Hội thảo nhằm trao đổi, thảo luận, đánh giá thực tiễn việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến tổ chức và hoạt động của mô hình đại học trong hệ thống giáo dục quốc dân để từ đó nghiên cứu, đề xuất giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật về giáo dục đại học nói chung, về mô hình tổ chức và hoạt động của các đại học nói riêng.
Khai mạc Hội thảo, bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh, việc xây dựng và phát triển mô hình cơ sở giáo dục đại học đa ngành, đa lĩnh vực là xu thế vận động chung của giáo dục đại học thế giới, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về đào tạo nhân lực trong bối cảnh thay đổi nhanh chóng của thị trường lao động trước tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ IV.
Luật Giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2018 (Luật số 34/2018/QH14) đã khẳng định rõ, cơ sở giáo dục đại học trong hệ thống giáo dục quốc dân ở Việt Nam bao gồm chủ yếu 2 mô hình: Các trường đại học, học viện và các đại học – là cơ sở giáo dục đại học gồm nhiều đơn vị cấu thành hoạt động ở nhiều lĩnh vực chuyên môn cùng thống nhất thực hiện mục tiêu sứ mạng, nhiệm vụ chung về đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng. Theo quy định của Luật, thuật ngữ "Đại học" được dùng để chỉ các đại học với tư cách là "tổ hợp các trường đại học, viện nghiên cứu khoa học thành viên thuộc các lĩnh vực chuyên môn khác nhau, tổ chức theo hai cấp" như quy định tại khoản 8 Điều 4 Luật Giáo dục đại học năm 2012 (Luật số 08/2012/QH13), bao gồm các Đại học Quốc gia và đại học vùng hiện nay, mở ra hành lang pháp lý cho việc hình thành các Đại học đa ngành, đa lĩnh vực được phát triển lên từ các trường đại học truyền thống.
Tuy nhiên, trong thực tiễn triển khai thi hành Luật, việc tổ chức và hoạt động của mô hình đại học cũng nảy sinh một số vấn đề vướng mắc, bất cập cần được tháo gỡ, nhiều nội dung cần được quan tâm, làm rõ để tạo sự thống nhất từ nhận thức tới thực tiễn triển khai thực hiện Luật. Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo với mục tiêu lắng nghe ý kiến các chuyên gia, các nhà quản lý hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đại học trao đổi, phân tích, đánh giá kết quả thực tiễn triển khai các quy định pháp luật liên quan đến tổ chức và hoạt động của mô hình các đại học ở Việt Nam hiện nay.
Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Lê Quân chia sẻ, kể từ năm 2013 đến nay, Đại học Quốc gia Hà Nội được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao trong các lĩnh vực tổ chức, hoạt động và đã thực hiện tốt các quyền này. Sau gần 30 năm thành lập, mô hình tổ chức của Đại học Quốc gia Hà Nội cơ bản đi vào hoạt động ổn định. Các quy định, quy chế, vấn đề quản trị nội bộ đang được phát huy tốt. Trong những năm gần đây, các chỉ số phát triển của Đại học Quốc gia Hà Nội luôn được đảm bảo và ổn định.
Đại học Quốc gia Hà Nội tập trung ưu tiên đổi mới quản trị nội bộ để phân vai, trách nhiệm, quyền hạn, nghĩa vụ, nguồn lực để đáp ứng mục tiêu phát triển, đúng với nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, nhân dân giao. Đại học Quốc gia Hà Nội luôn cố gắng dựa trên bối cảnh, điều kiện, nguồn lực và cơ chế sẵn có để phát huy tốt nhất sự năng động, sáng tạo của hệ thống, đảm bảo tạo ra những sản phẩm, kết quả đáp ứng yêu cầu.
Các đơn vị thành viên, trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội được tổ chức và hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm xã hội cao, mở và liên thông, liên kết, phát huy lợi thế chuyên môn hóa và tự chủ trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, đảm bảo trong khuôn khổ quản lý và điều phối thống nhất. Do đó, Đại học Quốc gia Hà Nội cho phép các đơn vị chủ động tập trung các nguồn lực cho việc xây dựng đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất… liên quan đến chuyên ngành đào tạo, lĩnh vực nghiên cứu đặc thù.
Quản trị trong Đại học Quốc gia Hà Nội được thực hiện theo cách tiếp cận quản lý sản phẩm đầu ra. Chất lượng các đơn vị đào tạo và chương trình giáo dục được giám sát chặt chẽ thông qua hoạt động kiểm định chất lượng; đồng thời khuyến khích các trường thành viên tham gia kiểm định của các tổ chức kiểm định quốc tế có uy tín nhằm thúc đẩy việc nâng cao chất lượng và quá trình hội nhập. Tự chủ đại học cho phép các đơn vị phát huy thế mạnh, tạo ra sự khác biệt trong các lĩnh vực có thế mạnh cũng như tiếp cận với trình độ khu vực và trên thế giới.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết, khi Luật số 34/2018/QH14 ra đời, quyền tự chủ các trường đại học tăng lên rất nhiều, nhất là khi trường thành viên tự chủ cao hơn thì đặt ra vấn đề cấp Đại học Quốc gia cần quyền gì cao hơn đề làm tốt nhất sứ mạng? Làm sao để nâng cao hiệu quả hoạt động, nâng cao tính cạnh tranh? Vì vậy, cần nhận thức đầy đủ, đúng đắn về tự chủ đại học; đúng đủ những quy định trong Luật. Mô hình tổ chức hoạt động nào thì các đại học cũng bảo đảm quyền tự chủ gắn với trách nhiệm xã hội. Đại học mô hình ra sao cũng cần hướng đến lợi ích cộng đồng, xã hội…
Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Minh Tâm cho rằng, mô hình tự chủ của đại học Việt Nam đang có chiều hướng phát triển và được cụ thể hóa trong Luật. Các vấn đề cần làm rõ trong mô hình quản trị đại học gồm: Vai trò lãnh đạo của các tổ chức Đảng, đoàn thể; quyền hạn, trách nhiệm và mối quan hệ của Hội đồng đại học, Giám đốc, Ban Giám đốc, hội đồng trường, Ban Giám hiệu trường thành viên…
Trên cơ sở phân tích đặc thù đại học quốc gia, đại học vùng trong quản trị và tự chủ đại học theo mô hình 2 cấp, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Văn Chương, Chủ tịch Hội đồng Đại học Huế kiến nghị Chính phủ cần sớm ban hành Nghị định riêng hướng dẫn về tự chủ giáo dục đại học; không đánh đồng tự chủ đại học nói chung với tự chủ đại học 2 cấp với tự túc nguồn lực về tài chính.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Huy Bằng, Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh kiến nghị Chính phủ và các bộ, ban, ngành xem xét sửa đổi Luật, Nghị định, thông tư hiện hành để bảo đảm đồng bộ và nhất quán, tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục đại học thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.