Người thầy dạy phổ thông có bài báo đăng trên tạp chí uy tín thế giới
Kết thúc 5 tiết dạy tại trường THPT Kinh Môn 2, thị xã Kinh Môn, Hải Dương, thầy giáo Vũ Văn Cát bắt xe khách lên Hà Nội, tới ĐH Bách khoa để... đi học. Hành trình này gắn bó với thầy Vũ Văn Cát suốt 5 năm qua.
Đam mê Vật lý từ bậc phổ thông, rồi thi đỗ vào khoa Vật lý, trường ĐH Sư phạm Hà Nội, thầy Vũ Văn Cát trở về quê hương làm giáo viên dạy Vật lý. Vì đam mê nghiên cứu, sau 5 năm giảng dạy phổ thông, thầy Cát đăng ký học Chương trình thực nghiệm của ĐH Bách khoa Hà Nội.
"Khao khát được tiếp cận với những người thầy giỏi, được thực nghiệm trong những phòng thực hành đầy đủ và điều quan trọng hơn cả là mong mỏi làm mới kiến thức, làm mới phương pháp giảng dạy để truyền đạt cho học sinh..., đã thôi thúc tôi làm nghiên cứu khoa học. Nhưng do tự bỏ chi phí đi học trong khi vẫn phải đảm bảo kinh tế của gia đình và duy trì công việc ở trường nên phải đến 20 năm sau tôi mới thực hiện được ước mơ nghiên cứu sinh ở ĐH Bách khoa Hà Nội”, thầy Cát tâm sự
Thầy Cát quan niệm: Nếu không có phương pháp mới, cách làm mới thì đừng mong kết quả mới. Mặt khác, thầy Cát nhận ra sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật có tác động nhất định đến đời sống rất nhanh. Ngay trong các bài giảng có kiến thức cơ bản được ứng dụng nhưng các ứng dụng ấy cũng thay đổi hàng ngày, hàng giờ.
Video thầy Vũ Văn Cát chia sẻ với PV báo Tin tức:
“Nếu chỉ "ôm" sách giáo khoa, giữ quan niệm cũ thì bài giảng không thể nào tươi mới, bắt nhịp với cuộc sống. Trong khi đó, yêu cầu trọng tâm về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông mới là hoạt động khoa học thực nghiệm. Học sinh phổ thông đã có cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia khá chuyên nghiệp. Tất cả những điều đó thôi thúc tôi chăm chỉ hơn, nỗ lực hơn giáo viên bình thường để đi học. Đồng thời bỏ qua những quan niệm như “giáo viên phổ thông mà đòi nghiên cứu khoa học” “hay đi học vì mục đích gì””, thầy Cát cho biết.
Tấm gương về sự học hỏi không ngừng của thầy Vũ Văn Cát đã tác động nhiều tới tinh thần học tập của các em học sinh. Thầy Cát cũng là người đã có 2 bài báo khoa học đăng trên tạp chí uy tín thế giới sau 3 năm làm nghiên cứu sinh. Đó là bài báo "Tổng hợp vật liệu tổ hợp rGO-Ag bằng phương pháp thủy nhiệt dùng trong cảm biến phát hiện xanh methylene và thuốc trừ sâu tricyclazole" năm 2019 và "Sự thực hóa các tấm graphene oxit trong cảm biến khối lượng phát hiện các khí độc hại NO2, SO2, CO và NH3" năm 2020 trên tạp chí quốc tế Materials Today Communnications. Việc một "thầy giáo làng" với công trình nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học uy tín của thế giới là lời khích lệ rất lớn với các em học sinh về ước mơ vươn xa, nghiên cứu khoa học.
Thầy Cát quan niệm, học sinh phải hiểu kiến thức mình mới trưởng thành được. Nếu không hiểu thì người thầy không hoàn thành trách nhiệm. Vì thế, thầy Cát hướng học sinh tới những bài giảng mang tính ứng dụng thực tế.
“Nếu chỉ lên lớp giảng đủ giờ, dạy thêm là đủ tiêu chuẩn thì suy nghĩ… ngắn quá. Tôi luôn muốn làm mới mình bằng kiến thức thực nghiệm, bằng phương pháp học được từ thầy giỏi để lan toả kiến thức đến với học sinh một cách hấp dẫn, từ đó nuôi dưỡng niềm đam mê ở các em. Niềm tự hào lớn nhất của tôi là những lớp học tôi từng dạy đều có hiệu quả về mặt giáo dục và cá em đều thành đạt”, thầy Cát trải lòng.
Cô giáo dạy văn tạo talkshow trên lớp
Tôi gặp cô giáo Văn Phương Trang (Tổ phó tổ Ngữ văn, Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông, TP Hội An, Quảng Nam) khi cô đưa học sinh đi trải nghiệm ở Hà Nội. Là một giáo viên trẻ và đam mê với môn Ngữ văn từ khi học phổ thông, cô Văn Phương Trang sớm hoàn thành bậc Tiến sĩ ngữ văn và là một trong những giáo viên tiêu biểu của tỉnh Quảng Nam; liên tục nhiều năm bồi dưỡng học sinh giỏi Ngữ văn.
Tâm sự về việc học sinh học Ngữ văn thời nay, làm gì để học sinh thích học Ngữ văn và nuôi dưỡng cảm xúc nhân văn ở mỗi học sinh, cô Văn Phương Trang tự đặt câu hỏi: “"Học văn để làm gì?" và "Văn học sẽ giúp gì đối với các em không chỉ trong học tập mà còn trong cuộc sống?"”.
Giữa thời đại “Google”, học sinh có thể tìm bất cứ tài liệu nào chỉ với vài thao tác trên máy tính, điện thoại thì phương pháp dạy cũng phải thay đổi. Cô Trang chia sẻ: “Trước đây, khi tôi đi học, tài liệu rất ít, có những cuốn sách phải ra tận Đà Nẵng mua. Học sinh trước đây chỉ học kiến thức của thầy cô, may mắn có thêm những người xung quanh hiểu biết về lĩnh vực này. Nhưng ngày nay, học sinh cần sách gì chỉ cần lên internet, vài giờ sau đã có tài liệu trên tay. Kiến thức không giới hạn nhưng để giúp học sinh học Ngữ văn, tôi phải tìm cách lan toả được niềm đam mê học văn, dạy các em cách tự học. Có được hai điều này sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề”.
Để học sinh được nhập tâm vào cảm xúc nhân văn của tác phẩm, cô Trang thường trao quyền chủ động cho học trò ở lớp học. Với tâm niệm “luôn mong muốn bước chung một nhịp bước, một hành trình với học trò”, giờ Ngữ văn của cô Trang luôn sôi nổi. Thậm chí, cô Trang cùng với học trò của mình tổ chức những talkshow để học trò nào cũng có thể được làm chủ cuộc trò chuyện, đôi khi như một cuộc toạ đàm thật. Cô và trò cùng cập nhật những tin tức của giới trẻ, những ngôn từ tuổi teen… Chính những lúc ấy, kiến thức vốn là những văn bản khô cứng đã được học sinh tiếp nhận một cách tự nhiên qua những câu chuyện đầy sáng tạo của các em.
Chia sẻ về cách dạy theo hình thức talkshow, cô Văn Phương Trang cho biết: "Tôi thường giao chuyên đề cho một tổ hoặc nhóm, đồng thời gợi ý vài vấn đề có tính định hướng. Học sinh sẽ chia nhau nghiên cứu, tìm hiểu và thay nhau lên trình bày. Học sinh bên dưới theo dõi, tương tác. Học sinh lúc này sẽ rất "hăng" khi luôn muốn được thể hiện kiến thức của mình. Bên cạnh những giờ thuyết giảng, cách dạy này cũng có ý nghĩa thay đổi không khí tiết học, tạo điều kiện cho học sinh có khả năng nghiên cứu, khả năng trình bày vấn đề trước lớp. Đây là một năng lực rất cần thiết cho các em sau này vào trường đại học...".
Có những học sinh từng chia sẻ rằng những tưởng học văn chỉ đọc - chép, nghe giảng nhưng trong tiết học của cô Trang thì thấy mình luôn được vận động: Tự trình bày, trao đổi cùng bạn, chưa hiểu cũng thoải mái tranh luận cùng cô...
Trong nhiều năm giảng dạy của mình, cô Văn Phương Trang thường gặp những học sinh giỏi xuất thân từ những vùng quê nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. “Ở các em tôi thấy sự nỗ lực, sự quyết tâm. Mỗi em tôi đều thấy tâm hồn nhạy cảm, tinh thế và cảm thụ văn chương một cách sâu sắc. Để khuyến khích các em nỗ lực trong học tập, tôi thường kêu gọi những mạnh thường quân, phụ huynh cũ, bạn bè… trợ giúp để các em yên tâm học tập”, cô Trang nói.
Nếu như học văn trước đây được xem như “học gạo” thì bây giờ cách học văn rất khác bởi cách ra đề mở của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong những năm gần đây. Giáo viên dạy Ngữ văn phải rất năng động trong việc tạo những kết nối trong- ngoài ngành để giúp học sinh tiếp cận phương pháp dạy mới, kiến thức mới.
Đến nay, cô Văn Phương Trang đã có những học trò tốt nghiệp đại học xuất sắc và trở lại trường làm đồng nghiệp với cô. Có em trong số đó chia sẻ, được gặp cô giáo Văn Phương Trang là một “duyên lành” và chính cô đã thắp lên ước mơ đứng bục giảng của em.
Chứng kiến học sinh trưởng thành và theo đuổi niềm đam mê học Văn, cô Văn Phương Trang cho biết: “Có lẽ niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi không chỉ là có những học trò chăm ngoan, hiểu mình,… mà còn có những học trò biết theo đuổi đam mê. Tôi như thấy chính mình trong niềm vui, thành công của học trò”.
Làm sao để có một tiết học cuốn hút, không ngừng học hỏi luôn là trăn trở của mỗi thầy cô yêu nghề. Vượt lên những điều kiện thiếu thốn, những tác động khách quan để đứng vững với sự nghiệp trồng người, lan toả những giá trị nhân văn là thành công của nghề giáo. Những thầy cô như thầy Các, cô Trang… bền bỉ, sáng tạo với sự nghiệp cao cả của mình luôn là những tấm gương sáng cho các thế hệ học trò noi theo và biết ơn.