Thạc sỹ, tiến sỹ về nước: Cần môi trường cạnh tranh lành mạnh

Hầu hết những thạc sỹ, tiến sỹ khi du học ở nước ngoài cũng đều mong muốn trở về góp phần phát triển cho đất nước. Tuy nhiên, sau khi về nước, họ đều cho rằng để xin vào làm việc trong các cơ quan nhà nước làm việc không hề dễ. Hơn nữa môi trường làm việc và sự cạnh tranh ở các cơ quan nhà nước không lành mạnh như ở các công ty nước ngoài.

 

Chị Nguyễn Thị Hương, Thạc sỹ Khoa học Thực phẩm (du học trường Agro sup Dijon tại Pháp):
Ngại môi trường làm việc không minh bạch


Được học bổng của Cộng đồng Pháp ngữ tôi đi du học tại Pháp, chuyên ngành Khoa học thực phẩm sau khi về nước, tôi vào làm việc cho một công ty của Nhật tại Việt Nam. Tìm việc làm trong nước không quá khó, nhưng tìm được một công việc phù hợp với các tiêu chuẩn của một du học sinh thì khá khó khăn. Tôi đã từng đi phỏng vấn ở ba công ty và tới công ty thứ tư mới quyết định vào làm việc. Tôi không thích vào làm việc trong một cơ quan hay công ty của Nhà nước vì ngại môi trường cạnh tranh không lành mạnh, lương thấp, lại phải chịu áp lực của nhiều yếu tố quan trọng hơn kiến thức và năng lực của bản thân. Do vậy tôi đã chọn công ty nước ngoài. Tuy không phải công ty nước ngoài nào cũng có chế độ đãi ngộ riêng biệt với người học nước ngoài về, nhưng môi trường làm việc thì rất năng động, kích thích và tạo điều kiện cho nhân viên phát huy năng lực, ít kèn cựa hơn.

 

Các thạc sỹ, tiến sỹ vẫn chưa có được môi trường làm việc lý tưởng trong nước.

Theo tôi để thu hút thạc sỹ, tiến sỹ về nước làm việc, trước hết chúng ta cần phải cải thiện chế độ lương, trao cho họ cơ hội làm việc thực sự, vì họ học nhiều cốt là để muốn được làm những công việc tốt hơn, họ không thể đến cơ quan chỉ để uống trà và chờ đợi hoặc tìm cách lấy lòng ai để “được đến lượt” làm việc. Bên cạnh đó, môi trường làm việc phải minh bạch, các thạc sỹ, tiến sỹ cần tin là họ luôn được trân trọng và đánh giá cao, vì tri thức hơn những yếu tố khác.

 

Thạc sỹ Nguyễn Thị Khánh Linh, học chuyên ngành về quản lý Doanh nghiệp tại Anh: Du học sinh trở về nước chưa được trọng dụng

Tôi xin được học bổng của một trường ĐH ở nước Anh, có thể nói môi trường học tập và làm việc ở bên Anh tốt hơn rất nhiều so với trong nước. Sau khi học xong và làm việc một thời gian ở nước ngoài, tôi về nước làm việc, vì nghĩ rằng dù sao về quê hương vẫn tốt hơn. Có thể nói, khi về nước tôi cũng không hài lòng một vài thứ, nhưng tôi nghĩ, những thứ mình chưa hài lòng thì mình phải tìm cách phát triển nó tốt hơn. Về nước tôi xin vào một công ty của Đan Mạch đặt ở Việt Nam. Không phải tôi không muốn vào doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước để làm việc, mà vì có muốn cũng rất khó để xin được việc, bởi thủ tục giấy tờ xin việc rất phức tạp, nhiều đơn vị lại không muốn tuyển du học sinh vì nhiều lý do.

Bên cạnh đó, làm việc ở Nhà nước mức thu nhập thấp, hơn nữa đòi hỏi phải có mối quan hệ kiểu" con ông cháu cha". Điều quan trọng là du học sinh không được trọng dụng nhiều và phát huy hết tài năng của họ. Môi trường cạnh tranh không lành mạnh, kiểu “sống lâu lên lão làng”, họ không được giao trọng trách và công việc theo đúng chuyên môn. Đặc biệt, du học sinh khi làm việc luôn mong muốn sự sáng tạo, năng động nhưng đối với các cơ quan Nhà nước thì họ lại "sợ" sự thay đổi. Do đó, hầu hết du học sinh khi về nước làm việc thường "đầu quân" vào các công ty nước ngoài.



Thạc sỹ, chuyên ngành Chính trị Quốc tế H.C.T, hiện công tác tại Trường ĐH KH,XH&NV TP Hồ Chí Minh:
Cần có chính sách lương bổng bảo đảm cho công việc nghiên cứu


Môi trường học tập và làm việc ở nước ngoài khá tốt, nhưng tôi vẫn muốn về nước làm việc, đặc biệt là với công việc giảng dạy và nghiên cứu. Tôi khá may mắn khi được công tác ở một môi trường làm việc tốt. Ở đây, tôi được tạo mọi điều kiện, phát huy hết khả năng và những gì mình được tiếp thu từ nước ngoài về phục vụ cho công việc giảng dạy và nghiên cứu của mình.


Hiện nay, nhiều du học sinh không muốn quay trở về Việt Nam làm việc là do chế độ chính sách, lương bổng của chúng ta chưa thực sự phù hợp với họ. Đặc biệt, đối với những người làm nghiên cứu, nếu về nước, mà tiền lương không đủ chi tiêu bảo đảm cho công việc nghiên cứu của mình, thì họ sẽ chọn ở lại nước đang theo học vừa làm ở một môi trường tốt hơn, mà lại có điều kiện thực hiện những công trình nghiên cứu của mình. Còn đối với Việt Nam hiện nay, lương dành cho thạc sỹ ở nước ngoài chỉ khoảng hơn 3 triệu đồng, không thể bảo đảm cho cuộc sống của họ chứ đừng nói gì đến nghiên cứu khoa học. Còn để nghiên cứu được thì họ cũng phải "chật vật" làm thêm nhiều việc, rất vất vả. Do đó, để thu hút nhân tài, tôi nghĩ quan trọng nhất vẫn là chế độ lương bổng phù hợp với những gì họ đã bỏ ra.


Đan Phương (thực hiện)

Phản hồi bài viết “Lãng phí chất xám tiến sĩ, thạc sĩ”
Phản hồi bài viết “Lãng phí chất xám tiến sĩ, thạc sĩ”

Loạt bài viết “Lãng phí chất xám tiến sĩ, thạc sĩ” và bài “Những đề án tiến sĩ đi đâu, về đâu” đăng báo Tin Tức ngày 4 và 15/8 đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ bạn đọc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN