Nhọc nhằn đường đến trường

"Chỉ có học mới mong thoát nghèo bền vững" - Đó là khẳng định của anh Trương Văn Quảng, Trưởng thôn Đồng Mậm, xã Sơn Hải, một trong những xã đặc biệt khó khăn nhất nằm trong vùng lòng hồ Cấm Sơn của huyện Lục Ngạn tỉnh Bắc Giang. Ở đây, hàng ngày trẻ em vẫn háo hức đến trường dù phải đi bằng những con thuyền nhỏ đối mặt với bao vất vả, hiểm nguy và bất trắc trên mặt hồ rộng mênh mông.


Mỗi ngày đến trường mất 1 giờ đi thuyền và 10 cây số đường bộ


Học sinh xã Sơn Hải “băng sông” tới trường. Ảnh: Nguyễn Khoát


Khu lớp học cắm bản Đồng Mậm là một trong 4 khu lớp của Trường tiểu học xã Sơn Hải nhưng là nơi xa nhất, trên đảo nhỏ nằm cách biệt với khu trung tâm trường qua hồ Cấm Sơn. Sau khoảng 30 phút đi thuyền máy qua mặt hồ và 15 phút đi bộ men theo sườn núi, chúng tôi tới khu lớp học nằm ven đồi. Khu này có 4 lớp học từ lớp 1 đến lớp 5 ( trong đó có một lớp ghép 1 và 2 ), với tổng số 39 học sinh. Bốn cô giáo cứ sáng thứ 2 được thuyền máy của trường đưa vào, đem theo thức ăn mua sẵn cho cả tuần để dạy học, ăn nghỉ tại đây và chiều thứ 6 thuyền lại vào đón về. Nếu hôm nào học cả ngày, các em ở xa phải ở lại lớp và ăn trưa bằng cơm nắm, mì tôm sống...( tùy theo khả năng mỗi gia đình ), được bố mẹ chuẩn bị sẵn mang theo từ sáng. Chúng tôi gặp anh Quảng từ khu Suối Khoan đến lớp đón các em đi học về vì là ngày đến lượt gia đình anh đưa đón các em trong khu đi học bằng thuyền. Đó là khu xa và khó khăn nhất của thôn Đồng Mậm. Từ lớp học về bến thuyền của khu này phải mất 20 phút chạy thuyền máy hoặc 45 phút chèo thuyền qua hồ. Lên bến, các em còn phải đi bộ tiếp ( nơi xa nhất đến 6-7 km ) mới về đến nhà khi trời đã rất tối mà ở đây toàn đường đất gồ ghề, nhỏ hẹp, lại chưa có điện lưới quốc gia. Như vậy trung bình mỗi ngày một học sinh chỉ mới 6 - 10 tuổi ở đây phải mất 1 giờ đi thuyền và ít nhất 10 cây số đường bộ để đến trường và trở về nhà.


Khi hỏi chuyện, cô giáo Nguyễn Thị Thạo, Hiệu trưởng Trường tiểu học Sơn Hải và các cô giáo ở khu Đồng Mậm đều rơm rớm nước mắt, thương cảm, chia sẻ với sự khó khăn, vất vả nhưng cảm phục trước nghị lực, ý chí vượt khó vươn lên của học sinh và cha mẹ các em ở đây. Cô Thạo cho biết, Trường tiểu học Sơn Hải có 469 học sinh ( dân tộc Nùng chiếm hơn 80%, còn lại là dân tộc Kinh ), học ở 5 khu cách biệt nhau; trong đó, khó khăn nhất là khu Đồng Mậm. Mùa nước lớn, trường có 209 em đi học bằng thuyền, còn mùa nước cạn có 61 em ( riêng khu Đồng Mậm có 26 em ). Những năm qua, Trường được nhà nước và nhiều tổ chức hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, thuyền đưa đón giáo viên vào khu Đồng Mậm, áo phao và cặp phao cho học sinh. Tuy nhiên, cuộc sống của giáo viên và học sinh nơi đây còn rất khó khăn, nhất là các em ở các khu xa trung tâm trường. Hiện nay, số học sinh học sinh lớp 1 và lớp 2 của trường chưa được cấp áo phao và cặp phao, nhiều áo phao được hỗ trợ từ những năm trước nay đã cũ hỏng nên đi thuyền cũng lo ...


Buổi tối, trong căn nhà trình tường đất, dưới ánh sáng mờ từ bóng đèn 15 W lấy điện từ chiếc máy phát nhỏ tận dụng sức nước suối ( mùa cạn thì tối chỉ dùng đèn dầu ), anh Quảng cho biết: thôn Suối Khoan có 94 hộ thì 90 hộ nghèo. Tuy thôn có được hỗ trợ để phát triển kinh tế xã hội nhưng không nhiều và còn rất khó khăn. Các cháu học Trung học cơ sở ( THCS ) của thôn nay đã được học bán trú ở khu trung tâm xã nhưng các cháu đi học tiểu học còn rất vất vả. Hằng ngày, các gia đình trong khu có con đi học phải thay phiên nhau đưa đón các cháu bằng thuyền. Chỉ có 3 gia đình có thuyền máy, còn lại các gia đình khác khi đến lượt phải chèo thuyền đưa các cháu đi về. Có những cháu ở những khu đảo rải rác khác trong lòng hồ của thôn còn phải tự chèo thuyền tới lớp. Khi mưa gió to, thuyền qua hồ rất nguy hiểm, có hôm thấy nguy hiểm quá phải cho các cháu nghỉ học.


Mong một con thuyền máy 


Anh Quảng tâm sự: Thôn có khó khăn nhưng nhiều nơi còn khó khăn hơn nên đồng bào cũng ý thức không thể trông chờ mãi. Cái chính là bà con trong thôn phải tự lực vươn lên và điều quan trọng là phải cho con cái đi học bằng được để sau có nghề mới mong thoát nghèo bền vững. Vì thế, dù nghèo khó nhưng ở đây tất cả trẻ em trong độ tuổi đều đến trường, không em nào bỏ học. Trước mắt, anh mong sao thôn được giúp một chiếc thuyền máy để các gia đình thuận lợi hơn thay phiên nhau đưa đón các cháu đi học.


Theo ông Vi Văn Sáo, Chủ tịch UBND xã Sơn Hải, hiện học sinh THCS của xã ở những thôn xa được học bán trú nhưng nhiều học sinh vẫn phải đi học bằng thuyền qua hồ, nhất là số học sinh tiểu học. Ông Sáo đề nghị trước mắt được hỗ trợ thuyền máy chở học sinh đi học. Về lâu dài, nhà nước cần hỗ trợ học sinh tiểu học ở xa được học bán trú hoặc đầu tư xây dựng cây cầu từ trung tâm xã qua hồ Cấm Sơn sang thôn Đấp và làm con đường từ thôn này sang thôn Đồng Mậm để học sinh đi học đường bộ.


Ông Võ Quyết Thắng, Trưởng phòng giáo dục huyện Lục Ngạn, cho biết: Toàn huyện hiện có 465 học sinh phải đi học bằng thuyền; riêng các xã vùng lòng hồ Cấm Sơn có 404 em. Để giải quyết khó khăn giúp số học sinh vùng khó khăn này, huyện đã đầu tư nhà ở, giường, tủ, bếp ăn...cho các lớp bán trú THCS, tập huấn kỹ thuật cho người lái thuyền và vận động nhiều tổ chức, cá nhân giúp đỡ về phương tiện, áo phao và cặp phao giúp các em phải đi học bằng thuyền. Tuy nhiên, hiện còn hơn 260 học sinh đi học bằng thuyền chưa có áo phao, cặp phao. Theo ông Ngô Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo ( GD&ĐT ) tỉnh Bắc Giang, những năm qua mặc dù các cấp, các ngành ở địa phương có nhiều cố gắng giải quyết khó khăn cho giáo dục vùng sâu, vùng xa của tỉnh nhưng hiện còn nhiều nơi rất khó khăn, nhất là vùng hồ Cấm Sơn. Tuy khó khăn vậy nhưng nhiều năm nay, ở tỉnh không có học sinh tiểu học bỏ học. Để giải quyết khó khăn cho số học sinh vùng hồ Cấm Sơn, phương án lâu dài là di dân khỏi vùng lòng hồ nhưng khó vì kinh phí di dân lớn và cần vận động cho người dân hiểu, di dân ra khỏi vùng này. Thời gian tới, Sở tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh, Ban an toàn giao thông tỉnh vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hỗ trợ tiếp áo phao, cặp phao để giúp các em đến trường an toàn; đầu tư xây dựng nhà bán trú tại các trường tiểu học vùng này, trước mắt tập trung cho số học sinh lớp 5 và lớp 4 ( học sinh lớp 1 và lớp 2 thì nhỏ quá ) để các em đỡ phải đi lại bằng thuyền, bớt khó khăn và nguy hiểm./. 



Như Kính

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN