Theo đánh giá của GS.TS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) Việt Nam, trong suốt 20 năm qua hệ thống các trường ngoài công lập đã có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng được nhiều nhu cầu của xã hội, góp phần vào sự phát triển chung của giáo dục ĐH cả nước. Tuy nhiên, vẫn còn những vấn đề tồn tại cần khắc phục.
Ông Nguyễn Cảnh Cam, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế - Công nghệ TP Hồ Chí Minh nhận định, hoạt động giáo dục Việt Nam đang tồn tại hai hệ thống là trường ĐH, CĐ công lập và ngoài công lập. Tuy cùng chung một mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực cao phục vụ cho đất nước, thế nhưng người học hai hệ thống trường này lại chưa có sự bình đẳng về chính sách hỗ trợ của nhà nước. Chẳng hạn, sinh viên công lập có chính sách hỗ trợ về học phí của nhà nước, còn sinh viên ngoài công lập thì không. Điều này tạo sự không công bằng cho người học ở hai hệ thống trường học.
Tương tự, PGS.TS Trần Thị Hồng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cũng cho rằng, các trường ĐH ngoài công lập tại Việt Nam ngày càng đóng vai trò quan trọng trong phát triển giáo dục ĐH, mỗi trường có sứ mạng riêng và tham gia vào hệ thống giáo dục đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực cho phân khúc khác nhau của thị trường. Tuy nhiên, hiện nay vai trò và vị thế của các trường ngoài công lập vẫn chưa được nhìn nhận, đánh giá đúng mực nên chưa có những chính sách, cơ chế, môi trường và điều kiện để tồn tại, phát triển bền vững. Chính vì vậy, số sinh viên theo học các trường ĐH ngoài công lập vẫn ở mức thấp, khoảng 13,16%.
PGS.TS Trần Quang Quý, Phó chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam cũng chỉ ra, việc xây dựng và phát triển các trường ĐH ngoài công lập hiện gặp nhiều khó khăn, trở ngại về cơ chế chính sách, sự ràng buộc của một số văn bản luật và dưới luật; thông tư hướng dẫn còn thiếu và chưa hợp lý. Bên cạnh đó, phần lớn quy mô các trường ĐH ngoài công lập còn nhỏ, đội ngũ giảng viên có tỷ lệ tiến sĩ còn thấp, cơ sở vật chất còn nghèo, nguồn thu chủ yếu từ học phí nhưng công tác tuyển sinh ngày càng khó khăn, dẫn đến việc đầu tư xây dựng chưa đảm bảo, chất lượng sinh viên tốt nghiệp chưa cao… Do vậy, niềm tin của xã hội vào chất lượng đào tạo thấp, dẫn đến tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp không có việc làm còn nhiều.
Để phát triển bền vững các trường ĐH ngoài công lập, PGS.TS Trần Quang Quý cho rằng cần phải loại bỏ tâm lý đối xử ngoài công lập, nhà nước cần xem các trường ĐH ngoài công lập là một bộ phận quan trọng của hệ thống ĐH và có chính sách ưu đãi đầu tư; quan tâm chăm lo đội ngũ giảng viên, coi đội ngũ giảng viên ĐH công lập như ngoài công lập, có chính sách hỗ trợ đầu tư cho nghiên cứu khoa học, ưu đãi về đất đai, thuế, hỗ trợ vay vốn, tăng cường quyền tự chủ cho các trường ngoài công lập, công khai minh bạch chất lượng đào tạo, kể cả ngoài công lập và công lập…
Ngoài ra, PGS.TS Trần Thị Hồng cũng đã đưa ra một số đề xuất, như cần chia sẻ trong công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học, tăng cường các hoạt động của các câu lạc bộ, đưa các câu lạc bộ hoạt động có định hướng và chuyên sâu hơn. Bên cạnh đó, cần bình đẳng giữa công – tư và luật hóa về các vấn đề tự chủ ĐH, trách nhiệm giải trình. Trong đó, cần làm rõ “các trường được tự chủ cái gì?” “Vai trò của Bộ Giáo dục và Đào tạo là kiểm soát hay giám sát”…
Ông Nguyễn Cảnh Cam cũng đề xuất nên tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập tiếp cận nguồn tài chính lãi suất thấp trong và ngoài nước, có như vậy mới có thể tăng cường năng lực công nghệ và cơ sở vật chất, kỹ thuật, nâng cao chất lượng đào tạo. Ngoài ra, nên miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập để cơ sở có điều kiện tái đầu tư, đổi mới trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện giảng dạy theo sự phát triển của công nghệ 4.0.
Một số ý kiến khác cũng cho rằng, cần phải có sự phân cấp trong tuyển sinh giữa trường công lập và trường ngoài công lập. Cụ thể, trường công lập tập trung tuyển sinh theo hướng nghiên cứu, còn đào tạo theo hướng thực hành nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội thì sẽ do các trường ngoài công lập đảm nhiệm. Theo đó, các trường ngoài công lập sẽ đóng góp kinh phí ngân sách để nhà nước tập đầu tư cho trường công.
Thực tế, mục tiêu đào tạo của hai hệ thống công lập và ngoài công lập khác nhau. Trong đó, các trường công lập đào tạo ra nhân lực trình độ cao, còn trường ngoài công lập là đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, có sức cạnh tranh cao trên thị trường lao động trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, các trường ĐH ngoài công lập cũng xác định rất rõ phân khúc của thị trường, đó là định hướng ứng dụng, thực hành và có xu thế liên kết với các trường CĐ nghề có cơ sở thực hành tốt mang tính thực tế cao.