Trượt, có tâm thư lại... đỗ
Chiều ngày 21/9, Thiếu tướng Đỗ Ngọc Cẩn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị Công an nhân dân (CAND) cho biết, Bộ Công an đã đồng ý cho em Nguyễn Đức Ngà ở Nam Đàn (Nghệ An) đạt 29 điểm trong kỳ thi THPT quốc gia trúng tuyển vào Học viện Cảnh sát nhân dân. Đây là trường hợp thí sinh thứ hai được Bộ Công an “chiếu cố tiêu chuẩn về chính trị” để đủ điều kiện trúng tuyển.
Giấy báo trúng tuyển Học viện Cảnh sát Nhân dân của thí sinh Nguyễn Đức Ngà. |
Trước đó, sau khi nhận thông tin từ báo chí phản ánh trường hợp thí sinh Nguyễn Đức Ngà ở Nghệ An, bị dừng nhập học vào Học viện Cảnh sát nhân dân vì bố có tiền án về tội “Cố ý gây thương tích” (án treo), dù là ngày nghỉ (chủ nhật) nhưng đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang đã chỉ đạo Tổng cục Chính trị Công an nhân dân sớm xác minh làm rõ trường hợp thí sinh này. Thực hiện sự chỉ đạo của đồng chí Bộ trưởng, sáng ngày 21/9, Công an tỉnh Nghệ An đã có báo cáo cụ thể về trường hợp em Nguyễn Đức Ngà. Theo đó, Tổng cục Chính trị CAND căn cứ vào quy định cụ thể của lực lượng CAND và Thông tư 53 ngày 15/8/2012 quy định tiêu chuẩn về chính trị của cán bộ, chiến sĩ CAND, thí sinh Nguyễn Đức Ngà đã vi phạm điểm a, khoản 2, điều 6 thuộc những trường hợp không tuyển vào lực lượng CAND. Tuy nhiên, qua xem xét, thí sinh Nguyễn Đức Ngà có quá trình học tập phấn đấu tốt, đạt nhiều giải cao trong các cuộc thi học sinh giỏi, được nhiều giấy khen và bản thân em Ngà đã được kết nạp Đảng trong tháng 6/2015. Cha đẻ của em Ngà phạm tội ít nghiêm trọng (án treo) và việc xảy ra đã lâu (22 năm), khi đó cha em Ngà chưa lập gia đình và đã được xóa án tích.
Trước đó, với sự việc tương tự, Bộ Công an cũng đã đồng ý cho thí sinh Bùi Kiều Nhi (xã Đức Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Bình) vào học Học viện Chính trị Công an nhân dân sau khi thí sinh này có 6 bức thư gửi hai bộ trưởng. Trên thực tế, thí sinh này cũng vi phạm điểm a, khoản 2, điều 6, thuộc những trường hợp không tuyển vào lực lượng công an nhân dân.
Hay trường hợp của thí sinh Trần Văn Sâm đạt điểm cao nhất trong 91 thí sinh được Sở Y tế Bình Thuận cử đi thi và không được nhận vào ĐH Y Dược Cần Thơ. Nam sinh cầm biển "kêu cứu" và Bộ trưởng GD - ĐT lên tiếng. Bộ trưởng GD - ĐT Phạm Vũ Luận đã chỉ đạo liên lạc qua điện thoại với Đại học Y dược Cần Thơ để giải quyết vụ việc. Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, sai sót thuộc về phía Sở Y tế Bình Thuận, không phải lỗi của thí sinh, vì vậy Đại học Y dược Cần Thơ cần linh động tạo điều kiện tiếp nhận thí sinh, vì kết quả thi của em rất tốt. Trường đã chấp thuận đề nghị này của Bộ trưởng GD - ĐT.
Trên thực tế, những thí sinh trượt đều có những vi phạm so với quy định của kỳ thi, của việc tuyển sinh của trường. Thế nên khi được xử vớt theo “tình”, điều này đã làm nên sự thiếu công bằng trong thi cử, xét tuyển với các thí sinh khác. Đồng thời tạo sự mất niềm tin vào hệ thống quy định mang tính pháp lý của giáo dục Việt Nam.
Quy định cần chặt chẽ
Trước những sự việc trên, có nhiều luồng ý kiến khác nhau. Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội, thì việc những thí sinh viết tâm thư kêu cứu là quy luật bình thường của xã hội. Khi có tiếng kêu cứu, được sự giúp đỡ của lãnh đạo ngành là việc làm nhân văn. Việc này là hoan nghênh. “Những trường hợp được ngành công an đồng ý cho vào học là hợp lý. Vấn đề là ngành công an đã máy móc trong việc kiểm duyệt thông tin. Nếu ngay từ trước đó, Bộ phận tuyển sinh khi nhận trường hợp này đã xin ý kiến của ngành trước khi thông tin cho thí sinh, thì sẽ không có những rắc rối như hiện nay. Tuy nhiên, cũng cần nhấn mạnh rằng, cần phải chặt chẽ trong những nguyên tắc, quy định. Các cấp khi đề ra quy định cần thận trong và có ngoại lệ. Đừng để chính bản thân các em đến bước đường cùng rồi mới kêu cứu” - TS Lâm phân tích.
Tuy nhiên, theo TS Vũ Thu Hương, Giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội, thì hiện tượng này cần phải được nhìn nhận lại. “Đã ra luật thì người dân phải có trách nhiệm chấp hành. Hiện tượng này sẽ khiến cho các em nghĩ có “ngoại lệ”, vì thế những thí sinh này sẽ chạy theo “ngoại lệ” bằng mọi giá. Tôi lấy đơn cử như vi phạm luật giao thông, dù không gây tổn thương tới ai, nhưng một lần “xin” thì đến những lần khác nảy sinh cơ chế “xin” mãi. Chấp nhận hoàn cảnh là việc xảy ra ở mọi nơi, ở những nước phát triển, nếu có xảy ra thì họ đều chiếu theo luật định. Luật pháp phải nghiêm minh, không có trường hợp ngoại lệ, như vậy mới có giá trị răn đe”, TS Hương khẳng định.
TS Vũ Thu Hương cũng chỉ ra rằng, những thí sinh này nếu không học trường như mong muốn thì với số điểm của các em cũng có thể học những ngành học khác; không nên có hành động gây sức ép cho các bộ, ban ngành để vì “thương” mà giải quyết. Như vậy là sai quy định. “Sự việc sẽ không chỉ dừng lại ở một vài trường hợp, nếu nhiều em lên tiếng, thì ngành giáo dục sẽ giải quyết ra sao? Có những thí sinh còn điểm cao hơn những em kêu cứu nhưng chấp nhận học trung cấp, các em ấy vẫn thiệt thòi chứ, nếu chiếu theo hình thức “vớt” như hiện nay”, TS Vũ Thu Hương nhấn mạnh.