Tăng học phí đi cùng với chất lượng
Tháng 6/2015, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của trường ĐH Ngoại thương giai đoạn 2015- 2017. Theo đó, ĐH Ngoại thương cũng được thu học phí với mức thu học phí tối đa (chương trình đại trà, trình độ đại học, chính quy) năm 2015 - 2016 là 14,5 triệu đồng/sinh viên/năm, năm 2016 - 2017 là 16 triệu đồng/sinh viên/năm (tăng 1,5 triệu đồng). Mức trần đối với trình độ đào tạo tiến sĩ bằng 2,5 lần; thạc sĩ bằng 1,5 lần; CĐ bằng 0,8 lần mức học phí tối đa nêu trên. Theo bà Lê Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Ngoại thương, cùng với mức tăng học phí này, trường đảm bảo tăng cường cơ sở vật chất, giảm sĩ số mỗi lớp học từ 140 sinh viên xuống còn 100 hoặc 80 sinh viên/lớp.
Sinh viên nghèo học giỏi có nhiều chính sách hỗ trợ từ trường và các quỹ học bổng. |
Năm nay, ĐH Hà Nội cũng có mức học phí mới khá cao so với năm ngoái. Cụ thể, năm học 2014-2015, mức học phí tối đa của trường là 7,8 triệu đồng, năm học 2015- 2016 tăng lên 12 triệu đồng và đến năm 2016-2017 là 14 triệu đồng. ĐH Hà Nội cam kết, cùng với việc tăng học phí này, nhà trường cũng cung cấp dịch vụ đào tạo đa dạng, cùng với nhu cầu của xã hội và chuẩn quốc tế. Đó là những dịch vụ quản lý, thư viện điện tử, nhà ăn sinh viên… sẽ được cải tiến cho phù hợp.
Tại TP Hồ Chí Minh, sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án thí điểm cơ chế hoạt động tự chủ tài chính, các trường tự chủ đã công bố mức học phí khá cao so với những năm trước. Theo đó mức học phí của các trường này cũng tăng khá cao như trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh, mức học phí bình quân đối với các chương trình đại trà là 13 triệu đồng năm 2015 - 2016 và sẽ lên đến khoảng 16 triệu đồng năm 2016 -2017. Tại ĐH Tài chính - Marketing mức thu học phí bình quân tối đa trong năm 2015 -2016 cũng tầm khoảng 14,5 triệu đồng/năm.
Theo ông Nguyễn Hữu Huy Nhựt, Trưởng phòng Tổ chức hành chính trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh: “Đối với chương trình hệ đại học đại trà, học phí năm nay sẽ nằm ở mức dao động khoảng 13 triệu đồng/năm trở lên và được chia làm 2 đợt theo học kỳ sinh viên đăng ký học. Trong một số chuyên ngành có nhu cầu học cao, học phí có thể hơn 13 triệu đồng, còn một số chuyên ngành có nhu cầu học có thể không cao, nhưng thiết yếu cho nền kinh tế, thì học phí chỉ khoảng 50% so với mức bình quân trên. Còn sinh viên những khoa cũ chỉ đóng tăng thêm 30% so với học phí cũ theo Nghị định 49”.
ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP Hồ Chí Minh thu học phí với mức tối đa 16 triệu đồng/năm trong năm học 2015 -2016. Thầy Đặng Vũ Ngoạn, Hiệu trưởng trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết: Trường sẽ tăng học phí theo đúng lộ trình mà Thủ tướng đưa ra. Những năm trước, học phí vào khoảng 7,5 triệu/năm còn năm nay học phí sẽ tăng lên 11,5 triệu/năm.
Cơ hội nào cho thí sinh nghèo?
Thông tin nhiều trường ĐH công lập tăng học phí, khiến cho các sinh viên nghèo lo ngại sẽ gặp khó khăn với con đường học đại học của mình. Tuy nhiên, đại diện các trường cho rằng, những sinh viên nghèo có năng lực không phải lo lắng nhiều, bởi các em sẽ được hưởng các chính sách hỗ trợ và việc tăng học phí sẽ không ảnh hưởng nhiều đến các em.
Bà Lê Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Ngoại thương cho biết, với sinh viên giỏi, trường sẽ cấp học bổng 100% phần học phí chênh lệch giữa mức quy định của Nhà nước và quy định của trường. Do đó, sinh viên diện này chỉ phải đóng 6-7 triệu đồng/năm. Số sinh viên được hưởng chính sách này được nhà trường tính toán là 1% so với tổng chỉ tiêu tuyển mới (mỗi năm dự kiến tuyển khoảng 3.500 chỉ tiêu). Đối với những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, nhà trường cũng đã tính toán hỗ trợ 100% học phí phần chênh lệch tăng lên (có nghĩa sinh viên có hoàn cảnh khó khăn học tại trường chỉ phải đóng 6- 7 triệu đồng/năm). Con số này dự kiến cũng chỉ khoảng 1% (35 em). Còn những chính sách học bổng khuyến khích học tập cho sinh viên giỏi vẫn được thực hiện theo quy định của Nhà nước.
Ông Đặng Vũ Ngoạn, Hiệu trưởng trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP Hồ Chí Minh chia sẻ: “Việc tăng học phí sẽ không ảnh hưởng nhiều đến sinh viên nghèo, học giỏi. Bởi những sinh viên học giỏi sẽ được tặng học bổng còn những sinh nghèo và nằm trong diện chính sách thì sẽ được hưởng các chế độ ưu đãi như miễn giảm học phí theo đúng quy định. Có thể khó khăn nhất là những sinh viên không nằm trong các diện chính sách và số lượng sinh viên này chiếm đa số. Để chia sẻ khó khăn với sinh viên chúng tôi đã phối hợp với các ngân hàng tạo điều kiện cho các em vay tiền, đồng thời giãn ngày đóng học phí cho các em và các em được đóng học phí theo từng đợt”.
Để chia sẻ bớt gánh nặng về chi phí học tập cho các sinh viên, hằng năm trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh có học bổng khuyến khích học tập dành cho 10% tổng số sinh sinh viên ĐH chính quy toàn trường. Cụ thể, sinh viên có kết quả học tập xếp loại xuất sắc được hưởng 120% học bổng, mỗi suất 15,6 triệu đồng, 1.500 suất học bổng toàn phần và 600 suất học bổng bán phần mỗi suất từ 13- 6,5 triệu đồng. Trường cũng có chính sách miễn giảm 100% học phí đối với sinh viên thuộc đối tượng chính sách, hộ nghèo theo quy định của Nhà nước. Phần chênh lệch giữa mức hỗ trợ của Nhà nước và mức học phí của trường sẽ được trường cấp bù toàn bộ học phí. Đồng thời ưu tiên bố trí chỗ ở trong ký túc xá cho các đối tượng thuộc diện chính sách.
Mặc dù có chính sách đối với những học sinh nghèo học giỏi nhưng tỷ lệ này so với những sinh viên nghèo chung của trường là con số rất nhỏ. Trong khi đó, giữa sinh viên có hoàn cảnh khó khăn và hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có sự khác biệt nhưng không lớn lắm nhưng việc xét duyệt vẫn dành cho sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ sinh viên cần được hỗ trợ trong các trường ĐH là vẫn còn. Vì vậy mức tăng học phí này được đánh giá vẫn có tác động nhất định đến đối tượng sinh viên có hoàn cảnh khó khăn và sinh viên nghèo học giỏi.