Tiến sỹ - Nhà giáo ưu tú Nguyễn Tùng Lâm |
Là người quê gốc ở Hà Nội (Ngọc Thuỵ - Long Biên), trưởng thành từ các phong trào thanh niên của những năm học cấp 3 Trường THPT Việt Đức, đặc biệt được hưởng một nền giáo dục tuyệt vời, gắn học tập với lao động kỹ thuật và những hoạt động xã hội đã khơi dậy lý tưởng sống là được cống hiến từ tuổi thanh niên trong ông. Năm 1967, tốt nghiệp khoa văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội ông được phân công về làm giáo viên rồi đề bạt Hiệu phó Trường cấp 3 Cao Bá Quát, thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội. Với nguyên lý giáo dục "học đi đôi với hành”, ông đã góp phần đưa trường trở thành lá cờ đầu các trường cấp 3 toàn quốc về thành tích học tập gắn với lao động sản xuất và giáo dục toàn diện. Đặc biệt sáng kiến kinh nghiệm “Dạy may dạy người” của ông đã được khen thưởng loại A, sau đó được đi dự Hội nghị tuyên dương sáng kiến kinh nghiệm toàn quốc năm 1978.
Năm 1982, sau 12 năm gắn bó với ngôi trường Cao Bá Quát, ông được điều động về làm Phó Chủ tịch, rồi Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục và đào tạo Hà Nội. Tiếp xúc rộng rãi với thực tế giáo dục, lại giỏi về chuyên môn, trong suốt 21 năm làm công tác công đoàn, ông đã đề xuất được nhiều cuộc vận động, phong trào thi đua phù hợp và hữu ích đối với đội ngũ giáo viên , được Bộ Giáo dục và Đào tạo nhân rộng ra toàn quốc như cuộc vận động "Kỷ cương, tình thương, trách nhiệm", "Cô giáo tài năng duyên dáng", "Cô giáo, người mẹ hiền"…
Nhưng có lẽ, điều mà TS. NGƯT Nguyễn Tùng Lâm tâm huyết, tự hào hơn cả chính là sự ra đời và phát triển của trường THPT Đinh Tiên Hoàng (quận Ba Đình), ngôi trường dân lập đầu tiên của Hà Nội nhằm giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, yếu kém về học tập và rèn luyện đạo đức. Ông cho biết, ý tưởng để thành lập ngôi trường nhân văn này xuất phát từ sự lo lắng của những người làm quản lý giáo dục về văn hoá, đạo đức của học sinh Hà Nội trong thời kỳ mở cửa, đặc biệt những đối tượng học sinh hệ B thời kỳ đó. Bởi các em không có đủ kiến thức cơ bản, không có nền nếp tự học, không có thói quen độc lập suy nghĩ, không có động lực phấn đấu vươn lên trong học tập…Những điều này đã thôi thúc ông phải xây dựng được một nhà trường mà ở đó có môi trường sư phạm “Hữu giáo vô loại” (không ai là không dạy được - một ý tưởng giáo dục rất nhân văn của Khổng Tử) và đến năm 1989, trường THPT Đinh Tiên Hoàng được thành lập.
Với vai trò là người sáng lập và Hiệu trưởng nhà trường, dù bộn bề bao công việc song Nhà giáo Nguyễn Tùng Lâm vẫn luôn có ý thức phải tìm hiểu học tập khoa học giáo dục, khoa học quản lý giáo dục một cách có hệ thống. Bằng con đường vừa làm vừa học, ông tham dự các khóa đào tạo về thạc sỹ và tiến sỹ giáo dục học. Đặc biệt, xác định điểm yếu, điểm mạnh của học sinh, ông đã xác định mục tiêu của nhà trường là xây dựng mô hình giáo dục đặc biệt mang tính chất nhân văn, đúng với sự phát triển giáo dục tiên tiến của các nước trên thế giới. Do đó, nhà trường không chọn lọc đầu vào nhưng phải đảm bảo chất lượng giáo dục toàn diện, kiên trì rèn nhân cách, tránh gây áp lực cho học sinh và phụ huynh học sinh.
Chia sẻ về con đường dẫn đến thành công của mô hình giáo dục “Đinh Tiên Hoàng”, TS – NGƯT Nguyễn Tùng Lâm cho biết, điều quan trọng nhất là xây dựng được đội ngũ nhà giáo thực sự tâm huyết, có năng lực chuyên môn và tay nghề cao; vận dụng các phương pháp khoa học tiên tiến vào giảng dạy, vừa học vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, bởi theo ông, nếu không gắn với khoa học kỹ thuật tiên tiến không thể thành công. Chính bởi vậy, trường có nhiều nét đặc biệt mà nơi khác không có như: Văn phòng tư vấn học đường, có biên chế chuyên trách để nghiên cứu tìm ra phương pháp phù hợp với học sinh Đinh Tiên Hoàng, có nguyên tắc ứng xử với học sinh cho các nhà giáo dục và cha mẹ học sinh…
Một yếu tố quan trong nữa trong mô hình giáo dục tại ngôi trường này là đã xây dựng bộ máy quản lý chặt chẽ, phát huy đúng hiệu lực, trong đó đề cao vai trò, trách nhiệm của cô giáo chủ nhiệm và hệ thống giám thị. Đồng thời áp dụng quản lý chất lượng quốc tế theo đúng tiêu chuẩn ISO 9001 - 2000.
Với những kinh nghiệm trên, trải qua 26 năm, trường THPT Đinh Tiên Hoàng đã trở thành hình mẫu về phương pháp giáo dục tiên tiến của các trường trên địa bàn Hà Nội và của nhiều địa phương trong cả nước. Hiệu quả này thể hiện rõ nét trong giáo dục, quản lý học sinh, giúp các em thêm tiến bộ trong học tập, rèn luyện. Hàng năm, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp của trường đạt hơn 95%, trong đó có 8 khóa học sinh đỗ tốt nghiệp đạt 98%. Nhiều khóa nhà trường có học sinh đỗ cao vào các trường đại học, có học sinh được giải thưởng Lý Tự Trọng, nhiều em đoạt giải cao trong các kỳ thi văn nghệ, thể dục thể thao của thành phố, toàn quốc.
Không chỉ giới hạn ở ngôi trường Đinh Tiên Hoàng, TS – NGƯT Nguyễn Tùng Lâm còn đảm nhận công việc Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội. Ông cùng các đồng nghiệp càng thêm đam mê với những vấn đề thiết yếu của giá trị họ và ông cho rằng: “Yếu tố quyết định sự thành bại trong giáo dục nhân cách của học sinh là người thầy”. Điều này đòi hỏi giáo viên phải gần gũi với học sinh, phải có vốn sống phong phú và trên hết là sự hết lòng vì học sinh”. Đồng thời, ông đã định hướng cho các thầy cô giáo Đinh Tiên Hoàng luôn tôn trọng học sinh, tạo cho các em cơ hội để rèn luyện mình theo phương châm giáo dục “Nhân cách không chỉ được nghe và nói mà chủ yếu được hình thành nhờ sự nỗ lực hành động của mỗi cá nhân”.
Tuy nhiên, đề cập đến những vấn đề cơ bản của Tâm lý giáo dục học trong cuộc đổi mới giáo dục hiện nay, NGƯT Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh: “Để giáo viên hoàn thành tốt nhiệm vụ thì sự giúp đỡ của nhà trường, của xã hội, sự hỗ trợ của cha mẹ học sinh, đặc biệt sự đãi ngộ xứng đáng của Nhà nước và thành phố là rất cần thiết thì mới thu hút được người giỏi làm nghề giáo dục”.
TS. NGƯT Nguyễn Tùng Lâm mong muốn Thủ đô Hà Nội phải đi đầu về giáo dục và khoa học công nghệ. Theo đó, Hà Nội cần áp dụng Luật Thủ đô để có những cơ chế chính sách phù hợp đối với đội ngũ cán bộ giáo dục để họ “sống” được bằng đồng lương của mình. Hà Nội cần tăng cường cơ sở vật chất cho các nhà trường một cách hiện đại, đồng bộ và hiệu quả trong sử dụng; đồng thời xây dựng các trường công chất lượng cao. Nhưng thực tế vấn đề này đang rất khó thực hiện vì không có cơ chế. Theo NGƯT Nguyễn Tùng Lâm, cần cơ chế tự chủ - dân chủ cho tất cả các trường học, không chỉ “loay hoay” đối với các trường Đại học. Song, để các trường chất lượng cao hoạt động hiệu quả bắt buộc phải có giám sát cộng đồng dân cư khách quan ngoài nhà trường.
Bằng sự tâm huyết và những kiến thức khoa học giáo dục, đóng góp thiết thực cho nền giáo dục Thủ đô, TS. NGƯT Nguyễn Tùng Lâm đã được Đảng, Nhà nước, Bộ, Ngành tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý như: Huân chương Lao động hạng Ba, Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục, Huy chương vì thế hệ trẻ vì thành tích giáo dục học sinh, Bằng Lao động sáng tạo, Kỷ niệm chương vì sự nghiệp khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam… Đặc biệt, ông đã 2 lần được UBND thành phố Hà Nội vinh danh “Người tốt việc tốt”, “Tri thức tiêu biểu vì sự nghiệp phát triển Thủ đô”, đại biểu HĐND thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2011- 2016. Và năm 2015, ông là 1 trong 10 cá nhân tiêu biểu được thành phố Hà Nội vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú”