Môn Ngoại ngữ được xem là thế mạnh của nhiều học sinh tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Trong tổng số 1.071.393 thí sinh, có 66.927 em được miễn bài thi môn Ngoại ngữ. Riêng Hà Nội có 21.554 em, chiếm 1/3 số thí sinh, TP Hồ Chí Minh có 13.076, chiếm khoảng 1/5 số thí sinh.
Có 7 ngoại ngữ được chọn cho bài thi chiều nay gồm các tiếng: Anh, Nhật, Hàn, Trung, Pháp, Đức, Nga.
Tại TP Hồ Chí Minh, các thí sinh đánh giá đề thi môn Tiếng Anh khá dễ, nhiều thí sinh tự tin đạt trên 8 điểm.
Các thí sinh ở TP Hồ Chí Minh và TP Hà Nội chia sẻ đề thi Tiếng Anh khá dễ:
Tại điểm thi Trường THPT Trần Phú, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội khá đông phụ huynh đến chia vui, động viên thí sinh sau khi trải qua kỳ thi quan trọng. Các thí sinh cũng đánh giá đề thi môn Tiếng Anh vừa sức, dễ hơn đề thi thử trước đó.
Thí sinh chia sẻ niềm vui sau khi hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024:
Bài thi môn ngoại ngữ khép lại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, kỳ thi cuối cùng theo chương trình giáo dục phổ thông 2006.
Nhận xét về đề thi tiếng Anh năm nay, Tổ tiếng Anh, Hệ thống Giáo dục HOCMAI cho biết, đề thi tiếng Anh tương tự với đề thi tốt nghiệp THPT năm 2023, đề vẫn có các câu hỏi để phân loại thí sinh và phù hợp với mục tiêu xét tuyển Đại học.
Dự kiến, phổ điểm năm nay có thể sẽ rơi vào khoảng 5,5 - 6,5; số điểm 9+ sẽ nhiều và tập trung ở nhóm học sinh khối D hoặc chọn Tiếng Anh là môn xét tuyển Đại học.
Về cấu trúc và phạm vi kiến thức: Đề thi kiểm tra các kiến thức về ngữ âm, ngữ pháp, từ vựng, chức năng giao tiếp, kỹ năng viết, kỹ năng đọc – đây đều là các dạng bài quen thuộc với thí sinh trong quá trình ôn luyện. Phạm vi kiến thức được hỏi chủ yếu nằm trong chương trình Tiếng Anh lớp 12 và quen thuộc với thí sinh.
Về độ khó của đề thi, khoảng 75% câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu và phần còn lại là các câu hỏi vận dụng và vận dụng cao, độ phân hóa đề thi vẫn tập trung vào các câu hỏi từ vựng và đọc hiểu.
Các câu hỏi mức 7+ như: Phát âm, trọng âm, các câu hỏi ngữ pháp so sánh, câu hỏi đuôi, mạo từ, loại từ, rút gọn mệnh đề trạng ngữ, giới từ, đại từ, thì động từ, mệnh đề trạng ngữ chỉ thời gian, từ nối, danh động từ và động từ nguyên thể, câu giao tiếp, từ đồng nghĩa-trái nghĩa, câu đồng nghĩa, nối câu, phrasal verbs, collocation, câu hỏi đại từ và thông tin chi tiết trong bài đọc hiểu, từ dễ gây nhầm lẫn.
Các câu hỏi mức 8+ như: Từ cùng trường nghĩa, từ vựng trong bài đọc điền từ, tìm từ đồng nghĩa trong bài đọc hiểu.
Các câu hỏi mức 9+ như: Từ vựng nâng cao, thành ngữ, câu hỏi main idea/ best title, câu hỏi suy luận trong bài đọc hiểu vì đây là các câu hỏi yêu cầu thí sinh cần có vốn từ phong phú và hiểu nhiều lớp nghĩa của từ và tư duy suy luận cao từ thông tin có trong bài đọc.
Ví dụ: câu hỏi về thành ngữ câu 6 mã 408; câu hỏi từ vựng nâng cao câu 8 mã 408. Câu hỏi về main idea/ best title như câu 36 mã 408; câu hỏi suy luận trong bài đọc hiểu như câu 41, 42 mã 408. Tuy nhiên, các câu hỏi này không phải là các câu có yêu cầu quá khó, thí sinh có thể dựa vào thông tin trong bài đọc kết hợp sử dụng các phương pháp loại trừ để chọn được phương án có khả năng đúng nhất.