Thực hiện tốt nhiệm vụ này sẽ khắc phục được tình trạng trường lớp có quy mô nhỏ và chất lượng giáo dục chưa cao, từ đó có điều kiện tập trung đầu tư nguồn lực cả về đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên và cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục.
Thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới, năm học này Trường Tiểu học Lạng Khê, huyện Con Cuông, sẽ tổ chức dạy và học tiếng Anh, Tin học cho tất cả học sinh từ lớp 3 trở lên. Vì thế, đến thời điểm này, công tác sáp nhập trường lớp đã được nhà trường lên kế hoạch. Trường Tiểu học Lạng Khê ngoài điểm trường chính đang còn 3 điểm trường lẻ, điểm xa nhất là Đồng Tiến cách trường gần 6km, điều kiện đi lại còn rất khó khăn.
Cô giáo Trương Thị Xuân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lạng Khê cho biết: “Trước mắt chúng tôi sẽ sáp nhập điểm trường Chôm Lôm để từ năm học này các em có điều kiện học các môn tăng cường. Còn lâu dài sẽ phải đầu tư thêm trường lớp mới có thể tiến hành sáp nhập toàn bộ”.
Bài toán sáp nhập cũng đang được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Con Cuông, Ban giám hiệu các trường Tiểu học Đôn Phục và Tiểu học Cam Lâm xây dựng. Tuy nhiên, thay vì sáp nhập đơn thuần, huyện đang dự kiến sẽ tổ chức để trường Đôn Phục và Cam Lâm thành mô hình trường Tiểu học bán trú.
Thầy Đặng Đức Cường - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đôn Phục cho biết: “Dù chưa có quyết định chuyển đổi nhưng nhà trường đã triển khai chuẩn bị bán trú cho học sinh lớp 3, 4, 5. Với 120 em thuộc diện 116 (Nghị định 116/2016/NĐ-CP quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn), các em sẽ được Chính phủ hỗ trợ gạo, tiền ăn; còn lại, nhà trường sẽ trồng thêm rau xanh, cắt cử giáo viên tình nguyện trực bán trú, nấu ăn cho học sinh”.
Mô hình này cũng đang được triển khai xây dựng ở huyện Tương Dương và dự kiến sẽ thực hiện ở những trường vùng sâu, vùng xa như Yên Thắng, Yên Hòa, Nhôn Mai, Yên Tĩnh.
Ông Kha Văn Lập, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tương Dương chia sẻ: Hiện còn hàng chục điểm trường lẻ và đây sẽ là bất cập nếu triển khai chương trình phổ thông tổng thể vì điều kiện hiện nay của các nhà trường không đủ để dạy đồng đều cho tất cả các điểm trường, nhất là với những môn đặc thù như môn tiếng Anh. Vì thế, việc thành lập các trường Tiểu học bán trú sẽ huy động tối đa trẻ trong độ tuổi đến lớp; tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho việc học tập, rèn luyện của học sinh ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, học sinh người dân tộc thiểu số và đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.
Kết thúc năm học 2019-2020, tỉnh Nghệ An đã tiến hành sáp nhập trường lớp và giảm được 22 trường công lập (trong đó có 2 trường mầm non, 15 trường tiểu học và 5 trường Trung học cơ sở); Ngoài ra đã giảm được 42 điểm lẻ để tạo điều kiện tổ chức các hoạt động giáo dục tăng cường. Tuy nhiên, thực tế hiện nay tỉnh Nghệ An vẫn còn hơn 1.000 điểm trường lẻ, ít lớp và tập trung chính ở vùng miền núi, vùng cao nên đã ảnh hưởng đến việc tổ chức các hoạt động dạy và học, khó đảm bảo chuẩn phát triển năng lực học sinh.
Khắc phục những khó khăn trên, chủ trương sáp nhập vẫn sẽ được thực hiện trong năm học 2020-2021. Toàn tỉnh Nghệ An sẽ giảm 40 trường công lập và giảm 185 điểm trường lẻ nhằm quy hoạch lại mạng lưới trường lớp, tạo điều kiện để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao chất lượng dạy và học. Ngành Giáo dục và các địa phương xây dựng lộ trình cụ thể và chú trọng đến công tác tuyên truyền vận động để người dân thấy được những lợi ích khi về điểm trường mới.
Trong thời điểm toàn ngành Giáo dục đang triển khai chương trình phổ thông mới và thay sách giáo khoa thì việc sáp nhập là tất yếu và là cơ sở để đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học.