Thủ khoa hiến kế xây dựng nông thôn mới

Nhiều ý tưởng, giải pháp góp ý cho quá trình xây dựng nông thôn mới đã được các thủ khoa trình bày tại buổi Tọa đàm “Thủ khoa với xây dựng nông thôn mới”.diễn ra tại Đại học Thủy lợi (Hà Nội) sáng nay 25/8.


Đây là một hoạt động trong chuỗi sự kiện gặp gỡ 275 thủ khoa và tuyên dương 107 thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc các trường đại học, học viện trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2012.


Thủ khoa hăng hái chia sẻ và trao đổi những hiểu biết và sáng kiến về xây dựng nông thôn mới.


Trước khi diễn ra buổi tọa đàm, này 19/8, đoàn thủ khoa đã có 2 ngày về thực tế tại xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ- một xã điểm xây dựng nông thôn mới của Hà Nội. Bằng những tri thức hiểu biết và trải nghiệm sau chuyến đi thực tế, trong buổi tọa đàm, các thủ khoa đã chia sẻ và trao đổi nhiều nội dung tâm đắc xung quanh 5 chủ đề về xây dựng nông thôn mới đang đặt ra rất bức bách hiện nay. Đó là: Đề xuất về ứng dụng và chuyển giao khoa học- kỹ thuật nông nghiệp; Phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường; Phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn Hà Nội; Xây dựng hệ thống chính trị cơ sở đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới; quy hoạch và quản lý quy hoạch.


Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội Hoàng Thanh Vân, đã ghi nhận: “Điều hết sức bất ngờ và thú vị đối với chúng tôi là những giải pháp và đề xuất của các bạn có những giải pháp hết sức táo bạo. Thậm chí có tính khả thi tốt, là những điều chúng tôi chưa nghĩ đến”.


Tổ 2, với chủ đề “Dân trí và phát huy văn hóa truyền thống trong xây dựng nông thôn mới", các thủ khoa đã đề xuất việc xây dựng sổ tay tuyên truyền tới người dân về quá trình xây dựng nông thôn mới; xây dựng chương trình truyền thanh, tọa đàm tại cộng đồng mang tính chuyên đề; đặc biệt là xây dựng bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo hộ gia đình để đánh giá. Tâm đắc với ý tưởng này, đồng chí Hoàng Thanh Vân cho biết sẽ tiếp tục suy nghĩ để báo cáo cấp Trung ương.


Với chủ đề phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường làng nghề Hà Nội, các thủ khoa tổ 3 cũng đóng góp được nhiều giải pháp được đánh giá là khả thi. Đó là: làm tốt công tác truyền thông thương hiệu cho người dân làng nghề, đa dạng hóa hình thức du lịch làng nghề, đặc biệt là quan tâm đến vấn đề truyền thông bảo vệ môi trường làng nghề như một biện pháp thu hút vốn đầu tư của nước ngoài vào Hà Nội…


Nhóm thủ khoa của tổ 4 đã bàn thêm về tiêu chí 18 là Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới xây dựng hệ thống tổ chức chính trị cơ sở đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới.


Theo nhóm này, xây dựng nông thôn mới là để xây dựng một bộ mặt mới của nông thôn, nông dân và nông nghiệp Việt Nam. Đây là một vấn đề mà Đảng đang rất chú trọng để phát huy thế mạnh tuyệt đối so sánh của đất nước.


Trong tương lai, xây dựng hệ thống chính trị phải đặt trên cơ sở, nền tảng xuất phát từ nhân dân, chú trọng đến đối tượng được hưởng chứ không phải thực hiện theo kiểu “cho xong” để đạt được những tiêu chí đề ra. Cần hướng đến sự phản biện của nhân dân. Lấy nông dân sẽ là trung tâm của quá trình xây dựng hệ thống chính trị cơ sở.


Bà Hoàng Thanh Vân cho rằng các thủ khoa nhận thức rất sâu sắc về xây dựng nông thôn mới. "Điều đó còn chứng tỏ các bạn rất yêu nông dân, rất trăn trở với ngành nông nghiệp của đất nước và muốn đóng góp sức lực, trí tuệ của mình đối với sự phát triển chung của kinh tế đất nước", bà nói.



Tin, ảnh: Mạnh Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN