Tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Thu Lũm, xã Thu Lũm, huyện Mường Tè - một trong những xã biên giới nhất của tỉnh Lai Châu, các em học sinh phấn khởi tựu trường từ ngày 1/9. Thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch COVID-19, nhà trường đã nhắc nhở học sinh trước khi đến trường đeo khẩu trang; đối với những em học sinh ở bán trú, hạn chế ra khỏi trường học, không tiếp xúc với người lạ. Trong buổi khai giảng năm học mới, nhà trường đã bố trí lực lượng đo thân nhiệt, sát khuẩn tay ngay tại cổng trường.
Thầy giáo Nguyễn Văn Duy, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Thu Lũm cho biết: Năm học 2021-2022, toàn trường có 219 học sinh. Do đặc thù là xã biên giới, các em học sinh đều là người dân tộc thiểu số nên việc các em được đến trường dự lễ khai giảng và học tập trực tiếp là một may mắn. Bởi nếu thực hiện hình thức học tập trực tuyến (online) nhà trường không thể thực hiện, do không có máy móc, trang thiết bị để hỗ trợ học tập hoặc nếu giao bài tập về nhà thì hiệu quả cũng không cao. Tận dụng thời gian quý giá này, nhà trường tăng cường dạy kiến thức cho các em, đối với những em ở bán trú các thầy cô sẽ bổ sung thêm kiến thức vào buổi tối, nhất là những học sinh lớp 9 để các em tiếp thu kiến thức một cách hiệu quả nhất.
Tại Trường Trung học phổ thông (THPT) Phong Thổ, huyện biên giới Phong Thổ (Lai Châu), từ 6 giờ 30 phút, các em học sinh đã tấp nập đến trường đón ngày khai giảng năm học mới. Tại đây, học sinh trước khi vào trường đều được lực lượng chức năng phân luồng, rửa tay sát khuẩn, đo thân nhiệt ở khu vực cổng trường. Sau đó, học sinh được hướng dẫn giữ khoảng cách an toàn và xếp hàng ngay ngắn dự buổi khai giảng.
Em Lý Hồng Hà, học sinh người dân tộc Dao lớp 10A4, Trường Trung học phổ thông Phong Thổ chia sẻ: Năm nay nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nên không thể tổ chức lễ khai giảng trực tiếp mà tổ chức bằng hình thức trực tuyến (online). Em cảm thấy mình may mắn hơn nhiều bạn vì được đón ngày khai giảng, được gặp bạn bè, thầy cô ở ngôi trường mới.
Còn em Đèo Thị Hậu, học sinh người dân tộc Thái lớp 12C3, Trường THPT Phong Thổ phấn khởi nói: Là học sinh cuối cấp, em cảm thấy mình may mắn hơn các bạn học sinh ở những tỉnh, thành phố đang có dịch diễn biến phức tạp. Các bạn thiệt thòi không được dự buổi khai giảng cuối cùng của đời học sinh và không được học trực tiếp trên lớp mà phải học online tại nhà. Vì vậy, em sẽ chăm chỉ học tập trong thời gian này để được cô giáo hướng dẫn, bổ sung kiến thức để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp có một kết quả cao.
Năm học 2021-2022, Trường THPT Phong Thổ gần 1.000 học sinh, với 21 lớp học, riêng khối lớp 10 có 8 lớp có hơn 400 học sinh ở tại hai điểm trường thị trấn Phong Thổ và xã Mường So. Toàn trường có 280 học sinh ở bán trú, đa số các em học sinh là người dân tộc thiểu số.
Thầy giáo Phạm Thành Vũ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường THPT Phong Thổ nói riêng và tất cả các trường học trên địa bàn tỉnh Lai Châu cảm thấy rất may mắn và tự hào vì đến thời điểm này tỉnh vẫn nằm trong vùng an toàn, để được tổ chức buổi khai giảng theo đúng lịch hàng năm. Dịp này, Trường THPT Phong Thổ đã được đón Bằng công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1 của Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu.
“Để thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa nâng cao chất lượng giảng dạy, nhà trường đã chỉ đạo các tổ nhóm chuyên môn xây dựng chương trình giảm tải, nhằm tận dụng tối đa thời gian giảng dạy trực tiếp. Mặt khác, trường cũng đã xây dựng phương án cụ thể trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp khi không thể học trực tiếp tại trường. Cụ thể, trường không tổ chức học online do điều kiện các em không có các thiết bị phục vụ học, nên trường sẽ gửi đề cương, bài tập đến các xã để chuyển đến cho các em làm tại nhà”, thầy Vũ cho biết thêm.
Năm học 2021-2022, toàn tỉnh Lai Châu có 346 cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung hoc cơ sở và trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, với hơn 150 nghìn học sinh; trong đó có khoảng 30.000 học sinh bán trú. Với đặc thù là tỉnh miền núi, biên giới, học sinh chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số, nên việc dạy học theo hình thức online sẽ gặp nhiều khó khăn bởi thiếu công cụ hỗ trợ. Vì vậy, 100% các nhà trường trên địa bàn tỉnh Lai Châu rất phấn khởi khi được tổ chức lễ khai giảng năm học mới và tranh thủ tận dụng thời gian vàng để tổ chức hoạt động dạy và học đạt hiệu quả cao.
Ông Đinh Trung Tuấn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu cho biết: Phương án tối ưu của năm học 2021-2022 là tận dụng tối đa quãng thời gian tình hình dịch bệnh tại địa phương đang ở trong giai đoạn bình thường mới để tổ chức dạy và học. Tuy nhiên, Sở cũng đã chỉ đạo các nhà trường chủ động phương án giảng dạy phù hợp với tình hình thực tế, khi dịch bệnh tại địa phương diễn biến phức tạp.
Cùng đó, Sở yêu cầu các đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định về 5K, giãn cách, vệ sinh sạch sẽ, khử khuẩn theo đúng quy định, nhất là học sinh ở bán trú, nội trú. Sau ngày tựu trường, khi dạy và học Sở cũng yêu cầu các đơn vị sắp xếp chương trình làm sao cho phù hợp, thích ứng với hoàn cảnh, điều kiện phòng, chống dịch mới, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục hiệu quả trong năm học mới.