Cần chỉnh sửa
Ngày 25/2, trao đổi với phóng viên báo Tin tức, PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hóa phương Đông cho biết: “Việc không dạy âm 'P' trong Sách Tiếng Việt 1 của bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống” (NXB Giáo dục Việt Nam) là chủ trương không đúng và lạc hậu với tình hình.
Phân tích nguyên nhân, PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt cho biết: “Trong các kết quả nghiên cứu về ngữ âm học tiếng Việt từ cuối thế kỷ trước, âm “P” được coi là âm mượn từ tiếng nước ngoài, không có trong tiếng Việt. Về bản chất, đây là phụ âm đầu. Trong cấu tạo âm tiết tiếng Việt, âm P còn là phụ âm cuối và có mặt trong nhiều từ (khiếp đảm, khiếp vía, tiếp theo, tiếp tục, thiêm thiếp…). Do đó, dạy tiếng Việt cho các em không thể dạy âm P. Trên phương diện từ vựng, các từ có âm P mở đầu tồn tại không nhiều.
Tuy nhiên, hiện nay, do quá trình hội nhập khu vực và thế giới, số lượng các từ có âm P từ nước ngoài vào Việt Nam ngày càng nhiều. Sau khi đọc giải thích của Chủ biên lý giải về việc dạy chữ "P” trong Sách Tiếng Việt 1 của bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống”, PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt cho rằng, chủ biên chưa hướng đúng vào trọng tâm của dư luận. Cụ thể, dạy âm P khi đứng trước các nguyên âm. Rõ ràng, chỉ giới thiệu các từ có âm P là chưa đủ, mà phải dạy cách nhận biết âm P là một phụ âm đầu.
Thực tế, trong danh mục tên người và địa danh của các dân tộc thiểu số Việt Nam, âm P là âm không hiếm gặp. Đơn cử, như: Giàng A Páo, Sa Pa, Pắc Bó… trong đó có cả các địa danh có tính lịch sử. Như vậy, quan niệm cho rằng, chưa dạy chữ P vì ít từ tiếng Việt có chữ P đứng trước các nguyên âm là quan niệm thiếu tính khoa học, xa rời thực tiễn phát triển ngôn ngữ.
PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt khẳng định, quan niệm âm P là âm mượn từ nước ngoài cần được xem xét lại. Đây là phụ âm được sử dụng hàng ngày trong ngôn ngữ các dân tộc và tham gia vào hệ thống ngữ âm tiếng Việt như một yếu tố không thể thiếu của hệ thống. Âm P cần phải được dạy bình đẳng với các âm khác khi dạy tiếng Việt cho học sinh, thâm chí cần dành nhiều thời lượng để dạy. Vì vậy, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cần có tinh thần tiếp thu và điều chỉnh.
Tất cả đều dạy theo cách quen thuộc trong nhiều năm qua
Tuy nhiên, trước những phản biện này và đặt vấn đề với PGS.TS Bùi Mạnh Hùng, Tổng chủ biên kiêm Chủ biên sách giáo khoa tiếng Việt 1 bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống" khẳng định: "Phần trả lời của mình với báo chí ngày 24/2 đã đầy đủ và không muốn lý giải thêm nữa".
Dẫn chứng lại, PGS.TS Bùi Mạnh Hùng cho biết: “Vấn đề là dạy âm P (pờ) (được ghi bằng chữ P, chữ pê) như thế nào?. Trong tiếng Việt, âm P xuất hiện chủ yếu là cuối âm tiết. Trong một số trường hợp, xuất hiện đầu âm tiết. Trước hết, xin nói về việc dạy âm P cuối âm tiết (hiện tượng phổ biến). Qua loạt bài dạy vần ở tập một như ap, ăp, âp (trang 118); op, ôp, ơp (trang 120); ep, êp, ip, up (trang 124)… và những từ như đã nêu ở trên (cặp da, cá mập, lốp xe, tia chớp, bếp, bìm bịp, búp sen…) thì có thể thấy rõ, sách giáo khoa Tiếng Việt 1, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống có dạy âm P cuối và dạy nhiều. Còn về việc dạy âm đầu P, tất cả các bộ sách Tiếng Việt 1 đều phải đạt được mục tiêu: Học xong lớp 1, học sinh có khả năng đọc được các từ như đèn pin, Sa Pa, Nậm Pì… Tuy nhiên, các bộ sách có thể có những cách khác nhau.
"Âm P và PH đều được học ở khoảng tuần 5 hoặc tuần 6 của lớp 1. Nếu dạy âm P riêng, cần phải có “từ ứng dụng” để học sinh tập đọc và phát triển vốn từ. Những từ này chỉ chứa các âm tiết mở (bộ phận vần chỉ có 1 nguyên âm), nghĩa là buộc phải dùng những từ như pi-a-nô/piano, pa-nô/panô…; không thể dùng các từ như Sa Pa, Nậm Pì… vì 2 lí do: Chưa được học âm S (trong Sa Pa) và vần M (trong Nậm Pì); tên riêng không được dùng ở phần dạy phát triển vốn từ. Chắc hẳn nhiều người sẽ e ngại vì học sinh lớp 1, mới đến trường mấy tuần, mà phải đọc, viết và hiểu nghĩa của những từ không quen thuộc”, PGS. TS Bùi Mạnh Hùng cho biết.
Bên cạnh đó, sách Tiếng Việt 1, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống có dạy chữ P (chữ pê), âm đầu và âm cuối P (pờ) (ghi bằng chữ P). Tất cả đều dạy theo cách quen thuộc với giáo viên dạy Tiếng Việt lớp 1 trên cả nước trong nhiều năm qua. Trong khi, âm cuối P được mặc nhiên thừa nhận dựa trên hàng loạt cứ liệu thực tế như các từ đã được nêu trên, nhiều nhà Ngữ âm học hàng đầu Việt Nam cho rằng tiếng Việt không có âm đầu P (xem Đoàn Thiện Thuật, Ngữ âm học tiếng Việt, Đại học Quốc gia Hà Nội, 1999, trang 157 – 158...).
Như báo Tin tức đã phản ánh, ngày 24/2, ông Đào Quốc Vịnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tô Hiến Thành (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã có thư ngỏ gửi tới Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu, trong sách giáo khoa Tiếng Việt 1, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, sách có dạy chữ P khi nó kết hợp với H tạo thành PH đọc là "phờ", nhưng chưa dạy chữ "P" khi đứng trước các nguyên âm vì ít từ tiếng Việt có chữ P đứng trước các nguyên âm, nếu có thì là từ ngoại lai. Ngay sau đó PGS. TS Bùi Mạnh Hùng, Chủ biên sách đã có phần trả lời với báo chí.