Thành lập đã 3 năm nay nhưng Ban giám hiệu trường Tiểu học B thị trấn Đồng Văn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang vẫn phải mượn phòng của đơn vị khác để làm việc; đội ngũ giáo viên thay nhau lặn lội hàng chục cây số đến các điểm trường heo hút trên lưng núi để dạy học.
Học sinh của trường Tiểu học B thị trấn Đồng Văn co ro quanh đống lửa. |
Có tên nhưng không có trường Cách trung tâm phố cổ Đồng Văn chưa đầy 10 km nhưng phải mất gần 2 giờ đồng hồ mới lên được điểm trường Pố Lổ, thuộc trường Tiểu học B thị trấn Đồng Văn.
Nằm lơ lửng trên ngọn núi cao, vài căn phòng cấp 4 được dựng lên làm lớp học chìm trong sương mù dày đặc, từng cơn gió lạnh tê tái thổi ra từ những đỉnh núi xung quanh khiến không gian càng thêm âm u, tĩnh mịch.
Trong khoảng sân hẹp, hai cô giáo trẻ cùng hơn chục học sinh lớp 1, 2 đang co ro quanh đống lửa chập chờn, những đứa trẻ mặt mũi lem luốc, quần áo mong manh giơ đôi bàn tay nhỏ bé dí sát vào ngọn lửa để tìm hơi ấm.
Cô giáo Đoàn Thị Đan Phượng, Hiệu phó trường Tiểu học B thị trấn Đồng Văn cho biết: Pố Lổ là một trong 3/7 điểm trường thuộc trường Tiểu học B thị trấn Đồng Văn vẫn chưa có điện thắp sáng. Thời tiết trên vùng cao núi đá rất khắc nghiệt, có những hôm sương mù dày đặc, thầy trò trong cùng một lớp chẳng nhìn rõ mặt nhau, giáo viên đành phải tạm dừng buổi dạy, gom củi đốt ngoài sân trường để sưởi ấm cho học sinh và lấy ánh sáng…
Hầu hết các điểm trường đều nằm rải rác ở những thôn bản trên núi cao, cơ sở vật chất thiếu thốn nên việc đi lại của các giáo viên rất vất vả. Nhiều hôm trời mưa, đường lầy lội không thể đi xe máy, các thầy cô phải gửi xe ở nhà dân dưới chân núi để leo bộ lên lớp.
Những khó khăn của thầy và trò trường Tiểu học B thị trấn Đồng Văn, cán bộ và nhân dân sống trong huyện ai cũng biết. Nhiều người thắc mắc tại sao lại thành lập ra một ngôi trường mới, hoạt động độc lập, có con dấu và tài khoản riêng nhưng lại không có… trụ sở. Nghĩa là có tên nhưng không có trường.
Nguyên nhân bắt nguồn từ chủ trương “Nâng cao chất lượng giáo dục” của UBND thị trấn Đồng Văn và được UBND huyện Đồng Văn phê duyệt vào ngày 5/7/2012. Mong muốn của lãnh đạo là để giáo dục phát triển mạnh, phải xây dựng bằng được một trường tiểu học chuẩn quốc gia trên địa bàn.
Tuy nhiên, việc đó sẽ không thể thực hiện được vì trường Tiểu học thị trấn Đồng Văn với tổng số hơn 600 học sinh, có một trường chính khang trang nhưng lại có tới 9 điểm trường ở các thôn bản (theo quy định, ngoài các tiêu chí khác, để đạt chuẩn quốc gia, một trường tiểu học không được có quá 3 điểm trường).
Vậy là, trường Tiểu học B thị trấn đồng Văn ra đời, quản lý 7 điểm trường, để trường Tiểu học A thị trấn Đồng Văn vinh dự trở thành trường chuẩn quốc gia. Theo đề án tách trường của UBND thị trấn Đồng Văn thì đây là việc cần thiết, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.
Song song với việc tách trường, UBND thị trấn Đồng Văn cũng đã lên dự toán và đề xuất với UBND huyện Đồng Văn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho trường Tiểu học B thị trấn Đồng Văn.
Sau gần 3 năm được thành lập, trường Tiểu học B thị trấn Đồng Văn đã thực hiện công tác dạy và học theo đúng quy định, nhưng vẫn chưa được xây dựng cơ sở hạ tầng. Nhiều học sinh sắp lên THCS rồi mà vẫn chưa được nhìn thấy tấm biển trường của mình ra sao.
Mọi hoạt động quản lý, chuyên môn đều phải mượn địa điểm của trường Tiểu học A thị trấn Đồng Văn mới có thể tổ chức. Tài sản duy nhất mà trường Tiểu học B thị trấn Đồng Văn có là 7 điểm trường nằm ở các thôn trên những đỉnh núi cao với cơ sở vật chất sơ sài, tạm bợ.
Chở kinh phí
Bà Lý Trung Kiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn, cho biết: Việc tìm nguồn kinh phí để xây dựng trường Tiểu học B thị trấn Đồng Văn là một vấn đề mà lãnh đạo huyện rất trăn trở. Chúng tôi đã có địa điểm, thủ tục đất đai đã hoàn chỉnh, tuy nhiên mới chỉ san ủi được mặt bằng chứ chưa tiếp tục triển khai được vì chưa có kinh phí.