Phát biểu tại chương trình, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội Lê Thị Thiên Hương cho biết, những năm gần đây, tình hình bạo lực học đường đã trở thành một vấn đề quan tâm của toàn xã hội. Đây là vấn đề không mới nhưng đang nổi cộm. Chương trình truyền thông “Phòng ngừa, ứng phó với bạo lực học đường - Xây dựng trường học an toàn, thân thiện” là một điểm nhấn trong các hoạt động của Hội nhằm thực hiện Đề án “Phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2022 - 2026”.
Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố kêu gọi cấp ủy, chính quyền các cấp, cơ quan, tổ chức, cộng đồng, nhà trường, gia đình, mỗi cá nhân và học sinh chung tay phòng ngừa, ứng phó với bạo lực học đường, xây dựng trường học an toàn, thân thiện, góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, thành phố Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao, kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững.
Tham dự chương trình, em Hoàng Như Mai (học sinh lớp 11C, Trường Trung học Phổ thông Vân Nội, huyện Đông Anh) cho rằng, bạo lực học đường là vấn đề đang hiện hữu, là “một mảng tối” trong trường học đã gây hậu quả không nhỏ với các hành vi đáng lên án như: đánh đập, đe đọa, vu khống, tẩy chay, xa lánh… giữa các học sinh, giữa học sinh và giáo viên, làm xấu đi hình ảnh của mái trường. Chương trình truyền thông này sẽ giúp học sinh trưởng thành, có điều kiện để phát huy phẩm chất và năng lực của mình ở từng cấp học.
Theo Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Nguyễn Huy Tưởng (huyện Đông Anh) Nguyễn Thị Bích Vân, để ngăn chặn và đối phó với bạo lực học đường, mỗi người cần đề cao vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng trường học an toàn và thân thiện, góp phần nâng cao môi trường học tập và sự phát triển toàn diện của học sinh. Đồng thời, các cơ quan liên quan cần có các chính sách và quy định rõ ràng để đảm bảo sự tôn trọng, an toàn cho tất cả thành viên trong cộng đồng học đường…
Thống kê từ năm 2019 đến nay, thành phố Hà Nội có 21 vụ việc liên quan đến bạo lực học đường tại 11 quận, huyện có sự tham gia của 74 học sinh. Theo số liệu mới nhất, trong 4 tháng của năm 2023, các cuộc gọi đến Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 liên quan đến bạo lực học đường tăng 11% so với cùng kỳ năm 2022.
Tại chương trình truyền thông đã diễn ra nhiều hoạt động thiết thực như: Tuyên truyền trực tiếp tới học sinh qua phần trao đổi với diễn giả; biểu diễn tiểu phẩm tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa; tư vấn tâm lý, pháp luật cho học sinh và phụ huynh về các vấn đề phòng ngừa, ứng phó với bạo lực học đường…