Cụ thể, các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị của Thủ tướng cần đặt sự an toàn của học sinh, giáo viên lên hàng đầu. Trong điều kiện chưa đảm bảo an toàn để khai giảng trực tiếp thì tùy từng hoàn cảnh, địa phương có thể tổ chức lễ khai giảng trực tuyến. Ngày khai giảng được tổ chức ngắn gọn, cần giữ ý nghĩa, học sinh cảm nhận được không khí và thể hiện thông điệp “tạm dừng đến trường nhưng không ngừng việc học".
Ông Nguyễn Xuân Thành gợi ý, tùy điều kiện, các trường có thể sử dụng một phòng, căng phông khai giảng. Học sinh ở nhà vẫn có thể theo dõi thông điệp của năm học mới từ phát biểu của hiệu trưởng, hòa chung không khí tựu trường trên khắp cả nước, để các em không có cảm giác đứng ngoài cuộc.
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ yêu cầu trường học đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, dạy học trực tuyến để ứng phó trong tình hình dịch bệnh. Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành chia sẻ: Trong giai đoạn 1, khi dịch COVID-19 xảy ra, do chưa lường hết tình hình dịch bệnh nên có 1-2 tuần, học sinh nghỉ ở nhà, chỉ ôn tập bài cũ. Sau đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn yêu cầu tổ chức học trực tuyến, học qua truyền hình thì các trường tổ chức rất bài bản, học sinh được học theo đúng chương trình.
Trước tình hình dịch bệnh như hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang thực hiện tinh giản chương trình dạy học và sẽ ban hành thời gian tới. Tuy nhiên, việc tinh giản lần này không lấy việc rút ngắn thời gian học làm mục tiêu quan trọng nhất như giai đoạn 1 mà vẫn đảm bảo mục tiêu chương trình, chỉ giảm những nội dung mang tính nguyên liệu nhưng vẫn giữ yêu cầu cần đạt của chương trình.
Bắt đầu từ năm học này, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, học sinh mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên tựu trường sớm nhất ngày 1/9. Các trường tổ chức khai giảng vào ngày 5/9. Học kỳ I kết thúc trước ngày 16/1. Học kỳ II hoàn thành trước ngày 25/5. Năm học sẽ kết thúc trước ngày 31/5.