Tại Hội thảo, GS Anne Yenching Liu, ĐH Đài Loan khẳng định: “Muốn thực hiện thành công việc tự chủ về khoa học công nghệ, các trường Đại học phải ứng dụng các giải pháp một cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện của trường mình”.
GS Hồ Tú Bảo (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản trong lộ trình dạy trí tuệ nhân tạo cho học sinh ở các bậc học,. Theo đó, ông chú trọng việc hướng cho học sinh, sinh viên sử dụng dữ liệu một cách thông minh, hiệu quả, đặc biệt cần dạy các môn khoa học, dạy toán cho học sinh có kiến thức nền tảng, có tư duy logic để có thể linh hoạt khi xử lý dữ liệu và đưa ra những phát minh mới. Đây cũng là 1 thách thức mà hiện nay các trường Đại học phải đối mặt khi triển khai đào tạo lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.
Với chuyên gia của Microsoft thì trong thời buổi công nghệ phát triển nhanh chóng, cơ hội việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp ngày càng hạn chế, điều quan trọng là các trường phải định hướng được cho sinh viên chuẩn bị các kỹ năng cần thiết cho tương lai. Đặc biệt xác định rõ cho các sinh viên: Muốn tồn tại trong thời đại khoa học công nghệ phát triển tốc độ cần có ý thức học tập liên tục, học tập suốt đời.
Hội thảo Khoa học Quốc tế "Tự chủ hoạt động khoa học công nghệ tại các trường đại học đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0" cũng là dịp để giới khoa học chia sẻ, công bố các kết quả nghiên cứu mới và các doanh nghiệp, viện, trường đẩy mạnh hợp tác chặt chẽ hơn trong nghiên cứu, giảng dạy, hoạt động khoa học và công nghệ để thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của các trường đại học.