Từ chương trình này, thế hệ tương lai giữa vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới Tổ quốc đã giảm bớt khó khăn và thu hẹp khoảng cách với khu vực khác.
Ước mơ của học sinh vùng khó
Hiệu trưởng trường Trung học Cơ sở Điện Quan (huyện Bảo Yên, Lào Cai) Nguyễn Thị Minh Huệ đã có hơn 20 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người nơi vùng cao, vùng sâu nhất của huyện. Bà là người hiểu rõ nhất những thiệt thòi của học sinh miền núi tại địa phương. Trên thực tế, trong những năm qua, việc triển khai có hiệu quả nhiều chính sách giáo dục của Đảng, Nhà nước tại địa phương đã góp phần rút ngắn khoảng cách giữa vùng cao - vùng thấp của Bảo Yên với Lào Cai và với các địa phương khác trong cả nước. Tuy nhiên, khoảng cách này dường như lại được "khoét" rộng hơn bao giờ hết khi dịch COVID-19 xảy ra. Việc học sinh tham gia học trực tuyến thực sự là một thách thức không nhỏ đối với giáo dục vùng cao nói riêng, vùng "lõi nghèo" của cả nước nói chung.
Trường Trung học Cơ sở Điện Quan có 324 học sinh với 10 lớp. Bà Minh Huệ chia sẻ, tâm lý phụ huynh, học sinh tại địa bàn cơ bản đều e ngại việc dạy học trực tuyến (online) do địa phương là vùng cao, vùng sâu, đời sống còn nhiều khó khăn, học sinh khó có đủ các phương tiện phục vụ việc học trực tuyến. Ngoài ra, đường truyền internet hay bị lỗi, sóng yếu do địa hình chia cắt phức tạp cũng là lý do khiến việc học online hay bị gián đoạn, ảnh hưởng tới việc dạy - học của thầy, trò. Mặc dù, nhà trường đã chuẩn bị phương án thông qua đội ngũ giáo viên phối hợp với cán bộ cơ sở để giao bài tận nơi cho học sinh của trường đang sinh sống ở 12 thôn bản của Điện Quan, nhằm giảm thiểu mức độ ảnh hưởng của những hạn chế trong việc học trực tuyến tại địa phương. Tuy nhiên, phương án này cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Bởi vậy, khi nghe nói tới chương trình "Sóng và máy tính cho em", phụ huynh, thầy cô, học sinh đều rất mừng.
Học sinh của Lào Cai đang học trực tiếp do tình hình dịch bệnh trên địa bàn vẫn được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, nếu phải triển khai học trực tuyến do dịch COVID-19, việc thiếu phương tiện học tập và sóng internet chính là khó khăn lớn nhất. Nhiều gia đình học sinh rất khó khăn khi không có tivi hoặc một số học sinh chỉ dùng điện thoại thường, không kết nối internet nên khó tiếp cận với phương pháp học mới này.
Trước đó, những tháng đầu năm 2020, trong hoàn cảnh có dịch COVID-19, nhiều học sinh ở huyện Bát Xát đã rất vất vả tìm địa điểm "hứng" sóng. Để điện thoại kết nối được sóng 3G, 4G phục vụ cho việc học online, mỗi ngày em Tẩn Thị Dung, khi ấy còn là học sinh lớp 12, trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học cơ sở và Trung học phổ thông huyện Bát Xát phải đi lên đỉnh đồi cao để có thể bắt được sóng điện thoại. Dung cho biết, hai lần trong ngày buổi sáng và buổi chiều, phải di chuyển quãng đường gần một cây số để đến được vị trí của lán học tạm ở trên lưng chừng ngọn đồi sau nhà. Gia đình Dung thuộc diện đặc biệt khó khăn. Cha mất sớm, để đảm bảo việc học cho con trong mùa dịch, mẹ của Dung đã phải tiết kiệm, vay mượn mới đủ tiền mua cho em chiếc điện thoại thông minh.
Hoàn cảnh gia đình học sinh Lý Thị Giang, thôn Khe Chấn, xã Sơn Thủy, trường Trung học phổ thông số 1 Văn Bàn cũng thuộc diện khó khăn, không có điện thoại để sử dụng. Mỗi lần học trực tuyến là Giang lại phải chạy đi mượn hàng xóm, họ hàng để học và phải ngồi học ở nơi có sóng ổn định nhất. Hình ảnh cô học trò nhỏ ngày ngày cứ đến giờ cố định là ngồi học trên con đường mòn-nơi nguồn sóng ổn định nhất để học trực tuyến đã trở nên quen mắt với người dân thôn Khe Chấn.
Thầy giáo Nguyễn Minh Tuân, Hiệu trưởng trường Trung học Phổ thông số 1 Văn Bàn, huyện Văn Bàn, cho biết các giáo viên của trường đã vận động quyên góp và trao tặng sim có dung lượng dữ liệu và tốc độ truy cập mạng cao cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn để duy trì việc học trực tuyến được thuận lợi, tuy nhiên đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Chương trình "Sóng và máy tính cho em" thực hiện thành công sẽ là tiền đề thuận lợi giúp học sinh tiếp cận được với một loại hình học tập mới, với trang thiết bị mà điều kiện gia đình các em không thể có được.
Mở ra cơ hội học tập lớn
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em”, đã có rất nhiều địa phương, tổ chức, đơn vị, cá nhân tiên phong tại Lào Cai hưởng ứng, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trước thế hệ tương lai của đất nước, mở ra cơ hội học tập lớn cho học sinh vùng cao Lào Cai.
Tính đến ngày 7/10, chương trình “Sóng và máy tính cho em” tại tỉnh Lào Cai đã nhận được sự ủng hộ với tổng trị giá tiền mặt là gần 5 tỷ đồng cùng 30 máy tính, 370 điện thoại thông minh (smartphone). Triển khai Chương trình, tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan, phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông rà soát việc phủ sóng di động trên địa bàn toàn tỉnh.
Lào Cai đặt ra mục tiêu phát triển hạ tầng mở rộng vùng phủ sóng, đảm bảo cung cấp dịch vụ truy nhập internet băng rộng di động cho 100% trường, điểm trường, trung tâm thôn trên địa bàn toàn tỉnh. Trong năm 2021, Lào Cai sẽ phủ sóng đối với 10 điểm chưa kết nối internet di động theo danh sách rà soát của Bộ Thông tin và Truyền thông; hỗ trợ 100% phí sử dụng các nền tảng dạy, học trực tuyến đã công bố; hỗ trợ gói cước sử dụng dịch vụ internet băng rộng di động đối với học sinh được hỗ trợ máy tính, máy tính bảng theo Chương trình; hỗ trợ các gói cước thuê hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ việc dạy và học trực tuyến, bao gồm máy chủ, chỗ đặt máy chủ, đường truyền internet đảm bảo việc dạy, học trực tuyến... Chương trình áp dụng cho học sinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn (chưa có máy tính hoặc thiết bị điện tử phục vụ học tập).
Hai trở ngại lớn nhất của giáo dục vùng cao là cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. Việc cơ sở vật chất đang ngày một nâng cấp, hoàn thiện cũng đồng thời đặt ra thách thức mới cho đội ngũ giáo viên. Giáo viên cần phải chủ động, linh hoạt, đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy và làm chủ công nghệ, điều chỉnh nội dung, giáo trình, thời lượng và khối lượng kiến thức phù hợp với người học mới giúp kết quả học tập đạt yêu cầu nhiệm vụ năm học. Theo bà Nguyễn Thị Minh Huệ, máy móc chỉ là phương tiện, điều quan trọng nhất vẫn là sự tự đổi mới, tự học hỏi của các thầy, cô giáo. Nếu các thầy, cô giáo không tự học hỏi, tự đổi mới thì có cơ sở vật chất tốt đến đâu cũng vô ích.
Không chỉ hướng đến giải quyết khó khăn trước mắt do dịch COVID-19 của ngành giáo dục, chương trình "Sóng và máy tính cho em" còn mang tầm chiến lược, thúc đẩy phát triển bình đẳng và chuyển đổi số mạnh mẽ toàn xã hội. Chương trình như một món quà đặc biệt ý nghĩa tặng học sinh, sinh viên vùng khó, trong đó có Lào Cai, là nguồn động lực quý báu giúp các em vượt qua khó khăn, cố gắng học tập tốt, đạt thành tích cao trong năm học mới.