Chỉ đơn giản với quả bình bát mọc ngoài bờ ruộng, vài tép tỏi, một ít nước và rượu trộn lẫn đã tạo thành dung dịch trị được sâu bọ hại rau mà không ảnh hưởng đến môi trường lẫn sức khỏe con người. Đó là sáng kiến của cô học trò Lê Bảo Ngọc (lớp 12A12 trường THPT Bảo Lộc, TP.Bảo Lộc, Lâm Đồng). Sáng kiến này đã đoạt giải nhất Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần 7 năm 2011.
"Sản xuất" thuốc trừ sâu từ hạt bình bát là ý tưởng của Bảo Ngọc. |
Rất ít nói về chuyện học hành, thành tích ở trường của mình nhưng Bảo Ngọc lại liến thoắng khi nhắc đến chuyện nghiên cứu khoa học. Em tỏ ra khá rành rọt về các kiến thức sinh học, các hóa chất, nguyên lý khoa học… do sớm được rèn luyện kỹ năng nghiên cứu và từng trải trong nhiều cuộc thi khác nhau từ năm lớp 10.
Lý do thực hiện đề tài “Thuốc trừ sâu từ hạt bình bát” (một loại trái mọc nhiều ở bờ ruộng, bờ ao ở miền Nam , tên khoa học là Annona Reticulata) của cô học trò chưa đầy 18 tuổi này cũng thật đơn giản. Năm lớp 10, trong một buổi học môn công nghệ, Ngọc cùng các bạn được cô giáo giảng về những cây cỏ làm thuốc trong dân gian thế là em đã nghĩ ngay đến ý tưởng làm thuốc trừ sâu từ nguyên liệu sinh học để không làm ảnh hưởng đến sức khỏe con người và ô nhiễm môi trường. Ngọc nhận định: “Lá sầu đâu (lá xoan) cũng có độc tố để chế thuốc nhưng tại vùng Bảo Lộc này chỉ có nhiều trái bình bát nên nguồn nguyên liệu rất sẵn để em thực hiện công trình của mình”.
Nói là làm, từ năm lớp 11 Ngọc bắt đầu thực hiện ý tưởng của mình bằng việc chạy khắp trường tham khảo kiến thức của bạn bè và các thầy cô dạy môn Công nghệ, Sinh học. Trong những lúc rảnh rỗi cô học trò nhỏ còn tranh thủ lên mạng tìm tài liệu tham khảo, tìm hiểu kiến thức về tính chất hóa học, công dụng của hạt bình bát để điều chế thuốc cho hợp lý. Do tài liệu nghiên cứu về trái bình bát còn hạn chế nên Ngọc còn tìm các nguồn tài liệu ở nước ngoài rồi nhờ thầy cô dịch sang tiếng Việt để em tham khảo, mày mò. Ngọc nhận xét: “Hạt của trái bình bát chín (màu nâu) có nhiều độc tố hơn hạt của trái xanh nên công dụng trị sâu cao hơn rất nhiều”.
Ít ai biết, để điều chế được thuốc trừ sâu sinh học này Bảo Ngọc chỉ dùng đến các dụng cụ trong nhà bếp. Đó là cái chày, cái cối để giã nát 50 hạt bình bát, 10 tép tỏi rồi lọc lấy nước cốt. Sau đó em hòa lẫn với dung dịch 20 lít nước, 100cc rượu trắng rồi đem hỗn hợp này phun xịt trên diện tích 30m 2 rau cải. Sau 5 – 10 giây, những con sâu trên cây cải bắt đầu có phản ứng, cong thân hình rồi rơi xuống đất chết. “Đây là thuốc trừ sâu hữu cơ nên độ pH chỉ bằng 6 (ở mức cho phép) và dễ dàng bị phân hủy dưới ánh sáng mặt trời nên sau khi phun thuốc 7 ngày là rau có thể dùng được. Luống rau thí nghiệm ở nhà em cũng đã ăn thử rồi và… không sao cả” – Bảo Ngọc nói vui.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đề tài này Ngọc cũng gặp không ít khó khăn và sau nhiều lần thử nghiệm mới hoàn thiện như hiện nay. Với sự kiên trì và đam mê khoa học, cứ sau giờ học là Ngọc lại lúi húi trong bếp, đeo kính và khẩu trang kín mít để điều chế thuốc. Sau nhiều lần thử nghiệm và sự góp ý của thầy cô, bạn bè, Ngọc đã gửi bộ đề tài tham dự cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng của tỉnh và đoạt giải 3. Bảo Ngọc cho biết: “Sau các cuộc thi em được các Ban giám khảo góp ý và điều chỉnh thêm trong cách pha chế và sau đó đã hoàn thành đề tài này để gửi đi dự thi Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần 7”. Tại cuộc thi này, đề tài của Ngọc đã vượt qua hàng trăm công trình khác và xuất sắc đoạt giải nhất và em là đại diện duy nhất của tỉnh Lâm Đồng ra Hà Nội nhận Huy chương vàng của cuộc thi này. Ngoài ra, đề tài của em cũng được Ban tổ chức đề nghị tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) trao Huy chương vàng. Sắp tới Ngọc còn được đi Thái Lan dự triển lãm sáng tạo trẻ quốc tế và hiện em đang chuẩn bị quay clip để giới thiệu về công trình của mình đến bạn bè thế giới.
Cô Phạm Minh Châu (giáo viên môn Công nghệ và là người trực tiếp hướng dẫn em Ngọc thực hiện đề tài này) cho biết: “Ngay khi Ngọc trình bày ý tưởng của mình tôi đã thấy đây là một đề tài có tính thực tiễn cao và có thể áp dụng trong thực tế nên đã cố gắng giúp em giải đáp những thắc mắc về kiến thức và phương pháp thực hiện đề tài này”. Trên thực tế, thuốc trừ sâu sản xuất từ hạt bình bát có thể dùng trong quy mô hộ gia đình để trồng rau sạch, an toàn cho sức khỏe và bảo vệ môi trường sinh thái.
Bảo Ngọc nhận định: “Đề tài này cũng có thể nhân rộng với điều kiện cây bình bát cần trồng tập trung để cung cấp nguồn nguyên liệu lớn cho việc sản xuất loại thuốc này. Mong muốn của em là tìm hiểu rõ hơn về các thành phần hóa học của trái này để có thể tách chiết những độc tố không cần thiết nhằm hạn chế tối đa sự ảnh hưởng của nó đến sức khỏe con người”./.
Nguyễn Dũng