa giảng dạy, vừa nghiên cứu để sản xuất thiết bị, làm phong phú thêm nguồn trang thiết bị đào tạo.
Trong đó, các thiết bị đào tạo tự làm ứng dụng công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), liên kết vạn vật (IoT), điều khiển tự động… thu hút chú ý của các trường tham dự hội thi cho thấy sự thích ứng, sáng tạo để truyền đạt kiến thức cho học sinh, sinh viên.
Với mô hình ghế trải nghiệm xem phim 4D, Bộ thiết bị đào tạo lập trình AI của trường Cao đẳng Điện lực miền Trung sử dụng video giới thiệu về trường. Khi ngồi vào vị trí ghế xem phim 4D, đeo kính thực tế ảo VR, người trải nghiệm sẽ được tham quan toàn cảnh về trường trên trực thăng.
Trưởng nhóm Hồ Văn Vinh, Phòng quản lý khoa học và quan hệ quốc tế trường Cao đẳng Điện lực miền Trung cho biết, “Bộ thiết bị đào tạo lập trình IoT” được ứng dụng trong đào tạo nghề, nhằm rèn luyện kỹ năng thực hành lập trình, điều khiển cho người học nghề trình độ Trung cấp, Cao đẳng các nghề Công nghiệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa; Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử; Công nghệ kỹ thuật điện tử, truyền thông; Điện công nghiệp... Hệ thống ghế này giúp sinh viên học module lập trình khác nhau như lập cảm biến công suất, trình điều khiển hệ thống piston, ứng dụng thực tế ảo... Từ bộ thiết bị đào tạo lập trình này, sinh viên có thể chế tạo ra nhiều sản phẩm có tính ứng dụng cao. Bên cạnh ghế trải nghiệm xem phim 4D, các em có thể tự xây dựng giải pháp làm nhà thông minh.
Còn mô hình hệ thống điều khiển giám sát trong nông nghiệp hướng tới nông nghiệp công nghệ cao của Trường Cao đẳng Cơ điện Bắc Ninh gây ấn tượng nhờ công nghệ tự động hóa. Thầy Đinh Văn Mạnh – Trưởng nhóm thiết bị này cho biết, mô hình có các hệ thống cảm biến truyền không dây tới hệ thống điều khiển trung tâm. Hệ thống điều khiển trung tâm sẽ điều khiển các thành phần khác như rèm đèn, quạt động cơ bơm, động cơ bơm tưới phun, động cơ bơm nhỏ giọt, động cơ bơm dưỡng chất. Tín hiệu truyền từ cảm biến tới bộ điều khiển trung tâm thông qua máy tính, điện thoại ở bất kỳ đâu, bất cứ lúc nào. Từ hiệu quả đạt được, nhà trường đã ký hợp đồng phát triển kinh doanh với một công ty ở Bắc Ninh.
“Hiện nay, hệ thống này đã có trên thị trường nhưng được bán với giá thành cao. Chẳng hạn với mô hình khoảng 300m2 thì chi phí lên tới 350 triệu đồng. Tuy nhiên, thiết bị đào tạo tự làm này chỉ có giá từ 70-80 triệu đồng cho toàn bộ thiết bị điều khiển”, thầy Mạnh chia sẻ.
Tiết kiệm hơn với mô hình tự làm
Hội thi thiết bị đào tạo tự làm lần thứ 7 ghi nhận nhiều thiết bị có mức giá thấp hơn rất nhiều so với giá trên thị trường. Mô hình thực hành lắp đặt mạng điện dân dụng và công nghiệp của nhóm tác giả Lê Văn Tuyên, trường Trung cấp dân tộc nội trú tỉnh Thái Nguyên là một ví dụ. “Mô hình thiết bị tự làm có giá thành từ 60-70 triệu đồng trong khi nếu mua ngoài thị trường chi phí bộ thực hành sẽ khoảng 120 triệu đồng”, thầy Lê Văn Tuyên cho biết.
“Mô hình này tích hợp công nghệ tự động hóa giám sát điều khiển, áp dụng giảng dạy trong nhiều nghề như điện dân dụng, điện công nghiệp, điện tử dân dụng, điện tử công nghiệp, điện lạnh, cơ điện nông thôn. Ngoài điện dân dụng và điện công nghiệp, hệ thống còn được điều khiển trên điện thoại, điều khiển bằng giọng nói thông qua trợ lý ảo, phần mềm điều khiển các ngôi nhà thông minh, thiết bị điều khiển từ xa... Thực tế thì mô hình thực hành được hình thành trên nhu cầu thực tế là học sinh trường nghề lắp đặt thực tế sơ đồ điện trong một gia đình ở nông thôn, ven đô với nhu cầu khác nhau. Do đó, sau 3 năm từ các hình thức đơn lẻ, giáo viên bộ môn tích hợp vào mô hình để học sinh có thể tháo lắp để sau khi thao tác trên mô hình là học sinh có thể áp dụng được ngay trên thực tế”, thầy Tuyên chia sẻ.
“Tại thực tế đào tạo của nhà trường, bên cạnh 2 sa bàn làm thành những panel ứng với kiểu kỹ năng và module môn học. Khi giáo viên làm mẫu, học sinh làm thử trên những panel được lắp đặt trong ca-bin. Học sinh có thể làm các đồ điện từ lắp đặt tivi, điều hòa, hệ thống camera giám sát hệ thống báo khói để các em rèn luyện. Trên thực tế, nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp có thể xin việc làm tại các khu công nghiệp trên địa bàn hoặc về nhà có thể mở xưởng riêng”, thầy Lê Văn Tuyên chia sẻ.
Còn với “Mô hình máy ép nhựa mini” tại trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa - Vũng Tàu dựa trên thực tế trong quá trình đào tạo nghề chế tạo khuôn mẫu, các thiết bị thực hành của trường như: Thiết kế khuôn, công nghệ gia công khuôn, gia công lắp ráp khuôn, vận hành máy ép nhựa…, còn thiếu thốn về số lượng, vận hành phức tạp. Khi xảy ra lỗi mất nhiều thời gian, tiền bạc để sửa chữa và ảnh hưởng tới học sinh khi làm quen máy.
Bên cạnh đó, máy đòi hỏi các bộ khuôn lớn, nặng gây nguy hiểm và ảnh hưởng đến an toàn cho người vận hành. Kiến thức các em tiếp thu trên lớp chỉ mang tính lý thuyết, chưa thực sự tạo động lực, hứng khởi tiếp thu, gây chán nản… Nhận thấy những bất cập trên, nhóm tác giả là các nhà giáo: Nguyễn Thanh Thảo, Đoàn Trung Tắng, Trần Bình Minh, Trần Quốc Tuấn đã đến trực tiếp tham quan hệ thống máy móc sản xuất của doanh nghiệp, căn cứ vào chương trình đào tạo nghề chế tạo khuôn mẫu để lên ý tưởng thiết kế và thực hiện gia công “Mô hình máy ép nhựa mini”, nhằm giúp việc giảng dạy, học tập các tiêu chuẩn năng lực kỹ năng nghề chế tạo khuôn mẫu đạt hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.
Tính ưu việt của mô hình này chính là ứng dụng thiết thực với người học, bởi công nghệ tự động đang được sử dụng rộng rãi trên thị trường hiện nay; có khả năng giảng dạy được các bài tập về thiết kế khuôn, công nghệ chế tạo khuôn mẫu, vận hành máy ép nhựa, trong khi các thiết bị hiện có của nhà trường chưa đáp ứng đủ số lượng để thực hiện các bài tập này. Thiết bị cũng rẻ hơn rất nhiều so với làm trên thực tế.
Trong khi đó với mô hình xe điện cũng được trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghệ Bà Rại – Vũng Tàu thiết kế dựa trên nhu cầu thực tế nhiều khách sạn, resort và sân golf cần xe điện. Thầy Lê Phước Triều, Trưởng phòng Đào tạo của trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa – Vũng tàu cho biết, nếu mua xe điện trên thị trường để hướng dẫn cho học sinh, sinh viên lên tới vài trăm triệu đồng; trong khi với mô hình thiết kế xe điện của nhà trường tầm 30 triệu đồng. Học sinh năm vững nguyên lý vận hành, sơ đồ thiết kế để từ đó có thể sửa chữa, vận hành khi xe điện hiện nay.
Ông Đỗ Năng Khánh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết: Hội thi lần này đã có chuyển biến tích cực về chất lượng, phong phú về nhóm nghề đào tạo và đa dạng về thể loại thiết bị, từ đồ dùng, mô hình dạy học đơn giản đến các thiết bị ứng dụng công nghệ kỹ thuật vi xử lý, lập trình phức tạp, ứng dụng công nghệ AI, IoT gần với thực tế.
Điều đó đã thể hiện tài năng sáng tạo và việc quan tâm đầu tư cho công tác nghiên cứu của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Sự đa dạng của thiết bị đào tạo tự làm chứng tỏ thiết bị đào tạo tự làm đã thực sự trở thành cầu nối giữa thực tiễn khoa học và đào tạo, đáp ứng nhu cầu dạy và học trong các cơ sở đào tạo. Việc tổ chức dạy trên các mô hình, thiết bị của các tác giả, nhóm tác giả là sự kết hợp các phương pháp dạy học và khả năng sử dụng phương tiện dạy học làm tăng tính trực quan, giúp nguời học nhanh chóng tiếp thu được kiến thức và hình thành kỹ năng nghề, đồng thời tạo nên hứng thú cho người dạy và người học, trực quan hóa trong quá trình giảng dạy.
Điểm nổi bật là hầu hết các thiết bị dự thi đều sử dụng các vật tư dễ tìm, kết hợp với sự sáng tạo của các thầy cô giáo trong việc ứng dụng hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quá trình thiết kế, sản xuất thiết bị đào tạo. Điều này đem đến tính khả thi cao trong việc nhân rộng kết quả tự làm thiết bị, nâng cao chất lượng và khả năng ứng dụng của thiết bị; tăng hiệu quả sử dụng cũng như hiệu quả kinh tế trong việc đầu tư trang thiết bị đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Trong quá trình tổ chức hội thi, nhiều trường cao đẳng, trung cấp tại các tỉnh lân cận đã tổ chức thành các đoàn để thầy cô tham quan, tìm hiểu về các mô hình thiết bị đào tạo tự làm để từ đó đúc kết phổ biến rộng rãi cho các trường. “Do đó, Ban Tổ chức Hội thi sẽ hoàn thiện dữ liệu hình ảnh về Hội thi và làm đầu mối cung cấp các địa chỉ của các tác giả, các nhóm tác giả có thiết bị đạt kết quả cao để giới thiệu cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác đến trao đổi kinh nghiệm và hợp tác”, ông Đỗ Năng Khánh chia sẻ.
Trong thời gian tới ngành giáo dục nghề nghiệp sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách phù hợp để thúc đẩy phong trào thi đua nghiên cứu, sáng tạo để tạo ra các thiết bị đào tạo và để hoạt động này thực sự trở thành công việc thường xuyên trong hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời, đề xuất hàng năm dành một phần kinh phí để hỗ trợ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc tự sản xuất thiết bị đào tạo và định kỳ sẽ tổ chức các hoạt động để động viên, tôn vinh các tác giả đã đạt giải nhằm phát huy, sử dụng thật tốt các thiết bị đào tạo tự làm có giá trị.