Quyết định này đã nâng tổng số các ngành đào tạo ở trình độ đại học của UEF trong năm 2017 lên 14 ngành.
Theo đó, ngay trong năm 2017, UEF tuyển sinh ngành Quan hệ quốc tế theo hai phương thức là xét tuyển theo kết quả kỳ thi THPT Quốc gia và xét tuyển học bạ THPT (lớp 12) với các tổ hợp môn A01 (Toán – Lý – Tiếng Anh), D01 (Toán – Văn – Tiếng Anh), D15 (Văn – Địa – Anh) và C00 (Văn – Sử – Địa). Chỉ tiêu ngành này nằm trong tổng chỉ tiêu chung của trường.
Trong năm 2017, UEF tuyển sinh ngành Quan hệ quốc tế theo hai phương thức. Ảnh:CTV. |
Theo học ngành này, sinh viên sẽ được trang bị kiến thức về lịch sử; bản chất, nội dung, hình thức các mối quan hệ quốc tế; nắm vững nghiệp vụ ngoại giao, kỹ năng giao tiếp trong hoạt động đối ngoại thông qua các môn học liên quan đến các vấn đề toàn cầu cả về văn hóa, kinh tế và chính trị như chính trị quốc tế hiện đại, lý thuyết an ninh quốc tế, cơ chế hợp tác an ninh đương đại, nghiên cứu ASEAN, nghiên cứu EU...
Tốt nghiệp, trình độ tiếng Anh của sinh viên đạt IELTS 5.5 trở lên, nắm vững kỹ năng tổ chức, quản lý, giám sát, tham mưu, tư vấn về đối ngoại và hợp tác quốc tế.
Năm 2017, song song với phương thức xét tuyển trình độ đại học chính quy dựa vào kết quả kỳ thi THPT Quốc gia, UEF còn triển khai phương thức xét tuyển học bạ THPT theo điểm học tập lớp 12 với 50% chỉ tiêu tuyển sinh. Với phương thức xét học bạ, thí sinh đáp ứng đầy đủ các điều kiện tốt nghiệp THPT và tổng điểm trung bình lớp 12 của ba môn trong tổ hợp môn xét tuyển đạt từ 18.0 trở lên đối với trình độ đại học.
Được biết, hiện ngành Quan hệ quốc tế được đào tạo ở các trường khác như Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, Phân viện Báo chí – Tuyên truyền, Học viện Ngoại giao.