Khắc phục khó khăn trên, ngành Giáo dục và Đào tạo đã phát động cán bộ, công chức, viên chức trong toàn ngành ủng hộ một ngày lương hỗ trợ mua máy tính cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Sở có thư kêu gọi các cơ quan, tổ chức và nhà hảo tâm chung tay quyên góp hỗ trợ thiết bị học trực tuyến cho học sinh. Sau lễ khai giảng, Sở tiếp tục kêu gọi một đợt nữa nhằm có thêm thiết bị cho các em học tập. Bên cạnh đó, Sở làm việc với các đơn vị cung cấp Internet để nâng cấp đường truyền ở khu vực nhiều nhà trọ, đông công nhân lao động.
Đảm bảo hoàn thành chương trình theo kế hoạch năm học đã đề ra, các đơn vị, trường học chủ động tập huấn cho giáo viên về năng lực, kỹ năng dạy học trực tuyến; tăng cường công tác phối hợp với cha mẹ học sinh; tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng dạy-học. Trường hợp học sinh không tham gia học trực tuyến vì điều kiện cá nhân hoặc thực hiện cách ly theo quy định, các đơn vị, trường học chủ động có phương án dạy bù, hỗ trợ bổ túc kiến thức kịp thời cho các em. Cùng với học trực tuyến, ngành Giáo dục và Đào tạo kết hợp đa dạng các phương án phù hợp như xây dựng clip gửi cho phụ huynh, gửi bài giảng bằng bản giấy, qua điện thoại di động...
Trước tình hình trên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Lộc Hà đề nghị, ngành Giáo dục và Đào tạo nhanh chóng xây dựng kế hoạch phát động Chương trình "Sóng và máy tính cho em" trên địa bàn. Đồng thời, Sở phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ chương trình để học sinh sớm có máy tính học trực tuyến.
Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông đảm bảo đường truyền phục vụ công tác dạy và học, nhất là đối với học sinh đang ở trong vùng cách ly, phong tỏa, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh; triển khai gói hỗ trợ về giá cước, dịch vụ viễn thông cho học sinh, sinh viên trong thời gian học trực tuyến.
Năm học 2021-2022, tỉnh Bình Dương có 718 trường, trung tâm (từ cấp học Mầm non đến Trung học Phổ thông, Giáo dục thường xuyên) với 497.241 học sinh, học viên.