Hết mình với công tác khuyến học, khuyến tài
Là người gắn bó với công tác khuyến học, khuyến tài ngay từ những ngày đầu tổ chức hội được thành lập, ông Đỗ Văn Khắc, Phó Chủ tịch Thường trực Hội khuyến học huyện Nam Trực, là một cá nhân năng động, hết mình với công tác khuyến học, khuyến tài tại địa phương.
Nguyên là Chủ tịch UBND xã Nam Cường, những năm công tác, ông luôn theo sát công tác khuyến học của xã. Ông Khắc nhớ lại, năm 1997, Hội khuyến học huyện Nam Trực được thành lập, là một trong những đơn vị đầu tiên của cả nước thành lập tổ chức hội, ông tham gia vào Ban Chấp hành. Từ đây, ông nghiên cứu quy định và tham mưu thành lập tổ chức khuyến học ở địa phương. Ít lâu sau, Hội khuyến học xã Nam Cường được thành lập, ông Khắc được bầu làm Chủ tịch Hội. Ông đã cùng Ban Chấp hành Hội tổ chức các hoạt động khuyến khích việc học tại địa phương, thành lập các chi hội khuyến học tại các dòng họ, xóm, thôn và nhà trường; tham mưu với cấp ủy, chính quyền huy động đóng góp của các nhà tài trợ và nhân dân để xây dựng quỹ khuyến học.
Với hoạt động tích cực, phong trào học tập tại xã Nam Cường khởi sắc. Sau khi Hội khuyến học xã ra đời, số học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng tăng lên từng năm, đặc biệt là không còn học sinh nào phải bỏ học giữa chừng như giai đoạn trước đó.
Từ năm 2000, ông Khắc nghỉ hưu, công tác khuyến học trở thành tâm huyết, là hoạt động thường xuyên của ông. Với mong muốn giúp đỡ những học sinh học giỏi có hoàn cảnh khó khăn, vươn lên trong học tập, khi có thông tin, ông luôn tìm cách hỗ trợ, kết nối những nhà hảo tâm để giúp đỡ các em.
Khi được bầu làm Phó Chủ tịch Thường trực Hội khuyến học huyện Nam Trực, ông Khắc đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt các chủ trương, Nghị quyết của Đảng và Nhà nước về công tác khuyến học tới đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện; trên cơ sở đó đẩy mạnh phát triển tổ chức hội và hội viên, phối hợp với các cơ quan, đoàn thể vận động xây dựng quỹ hội ở tất cả các tổ chức, các cấp hội.
Tính đến hết năm 2023, tổng số dư các quỹ khuyến học toàn huyện là khoảng 20 tỷ đồng, trong đó, số dư quỹ huyện hội là trên 1,5 tỷ đồng, còn lại là các quỹ của dòng họ, thôn, xã, các nhà trường. Từ nguồn quỹ trên, hàng nghìn lượt học sinh vượt khó, học giỏi trên địa bàn huyện đã được trao tặng học bổng, xe đạp nhằm động viên, khuyến khích các em nỗ lực vươn lên.
Từ phong trào khuyến học, qua từng năm, số gia đình học tập, dòng họ học tập, đơn vị học tập, cộng đồng học tập ở địa phương ngày càng cao. Huyện Nam Trực luôn đứng trong nhóm dẫn đầu toàn tỉnh về phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập với 5 lần được Trung ương Hội khuyến học Việt Nam tặng Cờ thi đua xuất sắc, là địa phương đi đầu trong xây dựng phong trào dòng họ làm khuyến học trong toàn tỉnh.
Thúc đẩy học tập suốt đời
Triển khai xây dựng các mô hình học tập là hoạt động sôi nổi tại tỉnh Nam Định trong những năm qua. Trên tinh thần “dòng họ thành đạt, làng xã phồn vinh”, khuyến học gia đình là hạt nhân, dòng họ khuyến học là nền tảng xây dựng nên xã hội học tập, Hội khuyến học tỉnh Nam Định đã xây dựng và thực hiện các mô hình học tập, lấy công dân học tập làm trọng tâm.
Mô hình công dân học tập tại Nam Định hướng đến những năng lực cốt lõi và phẩm chất để sống và làm việc trong điều kiện của nền kinh tế số, xã hội số, chính phủ số; thực hiện tốt các mô hình gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập và đơn vị học tập theo tiêu chí mới, tạo nền tảng cho việc xây dựng các đơn vị học tập cấp huyện và cấp tỉnh theo Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030” của Chính phủ.
Từ đây, việc xây dựng gia đình học tập, dòng họ học tập, đơn vị học tập, cộng đồng học tập trở thành phong trào sôi nổi, rộng khắp trong tỉnh. Đến nay, tỉnh đã có gần 450.000 gia đình học tập (đạt 86%); trên 4.700 dòng họ học tập (78%); trên 2.100 thôn, làng, tổ dân phố được công nhận là cộng đồng học tập (đạt 90%); 970 đơn vị được công nhận là đơn vị học tập (đạt 97%).
Cùng với việc xây dựng các mô hình học tập, việc huy động nguồn lực cho khuyến học được các cấp Hội chú trọng vận động nhân dân và các doanh nghiệp, đơn vị, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đóng góp xây dựng quỹ hội... Đến nay, tổng quỹ khuyến học toàn tỉnh đạt trên 234 tỷ đồng, trong đó có 360 đơn vị có quỹ đạt từ 100 triệu đến 4 tỷ đồng.
Từ nguồn quỹ khuyến học, 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã khen thưởng và trao trên 23.000 suất học bổng với tổng trị giá trên 5 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Hội khuyến học tỉnh, hiện nay, tỷ lệ dân cư biết chữ từ 15 tuổi trở lên toàn tỉnh đạt 98,7%; gần 1/3 dân số từ 15 tuổi trở lên đạt trình độ học vấn từ trung học phổ thông trở lên; tỷ lệ dân số có trình độ đại học và trên đại học tăng gấp 2,5 lần so với năm 2014.
Chủ tịch Hội khuyến học tỉnh Nam Định Nguyễn Phú Hậu cho biết, Nam Định đặt mục tiêu đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, thực hiện 2 chương trình học tập suốt đời và công dân học tập, góp phần xây dựng tỉnh trở thành một xã hội học tập.
Để đạt mục tiêu, Hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền phong trào xây dựng các mô hình học tập từ tỉnh đến cơ sở, nhất là trên địa bàn hành chính cấp xã theo Bộ tiêu chí mới (2021 - 2030) và cuộc vận động xây dựng mô hình Công dân học tập; tăng cường phát triển tổ chức hội và hội viên về cả số lượng và chất lượng. Vận động đảng viên ở cơ sở gương mẫu tham gia công tác hội và làm nòng cốt xây dựng tổ chức hội.
Hội đẩy mạnh phong trào thi đua học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị trên cơ sở hoàn thiện và nâng cao chất lượng các mô hình học tập, xây dựng mô hình công dân học tập. Đồng thời, Hội tiếp tục phát triển quỹ khuyến học theo hướng đa dạng nguồn lực, nâng cao các mức thưởng và học bổng cho học sinh, sinh viên vượt khó, hiếu học, học sinh mồ côi, gương điển hình về học tập của người lao động…