Theo kết quả phổ điểm thi tốt nghiệp THPT 2023, cả nước có 1.008.239 thí sinh tham gia thi bài thi Ngữ văn, trong đó, chỉ có 1 thí sinh đạt điểm 10 và 26.209 em đạt từ 9 điểm trở lên ở môn Ngữ văn.
Trong đó, điểm trung bình là 6,86 điểm, điểm trung vị là 7,0 điểm.
Mức điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 7,0 điểm, bằng với năm ngoái. Số thí sinh có điểm <= 1 là 92 (chiếm tỷ lệ 0.009%); số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 73,622 (chiếm tỷ lệ 7,3%).
Môn Ngữ văn là môn tự luận duy nhất ở kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đây là môn thi đầu tiên của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 và được các giáo viên nhận định, các dạng câu hỏi nghị luận xã hội, nghị luận văn học quen thuộc, ổn định như nhiều năm nay. Học sinh không áp lực hay bất ngờ, nhưng một số giáo viên tỏ ra tiếc nuối khi đề thi quá quen thuộc và không khuyến khích được sự sáng tạo của học sinh.
Nhiều giáo viên nhận định, thí sinh có kỹ năng làm bài sẽ dễ đạt 7 điểm, nhưng để đạt từ 8 trở lên, các em cần làm tốt câu nghị luận văn học.
Trước đó, sau môn thi này kết thúc đã để lại những tranh cãi trong giới chuyên môn: Câu và ngữ liệu có phần trùng lặp với đề thi ở địa phương; đề thi không khuyến khích sự sáng tạo của học sinh.
Cụ thể, sau khi kết thúc môn Ngữ văn, dư luận xôn xao về nội dung đoạn ngữ liệu trong phần "Làm văn" trong đề thi thử tốt nghiệp của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nghệ An gần giống với đề thi chính thức của Bộ GD&ĐT với cùng trích đoạn trong tác phẩm "Vợ nhặt" của nhà văn Kim Lân và nội dung câu hỏi có phần tương đồng.
Đề môn Ngữ văn tại kỳ thi thử tốt nghiệp THPT lần thứ 2 năm 2023 của Sở GD&ĐT Nghệ An đặt câu hỏi: "Anh/chị hãy phân tích đoạn trích trên. Từ đó nhận xét sự mới mẻ của nhà văn Kim Lân khi viết về đề tài người nông dân trước cách mạng tháng Tám".
Còn đề Văn chính thức của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 của Bộ GD&ĐT thì yêu cầu: "Anh/chị hãy phân tích đoạn trích trên, từ đó nhận xét cách nhìn cuộc sống của nhà văn Kim Lân được thể hiện trong đoạn trích".
Để giải đáp những thắc mắc này, GS. Nguyễn Ngọc Hà, Trưởng ban đề thi, Bộ GD&ĐT cho biết: Tinh thần chung của đề thi năm nay cơ bản giữ ổn định cấu trúc như năm 2022. Đề thi nằm trong chương trình và chủ yếu lớp 12 và không ra vào phần giảm tải. Đề thi cần có tính phân hoá tốt nhất trong nội dung thi của chương trình thi tốt nghiệp THPT. Năm nay, được sự chỉ đạo của Trưởng ban chỉ đạo thi, lần đầu tiên Bộ GD&ĐT đưa vào quy trình kiểm soát những phần trùng lặp nội dung đã được công bố, bằng cách sử dụng phần mềm, cơ sở dữ liệu. Việc sử dụng phần mềm có đối sánh cho cả 15 môn thi. Tuy nhiên, hiệu quả biện pháp này còn phụ thuộc dữ liệu hiện có.
Mặt khác, GS. Nguyễn Ngọc Hà cho rằng, đề thi Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT có phần “Đọc hiểu” và phần “Làm văn". Với phần “Đọc hiểu" có thể sử dụng ngữ liệu không nằm trong chương trình. Trong các đề thi, với phần “Đọc hiểu", tổ ra đề luôn hướng vấn đề có nội dung liên quan tính thời sự, có tính giáo dục trong đó. Đề thi vẫn đang ra theo chương trình hiện hành (Chương trình 2006 - PV) nên vẫn cần áp dụng những tác phẩm cụ thể. Hai năm nữa, cùng với việc áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ có những nội dung mang tính sáng tạo nhiều hơn.
Năm ngoái, điểm trung bình môn Ngữ văn của cả nước là 6,51. Mức nhiều thí sinh đạt nhất là 7. Có 11,6% thí sinh đạt điểm dưới trung bình, ngược lại có 5 bài thi đạt điểm tuyệt đối.
Thí sinh tra cứu điểm thi tại đây: