Ngày 13/5/2019, một đám cháy xảy ra tại nhóm lớp mầm non tư thục Gấu Trúc tại Hà Đông (Hà Nội) - là một ngôi nhà ống diện tích sàn 50m2, 4 tầng. Nơi xảy ra cháy là phòng nhỏ để các thiết bị máy bơm nước sinh hoạt. Trường chỉ có duy nhất 1 thang bộ để lên xuống.
Theo hình ảnh clip, khi sự việc xảy ra, người dân phải bắc thang lên tầng 3, phá lồng sắt được hàn chắc chắn vào các ban công để đưa các cháu nhỏ đang hoảng loạn kêu khóc giữa đám khói, di chuyển sang nóc ngôi nhà kế bên. Hình ảnh các cô giáo chuyền từng cháu nhỏ sang mái nhà hàng xóm được các phụ huynh, người dân bình luận "như phim hành động". Đám cháy dù không thiệt hại về người nhưng dấy lên hồi chuông báo động về an toàn cháy nổ trong trường mầm non tư thục.
Tiềm ẩn nguy cơ
Trong vai một phụ huynh tìm trường học cho con, phóng viên báo Tin tức đã đến trường mầm non B.N (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Lấy lý do "khảo sát cơ sở vật chất của trường", phóng viên được tham quan toàn bộ căn nhà 4 tầng trên diện tích 60m2. Bên hông tòa nhà, có một cầu thang thoát hiểm nhỏ. Tuy nhiên, cầu thang này dốc thẳng đứng, một người lớn di chuyển xuống cũng rất khó khăn.
Trong căn nhà, không khí khá oi nồng và bức bí. Một giáo viên ở đây cho biết: "Hiện tại hệ thống điều hòa của nhà trường đang bị hỏng. Có thể là do quá tải điện". Theo quan sát của phóng viên, ở tầng 2 và tầng 3 của trường là lớp học. Mỗi tầng được chia làm 2 lớp. Nhưng hiện tại giáo viên không dám cho học sinh sang lớp học ở phòng ngoài vì không có điều hòa. "Trường rất muốn lắp thêm điều hòa nhưng thợ không dám lắp vì quá tải", cô giáo cho biết.
Ớ mỗi tầng, các cháu nhỏ đều dồn vào 1 phòng học. Một phòng học khác của trường chưa đầy 20m2 khá bức bí. Mặt bên của trường dù có cửa sổ nhưng không mở rộng được bởi bên ngoài là dây điện, đây cáp chằng chịt. Giáo viên của trường cũng cho rằng mùa hè rất nóng và bụi bặm, cửa ít mở và phải khoan khung "chết" để đảm bảo an toàn, tránh trường hợp trẻ leo trèo.
Trường có 2 bình cứu hỏa, có thang thoát hiểm bên ngoài nhưng bên trong trường vẫn chưa đảm bảo thoáng mát cho các con, chưa kể, chỉ có 2-3 giáo viên phụ trách thường xuyên cộng với 1 quản lý và 1 đầu bếp.
Cách đó không xa, trường mầm non HK (đường Nguyễn Khang, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) được xây dựng 6 tầng trên mặt sàn rộng chừng 70m2 và đã trang bị cầu thang thoát hiểm bên ngoài. Con hẻm mà trường nằm kề luôn trong tình trạng ùn, tắc. Các lớp học ở tầng 2, 3, 4 có sĩ số trung bình 15-20 cháu/lớp.
Quản lý trường cho biết, trường đã đảm bảo các điều kiện về an toàn cho trẻ theo quy định của phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy. Tuy nhiên, với diện tích hẹp, cao tầng, sĩ số lớp đông, chưa kể nằm trong một con hẻm ùn tắc thường xuyên thì việc cứu hỏa là rất khó khăn.
Chỉ với mặt sàn rộng chừng 40-70m2 và xây chồng tầng lên, không ít cơ sở giáo dục mầm non đã được xem xét mở nhóm lớp trên địa bàn Hà Nội. Trong khi đó, theo quy định về phòng cháy chữa cháy, trường mầm non nuôi dạy dưới 50 cháu chỉ được phép xây nhà 1 tầng, kết cấu bê tông cốt thép, bậc chịu lửa của công trình bậc 4, bậc 5 (khoảng 15 phút); nếu quy mô 150 cháu được xây cao 2 tầng; 350 cháu được xây tối đa 3 tầng, kết cầu chịu lửa của công trình là bậc 1, 2, 3 (từ 15-30 phút).
Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy, trên địa bàn quận có 51 trường mầm non, có tới hơn 30 trường mầm non tư thục, chưa kể các nhóm lớp mầm non. Tuy nhiên, những nhóm lớp chưa xin phép đã hoạt động, lại có một số nhóm được cấp phép xong không thu hút được học sinh, tự đóng cửa mà không thông báo. Ví dụ như phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy có 27 nhóm lớp mầm non tư thục. Qua kiểm tra, hầu hết các nhóm lớp đều đi thuê phòng học trong nhà dân, không có sân vườn, nhà vệ sinh thiết kế không phù hợp với trẻ mầm non, cầu thang dốc, lan can thưa, khu vực bếp ăn đặt ở vị trí phòng trên cùng, nguy cơ mất an toàn rất cao đối với trẻ.
Theo ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, các cơ sở trông trẻ tự phát, tuyển sinh khi chưa được cấp phép thì chỉ bị phát hiện khi có sự cố với trẻ xảy ra.
Cần nghiêm từ cấp phép đến xử lý vi phạm
Thiếu tá Lê Minh Hải, Phó Trưởng phòng Công tác phòng cháy chữa cháy, Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Bộ Công An) đánh giá: Về cơ bản các cơ sở trường mầm non đã quan tâm, chủ động thực hiện công tác phòng cháy chữa cháy. Tuy nhiên, tại cơ sở tư nhân được chuyển đổi từ nhà ở hộ gia đình làm trường mầm non thì còn một số tồn tại, bất cập về phòng cháy chữa cháy, thoát nạn. Bên cạnh đó, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn quy định về phòng cháy chữa cháy đối với nhà trẻ, trường mẫu giáo còn chưa cụ thể, việc triển khai thực hiện còn khó khăn, hạn chế, đặc biệt là nhà trẻ được xây dựng trong khu dân cư hoặc chuyển đổi từ nhà ở hộ gia đình.
Thực tế, chương trình phòng cháy chữa cháy trong trường học đã tới được các địa phương. UBND phường là nơi trực tiếp quản lý những nhóm lớp, trường mầm non tư thục trên địa bàn. Những chương trình tập huấn cho chính giáo viên, các đợt kiểm tra đã có nhưng nguy cơ mất an toàn tại các cơ sở mầm non tư thục vẫn tồn tại.
Thiếu tá Lê Minh Hải dẫn chứng: Nhà trẻ tập trung chủ yếu là trẻ nhỏ chưa hình thành đủ về kỹ năng, ý thức và cán bộ giáo viên còn thiếu kiến thức, kỹ năng về phòng cháy chữa cháy nên nếu xảy ra cháy nổ thì khó khăn trong việc thoát nạn, cứu nạn. Mặt khác, ý thức của một số cá nhân chưa cao, dẫn đến vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy (như tùy tiện câu mắc điện, tồn chứa chất cháy, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, không đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy.) là nguy cơ dẫn đến cháy, nổ.
Theo khảo sát của Cục Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ: Với tình trạng đường giao thông tiếp cận đến các cơ sở giáo dục mầm non còn chật hẹp, nhất là các ngõ nhỏ và nguồn nước dự trữ chữa cháy hạn chế thì việc triển khai các hoạt động phòng cháy chữa cháy rất khó khăn. Nhà được xây dựng liền kề với nhau, chưa đáp ứng yêu cần ngăn cháy lan. Các căn nhà được trưng dụng để làm trường thường có 1 lối thoát nạn là cửa chính ra vào và cầu thang loại hở. Mặt khác, diện tích xây dựng nhỏ nên hạn chế trong việc bố trí phòng học, phòng nghỉ, nhà bếp và tồn chứa nhiều hàng hóa, vật dụng, chất dễ cháy. Dẫn đến hạn chế trong việc thoát nạn và có nguy cơ xảy ra cháy, nổ.
Thiếu tá Lê Minh Hải cho biết: "Các chủ trường mầm non cần chủ động nghiên cứu, nắm vững các quy định của pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy, kiến thức, kỹ năng về phòng cháy chữa cháy và đầu tư kinh phí để trang bị các giải pháp về phòng cháy chữa cháy đảm bảo theo quy định và an toàn ngay trong giai đoạn đầu tư xây dựng, quản lý hoạt động của trường mầm non. Bên cạnh đó, các trường cần thường xuyên tổ chức kiểm tra, hướng dẫn kiến thức, kỹ năng và thực tập các tình huống phòng cháy chữa cháy, thoát nạn cho cán bộ, giáo viên và các cháu; Đối với cán bộ, giáo viên phải nắm vững được trách nhiệm, kiến thức phòng cháy chữa cháy để bảo đảm an toàn trong hoạt động (trông giữ trẻ, đun nấu, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt.), có biện pháp xử lý, thoát nạn cho các cháu và cho mình khi có cháy, nổ xảy ra".
"Các bên cần tăng cường tổ chức kiểm tra an toàn về phòng cháy chữa cháy đối với các trường mầm non, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đơn vị phòng cháy chữa cháy tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương, ngành giáo dục thực hiện việc hướng dẫn thực hiện các yêu cầu phòng cháy chữa cháy cho các trường mầm non trước khi cấp phép thành lập", thiếu tá Lê Minh Hải cho biết.
Nhưng thực tế, dù có những chỉ dẫn từ đơn vị phòng cháy chữa cháy, những đợt tập huấn, kiểm tra nhưng nguy cơ mất an toàn cháy vẫn đang rình rập các mầm non, nhóm trẻ tư thục.