Thông tin trên được bà Trương Hồng Phượng, Phó phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tân Phú ( TP Hồ Chí Minh đưa ra tại hội thảo “Quản lý chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập”, do Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh tổ chức ngày 22/1.
Bà Trương Hồng Phượng chia sẻ, hiện nay các trung tâm giáo dục kỹ năng sống quảng cáo nhiều chương trình học với nhiều kỹ năng sống… Điều này đã khiến phụ huynh ngộ nhận, nghĩ trẻ vừa có thể học đúng chương trình giáo dục, vừa trang bị được nhiều kỹ năng. Theo đó, nhiều phụ huynh không ngần ngại gửi con tại các trung tâm này mà không biết đây là trung tâm không được phép tổ chức hoạt động nuôi dưỡng giáo dục mầm non theo quy định.
"Vì đối tượng học cho trẻ trong độ tuổi mầm non nên phụ huynh dễ ngộ nhận là cơ sở giáo dục mầm non có người nước ngoài tham gia giảng dạy. Khi phát hiện cơ sở này không được phép, phụ huynh không thể chuyển con qua trường khác vì đã lỡ đóng tiền", bà Phượng nói.
Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tân Phú, có 10 trung tâm dạy kỹ năng sống do Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cấp phép. Tuy nhiên, theo bà Trương Hồng Phượng, một số trung tâm dạy kỹ năng sống sau một thời gian hoạt động không tuyển sinh được theo loại hình đăng ký đã phát sinh nhiều hoạt động trá hình. Cụ thể, nuôi trẻ mầm non không đúng loại hình cho phép hoạt động, khi được cơ quan chức năng trên địa bàn quận kiểm tra thì có những hành động đối phó, gây cản trở trong việc kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý.
Từ thực tế trên, Phó phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tân Phú đề xuất, việc cấp phép hoạt động cho trung tâm giáo dục kỹ năng sống cần phải có quy định cụ thể về độ tuổi của mầm non tham gia; quy định cụ thể hơn về nội dung bảng hiệu thể hiện đúng loại hình hoạt động; phối hợp chặt chẽ với UBND và các đoàn thể; UBND phường kịp thời xử lý nghiêm các cơ sở hoạt động không phép, sai loại hình được cấp phép.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, những năm gần đây mô hình nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập phát triển nhanh về số lượng, đáp ứng nhu cầu gửi con của phụ huynh, giảm áp lực cho các trường mầm non công lập và tạo cơ hội học tập cho trẻ, vừa tạo việc làm cho người lao động. Tính đến nay, toàn Thành phố có 1.739 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập đang hoạt động trên 24 quận, huyện.
Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, chuyên viên Phòng Giáo dục mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho rằng, các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo tư thục độc lập từng bước được cải thiện và cơ bản đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của người dân lao động tại địa phương. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số nhóm lớp quy mô nhỏ chưa đảm bảo được điều kiện cơ sở vật chất như thiếu sân chơi, là nhà ở của gia đình; giáo viên trong các nhóm trẻ thường xuyên biến động, gây khó khăn quản và lý hỗ trợ hoạt động chuyên môn; đội ngũ quản lý giáo dục mỏng; thiếu tính chuyên sâu…
Bà Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho biết, trong thời gian tới phòng giáo dục mầm non sẽ tiếp tục tiếp tục tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với giáo dục mầm non ngoài công lập, tăng cường trách nhiệm chỉ đạo, điều hành và hiệu quả thực hiện của các cấp; thực hiện chặt chẽ các quy định về việc cấp phép thành lập các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập. Đồng thời, phối hợp với các phòng ban liên quan tham mưu UBND thành phố thực hiện các chính sách hỗ trợ thu nhập cho giáo viên và hoạt động của các nhóm lớp ngoài công lập.