Viết thư tình nguyện đi B bằng máu
Dù đã ngoài tuổi 80, nhà giáo Hà Ngọc Đào (bí danh Kim Sơn, sinh năm 1941, trú thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk), Chủ tịch Hội Cựu giáo chức tỉnh, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh (năm 1993-2002), vẫn nhớ như in tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ tình nguyện hướng về chiến trường miền Nam ruột thịt.
Nhà giáo Hà Ngọc Đào cho biết, năm 1963, ông bắt đầu công tác trong ngành Giáo dục tỉnh Thanh Hóa. Đến năm 1965, khi đó, chính sách của Đảng, Nhà nước chưa cho gia đình có con một ở ngoài Bắc được đi B. Vì quá muốn tham gia vào chiến trường, ông đã nhờ bố viết thư đồng ý cho đi. Ông đã tự viết hai bức thư bằng máu gửi Bộ Quốc phòng và Bộ Giáo dục để xin đi B.
“Tôi quyết tâm nhịn ăn một tuần để thử sức mình nếu lỡ lạc đơn vị, trốn trong rừng thiếu lương thực có chịu nổi hay không. Tôi nhịn một tuần chỉ uống nước và lên lớp, đi trực chiến bình thường. Tôi đã vượt qua được. Sau khi có bức thư của bố và hai bức thư bằng máu, Bộ Quốc phòng và Bộ Giáo dục thấy được quyết tâm, không gì có thể ngăn cản nên đã đồng ý cho tôi đi. Cuối năm 1965, tôi được đi B”, nhà giáo Hà Ngọc Đào chia sẻ.
Tháng 12/1965, đoàn bắt đầu khởi hành từ Hà Nội, đến được điểm tập kết tại khu căn cứ H9 (huyện Krông Bông, Đắk Lắk) mất gần 4 tháng ròng rã. Các cán bộ, giáo viên phải đi bộ, băng rừng, đối mặt với những trận lửa đạn, bom rơi của địch. Lúc đó, có 5 đoàn cán bộ, giáo viên chi viện cho Đắk Lắk. Đoàn của nhà giáo Hà Ngọc Đào là đoàn thứ hai, gồm 9 thầy, cô giáo. Trong quá trình lên đường chi viện, một cán bộ đã hy sinh.
Từ tháng 4/1966 tới ngày giải phóng, suốt 10 năm, các cán bộ, giáo viên không chỉ thực hiện nhiệm vụ giáo dục, mà phải tự túc sản xuất lương thực, tham gia chiến đấu bảo vệ cơ quan, bản thân và đồng bào. Nhà giáo Hà Ngọc Đào cho biết, thời điểm đó, ông được phân công thực hiện ba nhiệm vụ là: Xây dựng phong trào giáo dục tại địa phương (gồm xóa mù chữ, tự biên soạn tiếng Ê đê, dạy cho đồng bào, cán bộ bằng tiếng Kinh, Ê Đê); tham gia bồi dưỡng tại trường Trung cấp Sư phạm; bổ túc văn hóa cho cán bộ.
“Ngoài ra, tỉnh giao nhiệm vụ cho tôi và đồng chí Nguyễn Trúc (nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh) làm công tác giáo dục tại vùng địch còn kháng chiến. Cụ thể là xây dựng cơ sở cách mạng tại thị xã Buôn Ma Thuột (nay là thành phố Buôn Ma Thuột). Đến khi giải phóng, chúng tôi có sẵn đội ngũ nòng cốt. Tỉnh ủy đã nhìn xa, trông rộng, chuẩn bị chu đáo, vừa lo căn cứ vừa đào tạo cán bộ, chuẩn bị lực lượng tiếp quản để xây dựng nền giáo dục cách mạng Đắk Lắk sau giải phóng”, nhà giáo Hà Ngọc Đào tâm sự.
Ông Hà Ngọc Đào mong muốn, các thế hệ sau cần tập trung học tập, ứng dụng khoa học kỹ thuật, góp phần chung tay xây dựng đất nước như lời Bác dạy.
Vỡ òa cảm xúc
Lên đường vào Nam, theo quy định, các cán bộ đi B phải gửi lại toàn bộ tư trang, hành lý, đồ dùng, vật dụng, giấy tờ và cả tài sản cá nhân cho Ủy ban Thống nhất Chính phủ. Chiến tranh đã lùi xa, hiện nay, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III đang quản lý khoảng 72.000 hồ sơ; trong đó, 55.722 hồ sơ đã xác định của cán bộ đi B từ 89 địa phương trong cả nước.
Nhân kỷ niệm 41 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2023), lần đầu tiên, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk, Hội Cựu giáo chức tỉnh phối hợp với Trung tâm lưu trữ Quốc gia III tổ chức trao lại hồ sơ, kỷ vật cho cán bộ, nhà giáo đi B. Dịp này, đã có 17 cán bộ, nhà giáo đi B và thân nhân được bàn giao hồ sơ.
Cán bộ, nhà giáo đi B Nguyễn Hữu Chỉnh cho biết, ông rất xúc động khi nhận lại được bộ hồ sơ bao gồm: Sơ yếu lý lịch, giấy chuyển sinh hoạt Đảng, nhận xét quá trình công tác ở cơ quan cũ trước khi đi B… Ông rất bất ngờ sau nhiều năm, những kỷ vật tưởng như không bao giờ gặp lại vẫn được lưu giữ chi tiết, đầy đủ.
Theo ông Hồ Trường, con trai của cán bộ, nhà giáo đi B Hồ Thược (đã mất), được nhận lại kỷ vật, gia đình vô cùng xúc động; qua đó thể hiện sự quan tâm của ngành Giáo dục đối với những cán bộ và thân nhân những người đi B.
Nhà giáo Hà Ngọc Đào, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức tỉnh cho biết, Hội đã phối hợp với Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III và Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh tổ chức trao lại những kỷ vật cho các cán bộ, nhà giáo đi B. Trong hồ sơ có những bức thư viết bằng máu, thư của bố gửi cho con, thư của vợ ở nhà nuôi 2 con nhỏ để chồng xung phong đi làm nhiệm vụ phía Nam… Đây đều là những kỷ vật thiêng liêng.
Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III Trần Việt Hoa cho biết, những kỷ vật được gìn giữ qua rất nhiều năm. Sau khi đất nước thống nhất, Trung tâm đã tiến hành trao trả cho các cán bộ, nhà giáo. Trước đây, hồ sơ được quản lý theo quê quán các nhà giáo đi B. Do điều kiện công tác, các cán bộ, nhà giáo xung phong vào chiến trường Đắk Lắk và ở lại tiếp tục công tác. Lần này tại Đắk Lắk, đơn vị vui mừng khi được gặp gỡ và trực tiếp trao trả các kỷ vật cho các cá nhân đi B. Trong khối hồ sơ bao gồm toàn bộ hồ sơ cá nhân, giấy tờ, chứng minh thư, nhật ký, thư tình nguyện, thư tình nguyện bằng máu…
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk Phạm Đăng Khoa bày tỏ, những tấm gương anh dũng hy sinh cũng như sức chịu đựng, kiên trung của các nhà giáo lão thành cách mạng là tấm gương sáng, bồi đắp truyền thống vẻ vang của ngành Giáo dục tỉnh Đắk Lắk. Các thầy, cô đã truyền cảm hứng và tạo động lực cho thế hệ nhà giáo hiện nay về tinh thần cách mạng, vượt lên mọi khó khăn, gian khổ để làm tròn sứ mệnh trồng người mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã tin tưởng giao phó.
Đó là những kỷ vật vô giá của mỗi cán bộ, giáo viên trong những năm tháng hào hùng, chung sức chiến đấu, chia lửa cùng đồng bào miền Nam ruột thịt. Những câu chuyện, kỷ niệm của họ từ miền Bắc vượt Trường Sơn vào Nam đáng trân trọng và là niềm tự hào cho ngành Giáo dục địa phương. Các thế hệ giáo viên thời ấy đã góp phần viết nên bản anh hùng ca cho sự nghiệp giáo dục cách mạng tỉnh Đắk Lắk.