Phát biểu tại buổi lễ tổng kết và trao giải, ông Triệu Ngọc Lâm, Tổng biên tập Báo Giáo dục và Thời đại cho biết, cuộc thi “Tìm hiểu về lịch sử truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam” được tổ chức nhằm đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về lịch sử dân tộc, truyền thống dựng nước và giữ nước, đoàn kết dân tộc, bồi đắp tinh thần yêu quê hương, các tấm gương tiêu biểu trong việc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay tới giáo viên, sinh viên, học sinh cả nước.
Sau hơn hai tháng triển khai, cuộc thi đã có sức hút nhất định đối với người dân trên khắp cả nước; không chỉ các em học sinh, sinh viên, giáo viên, ngay cả những bậc phụ huynh, những người cao tuổi cũng hết sức nhiệt tình tham gia. Ban tổ chức cuộc thi đã nhận được gần 22.000 tác phẩm. Với 178 tác phẩm vào vòng sơ khảo, 21 tác phẩm vào vòng chung khảo.
Ban tổ chức đã quyết định công nhận trao giải cho 16 tác phẩm , trong đó có 2 giải tập thể, 12 giải cá nhân, 2 giải thưởng phụ. Ở một số địa phương, cơ sở giáo dục đã tổ chức chấm và chọn những tác phẩm chất lượng để gửi về Ban tổ chức cuộc thi.
Nhiều Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tham gia với đông đủ bài thi của giáo viên và học sinh trong toàn ngành. Tiêu biểu là các Sở GD&ĐT: Bắc Kạn, Hòa Bình, Bắc Giang, Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Phú Thọ, Nghệ An, Hậu Giang, Cần Thơ…
Tác giả Nguyễn Thị Thiên Sinh, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Bắc Kạn, đạt giải Nhất cuộc thi với tác phẩm "Hành quân theo bước chân những người anh hùng" mong rằng, qua cuộc thi lan tỏa tình yêu lịch sử tới đông đảo các thế hệ học trò; đồng thời, khơi dậy tình yêu lịch sử yêu quê hương đất nước tự hào về truyền thống anh dũng của cha ông.
Giải Nhất với tác phẩm: Hành quân theo bước chân những người anh hùng Tác giả Nguyễn Thị Thiên Sinh, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Bắc Kạn.
Hai giải Nhì với các tác phẩm: Giáo dục truyền thống yêu nước của học sinh THCS Tác giả Nguyễn Thị Chuyền, Giáo viên Trường THCS thị trấn Nhã Nam, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang; Kiên cường nước Việt Tác giả Hoàng Bảo Châu, học sinh lớp 8A1, trường THCS Phan Đình Giót, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội.
Ba giải Ba với các tác phẩm: Đôi lời cảm nhận về Truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam Tác giả: Nguyễn Ngọc Thu, Thị trấn Trảng Bom, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai; Lá cờ độc lập – Hồn thiêng sông núi Tác giả Nguyễn Thị Thùy Linh, Trường THCS Lương Khánh Thiện, quận Kiến An, TP Hải Phòng; Viết một bức thư gửi cho một người bạn nước ngoài kể về lịch sử dân tộc, các truyền thống văn hóa của quê hương Việt Nam, những tấm gương sáng và trách nhiệm của thế hệ trẻ từ đó mong muốn gắn bó tình hữu nghị giữa hai nước Tác giả Võ Anh Tuấn, sinh viên Học viện An ninh nhân dân.
Các giải Khuyến khích: Thượng tá, Bác sỹ Lê Thị Mỹ Phượng – Người phụ nữ tận tụy trong hai màu áo. Nhóm tác giả: Nguyễn Thị Hà, Trường THCS Đình Chu, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc; Nguyễn Văn Tam, Học viện Cảnh sát nhân dân; Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước! Tác giả: Nguyễn Thị Huệ, giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn (tỉnh Hậu Giang); Thế hệ gen z với trách nhiệm bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng trên không gian mạng hiện nay. Tác giả Huỳnh Tấn Tài, Giáo viên Trường THCS và THPT Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ; Người giáo viên gieo hạt tình yêu với văn hóa dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình. Tác giả Phạm Thị Huyền Trang, Giáo viên Trường THPT Tân Lạc, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình; Tôn giáo Việt Nam – Đồng hành cùng sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tác giả Nguyễn Minh Tân, Trường THCS Cao An, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương; Người chiến sỹ với tấm lòng sống để yêu thương, cho đi không giới hạn. Tác giả Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Trường Mầm non Trung Hưng, Thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội.
Ban tổ chức trao giải 2 giải phụ: Tác giả Nguyễn Ngọc Thu, Thị trấn Trảng Bom, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai đạt giải Thí sinh cao tuổi nhất. Tác giả Pham Thùy Lâm, học sinh lớp 6A1 Trường THCS Hoàng Hoa Thám, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang đạt giải Thí sinh nhỏ tuổi nhất.
Giải Tập thể cho Sở GD&ĐT Hà Nội và Sở GD&ĐT Hải Dương.