Diễn đàn có tham gia của các diễn giả GS.TSKH Vũ Hoàng Linh, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội; ông Scott MacDonald, Tổng Giám đốc Hội đồng Anh toàn cầu và khách mời là các nhà lãnh đạo, các nhà khoa học nữ, các nữ sinh viên đang công tác, nghiên cứu, học tập trong lĩnh vực STEM.
Tại diễn đàn, các diễn giả đã tập trung trao đổi những vấn đề như: Tầm quan trọng trong việc thúc đẩy sự tham gia của nữ giới trong nghiên cứu khoa học và kỹ thuật; những thách thức mà nữ giới gặp phải khi tham gia nghiên cứu trong lĩnh vực STEM (rào cản và định kiến giới, khoảng cách về giới, trải nghiệm cá nhân về định kiến vô hình và ảnh hưởng tới các nhà nữ khoa học); các sáng kiến và mô hình tốt trong việc thúc đẩy nữ giới tham gia vào các lĩnh vực STEM đang được triển khai ở Việt Nam và trên thế giới.
Thực tế cho thấy, khoa học tự nhiên chỉ phù hợp với phái mạnh, nhưng với tư cách là một trong những đơn vị hàng đầu tại Việt Nam về đào tạo các ngành khoa học tự nhiên, những thành công của đội ngũ các nhà khoa học nữ Trường Đại học Khoa học Tự nhiên đạt được trong nghiên cứu khoa học cơ bản và ứng dụng đã góp phần không nhỏ khẳng định vị thế của nhà trường.
Bên cạnh đó, tại Việt Nam, tỷ lệ các nữ cán bộ tham gia nghiên cứu khoa học và có công trình nghiên cứu được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế vẫn thấp hơn so với nam giới. Nhìn rộng ra hơn một chút, có thể thấy, mặc dù nữ giới đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế xã hội nói chung, nhưng cơ hội nghề nghiệp cho nữ giới khẳng định trong lĩnh vực STEM vẫn chưa nhiều.
Diễn đàn đã khẳng định trong thời gian qua, bình đẳng giới đã được thúc đẩy mạnh mẽ trong lĩnh vực giáo dục cũng như trong lĩnh vực STEM tại Việt Nam thông qua những kế hoạch hành động cụ thể. Tuy nhiên việc phát triển vai trò lãnh đạo của nữ giới vẫn còn gặp nhiều hạn chế, những vấn đề này cần phải sớm có giải pháp tháo gỡ: Quan niệm truyền thống cứng nhắc về giá trị và vai trò của nam và nữ; bất bình đẳng trong giáo dục; bất bình đẳng giới trong tham gia chính trị xã hội; thiếu hiểu biết về pháp luật, chính sách về bình đẳng giới...