CẦN QUAN TÂM ĐẾN VÙNG KHÓ
Mặc dù chuyện thưởng Tết cho giáo viên đã được các địa phương quan tâm hơn trước nhưng cũng chỉ dừng mức… động viên. Vậy nên, nhiều nhà giáo chia sẻ, họ rất mong được thưởng Tết và càng ở những nơi khó khăn thì càng cần được quan tâm hơn.
Càng khó khăn giáo viên càng cần được quan tâm tới đời sống mỗi dịp Tết. |
Nỗ lực cho giáo viên đón Tết ấm
Theo Công đoàn Giáo dục TP Hồ Chí Minh, năm nay, mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên thuộc diện khó khăn được hỗ trợ ít nhất 500.000 đồng/người. Đối tượng được hỗ trợ là vợ/chồng cán bộ, giáo viên, nhân viên bị tai nạn lao động nặng đang điều trị tại cơ sở y tế trong thời điểm cơ quan, đơn vị chăm lo Tết; cán bộ, giáo viên, nhân viên nghỉ việc do hết hợp đồng lao động hoặc bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật tại thời điểm chăm lo Tết, nhưng không được đơn vị thưởng Tết...
Công đoàn Giáo dục TP Hồ Chí Minh còn tổ chức chương trình hỗ trợ vé xe về quê đón Tết cho giáo viên, nhân viên ngoài thành phố có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức cho người lao động không có điều kiện về quê họp mặt đón Tết ở TP Hồ Chí Minh.
Ông Lê Hùng Sen, Trưởng phòng GD - ĐT huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Mức thu nhập Tết bình quân của giáo viên trên địa bàn quận khoảng 3 - 4 triệu đồng/người; mức thấp nhất là 200.000 đồng và cao nhất 11 triệu đồng/người. Để hỗ trợ cho những giáo viên, người lao động gặp khó khăn, nhà ở xa, Công đoàn giáo dục huyện Củ Chi và TP Hồ Chí Minh đã hỗ trợ quà Tết cho 285 trường hợp. Ngoài ra, công đoàn giáo dục huyện còn hỗ trợ 18 vé xe, cao nhất giá 1 triệu đồng, cho những giáo viên, người lao động về quê ăn Tết”.
Còn ông Trần Đức Hiển, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu khẳng định: “Không có thưởng Tết nhưng huyện đã chỉ đạo ngành giáo dục giải quyết trước 2 tháng lương cho giáo viên ăn Tết. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tổ chức động viên, thăm hỏi, hỗ trợ những gia đình giáo viên có hoàn cảnh khó khăn”.
Đề cập đến việc một số trường vùng cao tiết kiệm được tiền chi thường xuyên để động viên giáo viên trong dịp Tết, ông Hiển đánh giá: “Việc các trường ở vùng cao tiết kiệm được khoản chi thường xuyên hàng năm để có số tiền ít ỏi động viên giáo viên dịp Tết như ở trường Chung Chải là sự cố gắng, nỗ lực của giáo viên toàn trường”. Nhưng ông Hiển cũng cho biết: “Việc phân bổ tiền chi thường xuyên cho các huyện trong cùng một tỉnh là bằng nhau. Huyện ở xa tỉnh, trường ở xa huyện, đường xá không thuận tiện, giáo viên, cán bộ đi công tác phải ngủ lại huyện, tỉnh, thì cũng không tiết kiệm được, bởi phải chi tiền cho công tác phí quá nhiều. Ngược lại, cũng cùng một số tiền ấy, huyện nào, trường nào ở gần tỉnh, huyện sẽ tiết kiệm được và sẽ có ít nhiều để động viên giáo viên trong những dịp lễ, Tết”.
Theo Hiệu trưởng trường Tiểu học Chung Chải, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, năm 2014 trường được cấp kinh phí chi thường xuyên là 120 triệu đồng, nhưng với quá nhiều hoạt động trong năm, nên cũng không tiết kiệm chi được là bao. Chắt bóp lắm cũng chỉ có chút ít gọi là gói quà Tết cho giáo viên khoảng 100.000 đồng/người. Với 27 cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường cũng hết gần 3 triệu đồng.
“Năm nay, được phòng GD - ĐT huyện thông báo, cán bộ, giáo viên và nhân viên được “thưởng” 50.000 đồng, gọi là động viên anh em nhân dịp Tết. 16 năm tôi công tác ở huyện nghèo này, lần đầu tiên được động viên như thế cũng thấy phấn khởi”, thầy Khiêm cho biết.
Giáo viên cần được thưởng Tết
Trong một dịp trả lời báo chí, Bộ trưởng Bộ GD - ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng thưởng Tết với ngành giáo dục là rất khó bởi ngay cả ở Bộ cũng không có bất cứ nguồn nào. Các địa phương có thể tùy hoàn cảnh của mình để có sự quan tâm tới các thầy cô.
Vị tư lệnh ngành giáo dục cũng cho biết, bản thân cũng chưa có giải pháp nào với thưởng Tết cho giáo viên. Bởi, theo quy định 80% ngân sách Nhà nước cấp cho giáo dục để trả lương giáo viên và cán bộ quản lý, 20% cho các hoạt động giáo dục. Nhưng thực tế, hầu như toàn bộ ngân sách cấp cho nhà trường chỉ đủ chi lương, chiếm tới 80 - 90%, thậm chí 95%, như vậy không còn tiền để mua phấn, giấy bút, văn phòng phẩm...
Một vị lãnh đạo Sở GD - ĐT cho biết, vấn đề thưởng Tết cho giáo viên cũng được nhiều lần bàn tới trong các cuộc họp với tỉnh ủy. Kể cả tỉnh cũng đề nghị lên Trung ương nhưng không có nguồn. Do đó, Sở GD - ĐT luôn động viên các trường là phải tự tìm nguồn. Thậm chí, với những trường ở khu vực thành phố, thị xã, phải linh động cho họ “cắt đất” của trường cho trung tâm ngoại ngữ thuê, cho trông xe ô tô qua đêm, làm hàng quán. Từ đó, họ mới có một khoản để thưởng cho giáo viên. Còn với những giáo viên ở vùng khó hơn, đành vận động theo kiểu từ thiện. “Có lần đi kiểm tra dịp cận Tết, thấy xe máy của giáo viên chằng nào chuối, gạo, rau… Khi hỏi ra được biết, quà trên xe là do chính những gia đình học sinh tặng để cô giáo này về ăn Tết mà thực sự xót xa. Họ ở những nơi khốn khó nhất, điều kiện dạy và học cũng thiếu thốn. Chính họ mới cần được quan tâm nhất”, vị lãnh đạo này chia sẻ.
Năm nay, khối ĐH có trường thưởng cho giáo viên lên tới hàng trăm triệu đồng, nhưng ở vùng cao giáo viên không được khoản thưởng Tết nào. Nhiều nhà giáo cho rằng, bên cạnh việc để địa phương “liệu cơm gắp mắm”, thì đã đến lúc ngành giáo dục nên nghĩ tới thưởng Tết cho giáo viên, đặc biệt là những giáo viên vùng khó khăn.
Nhóm phóng viên