Sách giáo khoa Toán phải phù hợp với thực tế cuộc sống

“Làm sao để có sách toán tốt cho học sinh” là chủ đề của buổi tọa đàm do Công ty Cổ phần Giáo dục Sputnik tổ chức ngày 15/4 với sự tham gia của những nhà toán học, nhà giáo uy tín: Nhà giáo Tôn Thân, Tổng chủ biên SGK Toán hiện hành, GS TSKH Nguyễn Tiến Dũng, Viện Toán Toulouse (Pháp), GS TSKH Đỗ Đức Thái (ĐH Sư phạm Hà Nội)- Tổng chủ biên sách giáo khoa Toán mới…

Ủng hộ bộ tiêu chí chung


Tọa đàm diễn ra khi Bộ GD - ĐT vừa công bố Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Theo đó, năm học 2018 – 2019, Bộ sẽ áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới. Dự kiến tháng 9/2017, toàn bộ chương trình phổ thông, bao gồm chương trình tổng thể và các chương trình môn học được ban hành. Chương trình đã được thực nghiệm trong quá trình xây dựng dưới nhiều hình thức, kể cả biên soạn và dạy thực nghiệm một số nội dung mới.

Quang cảnh buổi toạ đàm.

Bộ GD - ĐT đang tổ chức tập huấn cho các tổ chức, cá nhân viết sách giáo khoa và tập huấn giáo viên dạy theo chương trình mới. Dự kiến, đầu năm học 2018 – 2019 sẽ triển khai chương trình mới và sẽ hoàn thành vào năm học 2022 – 2023... Do đó, vấn đề cải tiến sách giáo khoa nói chung và sách giáo khoa toán nói riêng đang thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội.


GS TSKH Đỗ Đức Thái (ĐH Sư phạm Hà Nội), Tổng chủ biên sách giáo khoa Toán mới đồng tình với tính thống nhất của dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể; khẳng định đây là khung pháp lý để nhà nước quản lý, qua đó sẽ xác định được nền giáo dục đang đi theo hướng nào.


“Có thể hình dung chương trình giáo dục phổ thông tổng thể như một ngôi nhà, còn mỗi căn phòng là một môn học. Sách giáo khoa là một trong nhiều kênh để thể hiện chương trình và không phải là bộ sách duy nhất. Tôi tán thành với chỉ đạo của Bộ GD – ĐT về việc có nhiều bộ sách giáo khoa và có những tiêu chí cụ thể để ngăn chặn sách không tốt”, GS TSKH Đỗ Đức Thái cho biết.


GS TSKH Đỗ Đức Thái nhấn mạnh: Giáo dục toán học Việt Nam là 1 trong số hiếm hoi trong số lĩnh vực giáo dục có truyền thống, “ngăn nắp” ngay từ những ngày đầu tiên. Do đó, chương trình giáo dục cần kế thừa, phát huy những giá trị truyền thống, nhưng cũng cần được tinh giản, hiện đại, thiết thực, nâng tầm sáng tạo của học sinh Việt Nam, cung cấp phương tiện để thế hệ tương lai dùng kiến thức đó cải thiện đời sống, góp phần làm giàu đất nước.


PGS TS Chu Cẩm Thơ (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) cho rằng, sách giáo khoa Toán cần đảm bảo tạo ra tiền đề xuất phát để tiếp cận kiến thức mới; thể hiện được con đường tiếp cận nội dung mới (kiến thức có thể là một khái niệm, một công thức, một định lý, một cách giải...) ; Củng cố kiến thức mới (phù hợp với trình độ học sinh, giúp giáo viên dễ dàng chế biến để phù hợp trình độ, dạy học phân hóa; Phản ánh được năng lực người học (qua tự đánh giá)…


Sách toán của Việt Nam phải có “tính Việt Nam”


GS TSKH Nguyễn Tiến Dũng (Viện Toán Toulouse, Pháp) đánh giá cách học toán của học sinh Việt Nam vẫn theo cách luyện học để thi, quá chú trọng đến các mẹo toán mà ít quan tâm đến việc học toán để phục vụ cuộc sống. Việc dạy toán học là cần phải hướng học sinh tiếp cận đến bất cứ vấn đề nào trong cuộc sống. Đó mới là điều quan trọng.


Đây cũng là phần được thầy Tôn Thân, Tổng chủ biên sách giáo khoa Toán hiện hành cho là "tính truyền thống", "tính Việt Nam" của học sinh.


Thầy Tôn Thân cho biết: “Trong quá trình phỏng vấn giáo viên để tham gia viết sách giáo khoa toán hiện hành rất nhiều thuộc tính được đặt ra như: tính sư phạm, tính hoa học, tính giáo dục… Nhưng theo tôi, một cuốn sách giáo khoa toán tốt và đi vào đời sống được cần có “tính Việt Nam””.


Lý giải điều này, thầy Tôn Thân cho biết: “Ví dụ, môn toán thống kê từ trước chưa được đưa vào bậc THCS. Khi đưa vào chương trình học, người biên soạn chưa biết đưa vào chương nào, lớp nào vì tính liền mạch của môn học từ trước đó. Nhưng khi thí điểm có đưa vào chương cuối cùng của năm học thì không học sinh nào học cả bởi thời điểm đó các em đã thi xong nên không cần học nữa. Do đó, để khuyến khích các học sinh, chủ biên sẽ xếp vào thời gian học trước khi thi học kỳ để tạo động lực cho các em học”.


Thầy Tôn Thân lấy một ví dụ nữa với "tính Việt Nam" là “Học để thi” của học sinh là: Phần “Hình học không gian” được đưa vào cuối lớp 9. Với tư duy là lên cấp III mới thi hình học không gian nên giáo viên không dạy. Buộc tác giả đưa phần này vào lớp 8 nên các giáo viên phải dạy. Hoặc nếu bán sách toán mà không có lời giải ngay cho mỗi bài toán thì không ai mua. Như bán sách mà có lời giải ngay như ở miền Nam thì "đắt như tôm tươi". Do đó, giữa khoa học so với thực tế cần cân nhắc rất nhiều.


“Hoặc một "tính Việt Nam" cũng thể hiện trong giáo viên. Dù là kiến thức cơ bản nhưng giáo viên không thấu đáo được. Ví dụ, giáo viên hầu hết đều đã tốt nghiệp ngành sư phạm, trường sư phạm nhưng khi tập huấn đều hỏi những vấn đề khá cơ bản như về số thập phân vô hạn tuần hoàn,… Nên đành chấp nhận viết sách theo hai hướng: Viết thật chính xác theo khoa học thì đảm bảo không ai hiểu gì; Viết không chính xác một chút sẽ ít nhiều người hiểu vì gần gũi với cái họ thường làm hơn. Do đó cần phải đảm bảo sự hài hòa khi viết sách", thầy Tôn Thân nhấn mạnh.


Lê Vân (Báo Tin Tức )
Xây dựng chương trình - sách giáo khoa mới:  “Nước sắp đến chân”
Xây dựng chương trình - sách giáo khoa mới: “Nước sắp đến chân”

Theo Nghị quyết đổi mới chương trình - sách giáo khoa (CT - SGK), từ năm 2018 - 2019, ngành giáo dục sẽ bắt đầu áp dụng CT - SGK mới vào dạy học theo hình thức cuốn chiếu ở cả 3 bậc học phổ thông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN