Năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều sinh viên Lào không thể về nước, phải ở lại ký túc xá của trường, đây trở thành dịp để các bạn trải nghiệm Tết cổ truyền của Việt Nam ở thành phố biển Nha Trang xinh đẹp.
Trường Đại học Nha Trang đã tổ chức nhiều hoạt động vui Xuân, đón Tết, tạo điều kiện cho các sinh viên Lào ở lại Khánh Hòa có dịp trải nghiệm và tìm hiểu về văn hóa, phong tục đón Tết cổ truyền của Việt Nam.
Những ngày cuối cùng của năm Tân Sửu, khi sinh viên của trường được nghỉ học, trở về quê nhà đón Tết thì tại Trường Đại học Nha Trang rộn ràng với cuộc thi gói và nấu bánh chưng. Từ sáng sớm, các bạn sinh viên Lào đã háo hức đến điểm tập trung gói bánh. Mỗi người một việc, tất cả tạo nên một không khí tươi vui, nhộn nhịp và ấm cúng như một gia đình người Việt khi Tết đến xuân về.
Nữ sinh viên năm 3 ngành Dược, Luangaphai Phetmeezai, Trường Đại học Nha Trang cho biết, từ sau đợt trở về nước dịp Tết cổ truyền Việt Nam năm 2021, đến nay em vẫn chưa trở về quê hương do tình hình dịch bệnh, di chuyển khó khăn. Dẫu học tập ở Việt Nam nhiều năm, nhưng đây là năm đầu tiên Luangaphai Phetmeezai đón Tết Nguyên đán cùng bạn bè trong ký túc xá nhà trường.
Cũng theo tập tục đón Tết của người Việt Nam, trước khi đến với cuộc thi gói bánh chưng, Luangaphai Phetmeezai đã cùng với các bạn trong ký túc xá dọn dẹp sạch sẽ phòng ở, mua một số vật dụng, bánh mứt người Việt Nam thường hay ăn Tết để chiêu đãi bạn bè.
“Gói bánh chưng rất thú vị, qua lần gói bánh này, em hiểu thêm về sự tích bánh chưng, bánh dầy và hiểu được giá trị văn hóa trong món bánh này vào dịp năm mới của người Việt Nam. Em nghĩ mình sẽ có một cái Tết Việt Nam thật ý nghĩa và khó quên trong đời du học sinh”, Luangaphai Phetmeezai chia sẻ.
Còn Vorlavong Phoutsakan, nam sinh viên năm 4 Khoa Điện – Điện tử ngành Công nghiệp cho biết, ngay từ sáng, em đã có mặt để chuẩn bị nguyên liệu và học cách gói bánh từ những anh, chị, thầy cô trong trường. Vorlavong Phoutsakan cho rằng, Tết cổ truyền Việt Nam với phong tục gói bánh chưng, bánh Tét, bánh dầy rất hay. Các sinh viên Lào được trải nghiệm quá trình làm nên mỗi bánh chưng. Gói bánh không khó nhưng đòi hỏi sự cẩn thận và nhẫn nại, từ việc chuẩn bị nguyên liệu đến khâu gói bánh đều phải làm kỹ thì mới có được thành phẩm là chiếc bánh ngon.
“Tôi thực sự vui mừng khi được đón Tết Việt Nam cùng với bạn bè ngay tại thành phố Nha Trang xinh đẹp. Ở Lào cũng có Tết Bunpimay tháng 4 hằng năm. Trong dịp này, người dân sẽ tham gia lễ hội té nước để cầu may, bình yên cho cả năm. Tết cổ truyền Lào cũng là dịp để nuôi dưỡng và hun đúc truyền thống văn hóa dân tộc. Vậy nên, với tôi Tết ở mỗi đất nước đều đặc biệt ý nghĩa”, Vorlavong Phoutsakan chia sẻ.
Ông Trần Doãn Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nha Trang cho biết, Tết cổ truyền Việt Nam là dịp để gia đình quây quần cùng nhau nên nhà trường tạo điều kiện, sân chơi để các bạn sinh viên, du học sinh nước ngoài khi ở lại trường cũng có thể cảm nhận không khí ấm cúng ngày Tết. Ngoài ra, lãnh đạo nhà trường sẽ trực tiếp thăm, chúc Tết các du học sinh, trong đêm giao thừa sẽ tặng bao lì xì và gửi lời chúc mừng năm mới đến các bạn. Đây sẽ là những hoạt động ý nghĩa nhất trong ngày Tết. Ngoài ra, công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong nhà trường được đảm bảo, nhằm tạo môi trường an toàn cho các sinh viên khi đón Tết.
"Đối với các sinh viên Lào học tại Việt Nam, mỗi năm khi đến lễ hội theo phong tục của nước bạn, nhà trường đều có các hoạt động đồng hành để các em tham gia. Khi tổ chức chương trình trải nghiệm Tết cổ truyền Việt Nam trong những ngày cuối năm, nhà trường mong muốn các sinh viên Lào hiểu thêm về phong tục, tập quán, văn hóa người Việt Nam trong những dịp đặc biệt như Tết. Thông qua các chương trình gắn kết, các du học sinh Lào sẽ trở thành cầu nối truyền đi thông điệp tích cực và quảng bá văn hóa Việt Nam đến với nước bạn Lào, từ đó góp phần thắt chặt hơn nữa tình hữu nghị giữa hai nước”, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nha Trang khẳng định.