Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho biết, đây là lần đầu tiên tỉnh tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 dành cho nhà giáo thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Biểu dương và chúc mừng 119 cán bộ quản lý, nhà giáo, người lao động; học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp xuất sắc, tiêu biểu được tuyên dương, ông Lê Văn Phước trân trọng cảm ơn tinh thần trách nhiệm của các thầy, cô giáo và sự nỗ lực của các học sinh, sinh viên với những kết quả tích cực, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục nghề nghiệp của tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho rằng, nhiệm vụ giáo dục nghề nghiệp của tỉnh trong thời gian tới rất nặng nề, cần phải có sự tham gia, vào cuộc tích cực hơn nữa của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp, người dân nhằm đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực có chất lượng tay nghề cao. Các cấp, ngành, địa phương, nhất là ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục quán triệt sâu sắc, toàn diện các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời, tăng cường hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông, thực hiện tốt việc phân luồng, tăng tỷ lệ học sinh sau Trung học Cơ sở vào giáo dục nghề nghiệp; thực hiện vừa đào tạo nghề, vừa dạy văn hóa tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, để học sinh tốt nghiệp vừa có bằng Trung học Phổ thông, vừa có bằng nghề bảo đảm chất lượng, có điều kiện tham gia thị trường lao động và cơ hội tiếp tục học tập, nâng cao trình độ.
Các đơn vị cần tập trung đổi mới nội dung, chương trình, phương thức đào tạo; nâng cấp và chuẩn hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện đào tạo; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, người dạy nghề, chuyên gia cho các ngành, nghề trọng điểm; tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả liên kết, hợp tác về giáo dục nghề nghiệp giữa “Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp”.
Các cấp, ngành, địa phương tăng cường nguồn lực, ưu tiên ngân sách Nhà nước cho giáo dục nghề nghiệp, nhất là đào tạo nhân lực chất lượng cao, các ngành, nghề trọng điểm, mũi nhọn của tỉnh, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa, hợp tác công - tư nhằm huy động và sử dụng hiệu quả nhiều nguồn lực cho phát triển giáo dục nghề nghiệp...
Theo ông Phạm Sơn, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh An Giang, hệ thống giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển cả về quy mô và chất lượng, từng bước đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Trong giai đoạn 2011 - 2022, tỉnh thực hiện 4 lần sắp xếp mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập. Đến nay, toàn tỉnh có 26 cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Cùng với đó, nhận thức của xã hội, người dân, doanh nghiệp về giáo dục nghề nghiệp đã có những chuyển biến tích cực. Đào tạo nghề từng bước chuyển từ hướng “cung” sang hướng “cầu”, gắn với dự báo nguồn nhân lực, việc làm, yêu cầu của doanh nghiệp. Đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý phát triển về số lượng, chất lượng; cơ sở vật chất, thiết bị của các cơ sở dạy nghề được tăng cường, góp phần tích cực phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
* Ngày 16/11, tại buổi họp mặt kỷ niệm 41 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2023) và 20 năm thành lập Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang, ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, bên cạnh việc duy trì chất lượng, ngành Giáo dục và Đào tạo cần tiếp tục rà soát lại và đánh giá tính hiệu quả của việc sáp nhập một số cơ sở trong thời gian qua; đồng thời, đề xuất quy hoạch lại các cơ sở giáo dục, tăng cường thu hút đầu tư xây dựng hệ thống trường ngoài công lập nhằm giảm đầu tư công và áp lực biên chế cho ngành.
Ngành sớm triển khai Đề án số 07-ĐA/TU về “Xây dựng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Ngành tập trung bồi dưỡng đội ngũ trẻ có tiềm năng về phương pháp quản lý giáo dục hiện đại ở các nước tiên tiến; thông tin rộng rãi chính sách thu hút trong tuyển dụng đội ngũ giáo viên về phục vụ cho giáo dục của tỉnh. Ngành tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học, thực hiện chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa; thực hiện tốt nguyên lý giáo dục “học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn liền với xã hội”.
“Ngành Giáo dục Hậu Giang, nhất là đội ngũ thầy cô giáo phải là những người tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số của tỉnh, nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình giảng dạy, học tập, quản lý; tìm tòi nhân rộng sáng kiến, mô hình đổi mới, tích hợp đồ dùng dạy học của những giáo viên, học sinh đã đoạt giải tại các hội thi sáng tạo kỹ thuật, góp phần đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số quốc gia và nâng cao hiệu quả quản lý và dạy học trên địa bàn tỉnh” - ông Đồng Văn Thanh nhấn mạnh.
Qua 20 năm thành lập, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang có quy mô, mạng lưới trường, lớp học được sắp xếp tinh gọn, hợp lý, hiệu quả; cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại. Toàn tỉnh có 315 cơ sở giáo dục, trên 5.000 lớp, trên 153.000 học sinh; 83,17% trường đạt chuẩn Quốc gia (tăng 80% so với năm 2004). Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Toàn ngành hiện có khoảng 9.780 người, trên 94% cán bộ quản lý, giáo viên có trình độ đạt chuẩn trở lên; trong đó, trên 18% trên chuẩn.
Năm 2016, Hậu Giang được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn Quốc gia về phổ cập giáo dục Mầm non trẻ 5 tuổi; là tỉnh đầu tiên của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và là tỉnh thứ 16 trong cả nước đạt chuẩn phổ cập giáo dục Tiểu học mức độ 3; là địa phương thứ 23 trong cả nước đạt chuẩn phổ cập giáo dục Trung học Cơ sở mức độ 2…