Theo thống kê, toàn tỉnh Sơn La hiện có khoảng 4.970 trẻ khuyết tật dưới 18 tuổi; trong đó, gần 50% trẻ khuyết tật không được đến trường học, can thiệp hòa nhập cộng đồng; đối tượng trẻ đến trường chưa được phân loại, chọn lọc. Hệ thống tài liệu, sách giáo khoa, trang thiết bị phục vụ cho giáo dục trẻ khuyết tật chưa được xây dựng, thẩm định và ban hành thống nhất gắn với thực tiễn người học. Việc xây dựng nội dung, chương trình giáo dục bảo đảm yêu cầu kiến thức, kỹ năng cơ bản cho từng cấp học, phù hợp với mỗi loại đối tượng học sinh khuyết tật cũng chưa được quan tâm triệt để, sâu sắc.
Việc thành lập Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập góp phần tăng thêm tỷ lệ trẻ khuyết tật được tiếp cận giáo dục, cũng như tăng cường chất lượng giáo dục cho trẻ khuyết tật trên địa bàn. Trung tâm có chức năng: Đánh giá, xác định khả năng và phân loại nhu cầu giáo dục đối với trẻ em có dấu hiệu khiếm khuyết hoặc dấu hiệu suy giảm chức năng, học sinh khuyết tật để can thiệp giáo dục sớm hoặc tư vấn lựa chọn phương thức giáo dục phù hợp cho từng đối tượng; hỗ trợ giáo dục hòa nhập cho học sinh khuyết tật. Tổ chức các hoạt động chăm sóc đời sống tinh thần cho trẻ, học sinh khuyết tật phù hợp với sức khỏe của từng đối tượng đến học tập; bồi dưỡng, tư vấn cho người khuyết tật có nhu cầu về tâm lý, sức khỏe, giáo dục, hướng nghiệp.
Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm cần tập trung thực hiện tốt việc phát hiện, xác định, chăm sóc, can thiệp sớm, giáo dục đặc biệt, hòa nhập, hướng nghiệp, dạy nghề có chất lượng tốt đối với trẻ, học sinh khuyết tật và thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách của Nhà nước đối với trẻ, học sinh khuyết tật theo quy định.
Cùng với đó là tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, phục hồi sức khoẻ, phối hợp với các cơ sở chuyên môn về y tế phát hiện, điều trị, can thiệp, tư vấn về sức khỏe và chăm sóc đời sống tinh thần cho trẻ em, học sinh khuyết tật; bồi dưỡng, tư vấn cho người khuyết tật và các tổ chức, đơn vị, cá nhân có nhu cầu giáo dục đặc biệt, hòa nhập đối với trẻ em, học sinh, người khuyết tật.