Nối dài thành tích
Olympic Vật lý châu Á là cuộc thi thường niên dành cho học sinh Trung học Phổ thông dưới 20 tuổi của các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Lần đầu tiên cuộc thi được tổ chức vào năm 2000 tại Indonesia, sau đó luân phiên đến các nước trong khu vực. Việt Nam đã chính thức tham dự kỳ thi từ những năm đầu và luôn được đánh giá cao so với các quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự.
Chia sẻ về thành tích của Đoàn Việt Nam năm nay, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lục Huy Hoàng, Trưởng đoàn Việt Nam cho biết, Đội tuyển quốc gia Việt Nam gồm 8 học sinh dự thi, với kết quả 2 huy chương Bạc, 5 huy chương Đồng và 1 Bằng khen. Với kết quả này, đoàn Việt Nam xếp thứ 5 chung cuộc, đứng sau các đoàn Trung Quốc, Nga, Israel và Đài Loan (Trung Quốc).
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lục Huy Hoàng, đề thi năm nay rất thú vị và sáng tạo. Ban Tổ chức đã chọn nội dung công bố quốc tế mới nhất để xây dựng đề bài. Đặc biệt, đề thực nghiệm là thách thức không nhỏ đối với thí sinh vì yêu cầu cao về kỹ năng thực hành. Điểm cao nhất cho bài thi này là 12,2/20. Ngoài ra, phổ điểm năm nay cũng khá khắc nghiệt nên số huy chương bị hạn chế.
Với cách tính điểm của Ban Tổ chức, các thí sinh Việt Nam có thể lọt vào top 10 là một khó khăn, thách thức. Đây là thành công lớn của đoàn Việt Nam, thể hiện nỗ lực của toàn đoàn và đặc biệt là của học sinh.
Gửi lời chúc mừng đến Đoàn Việt Nam tham dự Olympic Vật lý châu Á, ông Sái Công Hồng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: Olympic châu Á là một cuộc chơi lớn, có độ khó ngang cuộc thi Olympic quốc tế, đồng thời có nhiều thay đổi trong đề thực nghiệm, cách tính điểm nên chưa đạt được Huy chương Vàng. Kết quả chung cuộc năm nay, tất cả các nước chỉ có 9 huy chương Vàng (ít hơn so với năm 2018 với 33 huy chương Vàng). Tuy nhiên, Đội tuyển của Việt Nam vẫn giữ vững thành tích nằm trong top 5 như mục tiêu đề ra. Kết quả này tiếp tục khẳng định chất lượng giáo dục phổ thông nói chung và chất lượng công tác tuyển chọn, bồi dưỡng học sinh giỏi của Việt Nam nói riêng. Và trên hết, sự nỗ lực, cố gắng hết mình của các em học sinh đã khẳng định trí tuệ Việt Nam trên đấu trường quốc tế. Hy vọng, các thí sinh sẽ tiếp tục học tập, rèn luyện, chuẩn bị kỹ lưỡng cho sân chơi Olympic quốc tế 2019 tới đây, với mục tiêu đổi màu huy chương của chính mình.
Thể hiện bản lĩnh của thế hệ trẻ
Một điều đặc biệt trong Đoàn dự thi Olympic Vật lý châu Á năm nay là có hai thí sinh là anh em song sinh Lê Quang Huy và Lê Việt Hoàng, học sinh Trường Trung học Phổ thông Chuyên Biên Hòa (Hà Nam). Tại kỳ thi, Lê Việt Hoàng giành Huy chương Đồng, còn Lê Quang Huy nhận Bằng khen.
Chia sẻ về kỳ thi năm nay, Hoàng nhận định đề thi khá hay nhưng khó hơn các năm trước. Cách tính điểm để xét huy chương cũng khác. Vì vậy, thành tích của Đoàn Việt Nam phần nào bị ảnh hưởng. Lê Việt Hoàng bày tỏ may mắn khi có anh trai thi cùng và cũng tiếc nuối khi anh chưa đạt kết quả như mong đợi.
Là thí sinh nữ duy nhất của đoàn Việt Nam tham dự Olympic Vật lý châu Á, em Nguyễn Khánh Linh, Trường Trung học Phổ thông Chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa) đã từng có kết quả xuất sắc nhất ở cả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và kỳ thi chọn học sinh giỏi dự thi quốc tế.
Khánh Linh cho biết, mặc dù huy chương Đồng không phải là mục tiêu của em nhưng em rất vui về thành tích của mình cũng như của toàn đoàn. Chúng em đã nỗ lực hết mình để mang vinh quang về cho Tổ quốc và cũng là để khẳng định bản lĩnh trí tuệ của thế hệ trẻ Việt Nam trên đấu trường quốc tế.
Theo Khánh Linh, đề thi năm nay cả phần lý thuyết và thực hành đều khó. Về lý thuyết, đề thi đề cập đến những vấn đề hiện đại và mới. Phần thực hành đòi hỏi thí sinh sự sáng tạo và kỹ năng thực hành rất cao. Qua đây, em học được rất nhiều về kiến thức Vật lý và được gặp gỡ, giao lưu với nhiều bạn bè quốc tế.
Đây là năm thứ hai, Trịnh Duy Hiếu, học sinh Trường Trung học Phổ thông Chuyên Bắc Giang tham dự kỳ thi Olympic Vật lý châu Á. Năm 2018, khi đang học lớp 11, Hiếu đã xuất sắc giành Huy chương Vàng ở kỳ Olympic châu Á; huy chương Bạc Olympic Vật lý quốc tế. Năm 2019, Trịnh Duy Hiếu là thí sinh có số điểm cao nhất của Đoàn Việt Nam tại Olympic Vật lý châu Á lần thứ 20, giành Huy chương Bạc. Em sẽ tiếp tục có mặt trong Đội tuyển quốc gia Việt Nam dự thi Olympic Vật lý quốc tế tổ chức tại Israel vào tháng 7 tới.
Hiếu tâm sự: Cảm xúc của em vừa vui mừng xen lẫn tự hào khi hai tiếng “Việt Nam” được Ban Tổ chức xướng lên cùng với các quốc gia, vùng lãnh thổ phát triển mạnh về khoa học Vật lý như: Nga, Trung Quốc... Mỗi lần chinh phục một đỉnh cao, em lại tự nhủ phải tiếp tục cố gắng để vượt qua những thử thách mới. Em muốn gửi lời cảm ơn chân thành đến các thầy trong đoàn đã chăm sóc và hỗ trợ chúng em rất nhiều trong những ngày ở Australia.
Trịnh Duy Hiếu chia sẻ, mặc dù đề thi năm nay rất khó nhưng các thầy đã dịch rất sát để chúng em có thể hoàn thành bài thi tốt nhất. Em muốn chia vui đến tất cả mọi người, đặc biệt là gia đình, người thân, các thầy, cô giáo cùng toàn thể các bạn đã ủng hộ em trong suốt thời gian qua.
Năm 2018, với cương vị là nước chủ nhà tổ chức Kỳ thi Olympic Vật lý châu Á lần thứ 19, cả 8/8 học sinh của Đoàn Việt Nam cũng đều giành huy chương, trong đó có 4 giải Vàng, 2 giải Bạc và 2 giải Đồng. Đây là thành tích cao nhất của Đoàn Việt Nam trong các kỳ tham dự Olympic Vật lý châu Á từ trước đến nay.