Thời điểm này, các trường đại học, cao đẳng đã công bố danh sách thủ khoa của kỳ thi đại học, cao đẳng năm nay. Trong số những thủ khoa ấy có những tấm gương đã vượt lên hoàn cảnh khó khăn để có được niềm vinh dự lớn lao đó.
Lê Đức Duẩn đang giúp mẹ làm đồ mây tre đan. |
Những ngày này, căn nhà mái ngói tuềnh toàng của gia đình em Lê Đức Duẩn ở xã Hoàng Long, huyện Phú Xuyên, Hà Nội nhộn nhịp bà con lối xóm, phóng viên đến chia vui. Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2012, Lê Đức Duẩn đã trở thành thủ khoa trường ĐH Dược Hà Nội với 29 điểm (Toán, Lý, Hóa lần lượt là: 9,75; 9,5; 9,75).
Những người họ hàng, gia đình ai ai cũng khâm phục ý chí, nghị lực của Duẩn. Sau khi bố và anh trai mất sớm, mẹ lại đau yếu thường xuyên, đã nhiều lần, Duẩn có ý xin thôi học. Nhưng mẹ chính là người đã động viên Duẩn rất nhiều.
Cô Nghiêm Thị Thu (mẹ Duẩn) tâm sự: “Thu nhập chính của gia đình chỉ trông vào mấy sào ruộng. Khi mùa vụ kết thúc, tôi phải đi làm thuê và nhận thêm đồ mây tre đan về để làm tại nhà. Mặc dù bị bệnh nhưng tôi vẫn cố gắng làm việc để cho con đi học. Vì chỉ có kiến thức mới thoát được cảnh nghèo khó”.
Vì hoàn cảnh gia đình như vậy nên ngay từ nhỏ Duẩn đã tâm niệm là phải học giỏi để sau này có công việc tốt cho mẹ đỡ khổ. Ngoài giờ học trên lớp, Duẩn tự học ở nhà chứ không đi học thêm.
Chia sẻ về bí quyết để đạt điểm cao, Duẩn nói: “Em học rất kĩ những kiến thức trong sách giáo khoa vì đó là kiến thức căn bản. Ngoài ra, em làm thêm bài tập ở các sách tham khảo, các đề mà thầy cô cho... Với những câu hỏi khó trong đề thi ĐH thì cần phải có tư duy, suy luận lô gic chứ không thể học vẹt được”.
Niềm vui có học sinh đỗ thủ khoa ĐH đang lan tỏa khắp trường THPT Đồng Quan, nơi Duẩn theo học. Cô Nguyễn Thị Hường, giáo viên chủ nhiệm lớp chia sẻ: “Trường hợp của em Duẩn rất đặc biệt. Hoàn cảnh của em khó khăn như vậy mà em vẫn thi đỗ thủ khoa là điều rất đáng nể phục”.
Chung với niềm vui đỗ đạt của cậu con trai, nhưng mẹ Duẩn vẫn rất ưu tư. Mẹ Duẩn tâm sự: “Ngay khi biết tin con trai đỗ đại học, tôi đã vay ngân hàng được 8 triệu đồng để chuẩn bị cho cháu nhập học, nhưng tôi vẫn đang lo lắng không biết số tiền đó có đủ để lo cho con hay không”. Lê Đức Duẩn cho biết, để mẹ đỡ vất vả, khi đi học em sẽ đi làm gia sư và gắng học tốt để có học bổng.
Thủ khoa trường ĐH Ngoại thương Nguyễn Ngọc Thiện cũng xuất thân từ một gia đình thuần nông nghèo khó tại thị trấn Thanh Miện, Hải Dương. Thiện đỗ thủ khoa ĐH Ngoại thương với 29 điểm (Toán: 9,5; Lý: 9,57; Hóa: 9,75).
Trao đổi qua điện thoại, Thiện cho biết bố mẹ em làm nghề nông, chăn nuôi gia cầm và nuôi hai anh em ăn học. “Em chỉ biết học thật giỏi để thoát nghèo. Vì nhà nghèo nên em không có điều kiện đi học thêm mà chỉ luyện bài tập ở nhà”. Thành tích học tập của Thiện thật đáng nể khi 12 năm học phổ thông đều đạt học sinh giỏi, lớp 9 đạt giải ba môn Toán học sinh giỏi cấp tỉnh, lớp 12 đạt giải nhì môn Toán cấp tỉnh.
Thiện cho biết, khi trở thành sinh viên em sẽ nỗ lực học tập để được học bổng và sẽ đi làm thêm để đỡ đần cha mẹ. “Em biết chi phí sinh hoạt ở thành phố rất đắt đỏ, cộng với học phí, giáo trình... nên em sẽ cố gắng dành được học bổng, đi làm thêm ngoài giờ học để đỡ những khoản chi phí cho cha mẹ. Ước mơ của em là vào trường ĐH Ngoại thương để trở thành một doanh nhân thành đạt”.
Đến thời điểm này, theo thống kê sơ bộ thì mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay đã có hàng chục thủ khoa đến từ những miền quê hẻo lánh, xuất thân từ những gia đình nghèo thuần nông. Hy vọng ngành giáo dục, các trường ĐH cũng như xã hội có những quan tâm, động viên thiết thực để nguyện vọng được học tập, được cống hiến của những thủ khoa “chân đất” này được chắp cánh.
Nam Hoàng – Lê Vân