Tăng cường quản lý với dạy thêm, học thêm

Đã nhiều năm nay, tình trạng dạy thêm, học thêm diễn ra tràn lan, nhất là ở các vùng đô thị, thành phố lớn, gây tâm lý căng thẳng cho học sinh. Nhằm chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa ban hành Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 quy định về dạy thêm, học thêm.

Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển (ảnh).

´Thưa ông, hiện nay, tình trạng dạy thêm, học thêm vẫn diễn ra tràn lan, Bộ GD-ĐT có ý kiến gì về vấn đề này?


Bản chất của việc dạy thêm, học thêm (DT HT) là tốt nếu như nó xuất phát từ nhu cầu nâng cao kết quả học tập. Các trường DT HT nhằm: Củng cố kiến thức, kỹ năng cho học sinh; Phụ đạo học sinh học lực yếu kém; Bồi dưỡng học sinh khá giỏi; Ôn tập để thi vào đại học, cao đẳng. Có nơi cha mẹ học sinh muốn nhờ thầy cô giáo dạy thêm kết hợp quản lý con cái lúc cha mẹ học sinh bận việc.


Ở nhiều vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, các nhà trường và giáo viên dạy thêm không thu tiền của học sinh; có nơi còn hỗ trợ cho học sinh về sách bút và các điều kiện khác. Nói một cách công bằng thì có rất nhiều thầy cô giáo vẫn đang âm thầm kèm cặp dạy dỗ cho học sinh của mình một cách tận tình ngoài giờ lên lớp, không vụ lợi. Nhiều học sinh tiến bộ rõ rệt trong học tập nhờ DT HT.


Điều đáng phê phán là một bộ phận giáo viên vụ lợi, bằng nhiều cách khác nhau bắt ép học sinh học thêm, làm tăng gánh nặng kinh tế cho một số gia đình; gây lãng phí về thời gian, tiền bạc và ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh; làm cho quan hệ đạo đức thầy - trò bị méo mó, giảm lòng tin của người dân đối với ngành giáo dục.


DT HT tràn lan còn do công tác quản lý lỏng lẻo, việc kiểm tra, đôn đốc thực hiện của cơ quan quản lý giáo dục và chính quyền địa phương chưa quyết liệt; chưa kịp thời ngăn chặn, xử phạt nghiêm minh các vi phạm. Một số trường chưa đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá… để nâng cao chất lượng giáo dục nên chưa hạn chế được việc DT HT.


Mặt khác, do một số gia đình đặt kỳ vọng quá cao, ép con mình phải học thêm vượt quá khả năng của các em…


´Với trách nhiệm là cơ quan chủ quản về lĩnh vực giáo dục – đào tạo, Bộ GD- ĐT sẽ có giải pháp gì để tăng cường quản lý việc dạy thêm, học thêm?
Từ năm 2007, Bộ GD-ĐT đã ban hành quy định về DTHT để các địa phương ban hành quy định DTHT trên địa bàn. Nhiều địa phương đã có những động thái tích cực. Tuy nhiên, còn một số nơi, nhất là đô thị vẫn xảy ra trình trạng DT HT sai trái.


Bộ GD-ĐT đã xây dựng dự thảo quy định mới về DTHT. Thời gian vừa qua, dự thảo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài ngành, của các cơ quan thông tấn, báo chí. Bộ GD-ĐT đã tiếp thu, hoàn thiện dự thảo. Ngày 16/5/2012, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã ký Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ban hành quy định mới về DT HT.


´Ông có thể cho biết những điểm mới nổi bật của Thông tư về DTHT mới được ban hành?


Thông tư đã quy định rõ các nguyên tắc DT HT như: Phải góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách của học sinh; phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và không gây nên tình trạng vượt quá sức tiếp thu của người học.


Không cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa để đưa vào giờ dạy thêm; không dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa.


Đối tượng học thêm là học sinh có nhu cầu và tự nguyện được gia đình đồng ý; không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc gia đình học sinh và học sinh học thêm.


Không tổ chức lớp DTHT theo các lớp học chính khóa; học sinh trong cùng một lớp DTHT phải có học lực tương đương nhau; khi xếp học sinh vào các lớp DTHT phải căn cứ vào học lực của học sinh.


Tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động DTHT phải chịu trách nhiệm về các nội dung đăng ký và xin phép tổ chức hoạt động DTHT.


Thông tư quy định các trường hợp không được dạy thêm: Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống;… Cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và trường dạy nghề không tổ chức DT HT các nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông…


Thông tư cũng quy định rõ đối với việc DTHT trong nhà trường và dạy thêm ngoài nhà trường; Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép tổ chức hoạt động DTHT. Đồng thời quy định thống nhất trên toàn quốc về nguyên tắc thu và quản lý tiền học thêm; trách nhiệm quản lý DTHT của các cấp chính quyền từ cấp tỉnh, huyện đến xã...


Trong thời gian tới, Bộ sẽ tăng cường chỉ đạo các Sở GDĐT, Phòng GDĐT, các nhà trường phối hợp với chính quyền và ban ngành liên quan ở địa phương thường xuyên kiểm tra việc thực hiện quy định mới về DT HT và xử lý vi phạm nếu có.


´Nhưng chỉ với một quy định về DTHT này có đủ sức để dẹp bỏ hoàn toàn tình trạng dạy thêm tràn lan không, thưa ông?


Bên cạnh các quy định về dạy thêm học thêm, ngành GDĐT đã và đang thực hiện nhiều giải pháp hữu hiệu để nâng cao chất lượng dạy học, khắc phục DTHT tràn lan, đó là: Tiếp tục rà soát, điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng tinh giảm dành thời lượng để củng cố, hệ thống hóa kiến thức đã học cho học sinh, phụ đạo tại lớp đối với học sinh có học lực yếu kém; Tiếp tục chỉ đạo thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, phát huy năng lực tự học của học sinh; đổi mới kiểm tra đánh giá, cải tiến các công tác thi, giảm áp lực về kiểm tra, thi cử cho học sinh; Tăng cường quản lý giáo viên trong việc thực hiện chương trình dạy học, thực hiện quy định DTHT, nghiêm cấm cắt xén chương trình đưa vào dạy thêm hoặc ép buộc học sinh học thêm dưới bất kỳ hình thức nào.
Hoàng Hoa (thực hiện )

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN